Việt Nam tham dự COP26 - Sự kiện ngoại giao lớn nhất Anh kể từ Thế chiến 2 bàn gì?

Trang Ly |

COP26 nghĩa là gì?

Hôm nay (2/11) là ngày thứ 3 COP26 - Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu - hiệp ước lớn của Thỏa thuận Paris năm 2015 - diễn ra. 

Hơn 120 nhà lãnh đạo thế giới tham dự, với hơn 25.000 đại biểu từ 197 quốc gia, trong sự kiện ngoại giao lớn nhất trên đất Anh kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2 (1939-1945) - Sự kiện COP26 (diễn ra từ 31/10-12/11/2021) tại Glasgow, Anh.

Việt Nam tham dự COP26 - Sự kiện ngoại giao lớn nhất Anh kể từ Thế chiến 2 bàn gì? - Ảnh 1.

COP26 diễn ra từ 31/10 đến 12/11/2021 tại Glasgow, Anh. Ảnh: Sipa US/Alamy

Khi các nhà lãnh đạo thế giới hội họp để bàn bạc về các vấn đề môi trường/khí hậu, tờ The Guardian (Anh) đã đưa ra bản tóm tắt về các thuật ngữ chính xoay quanh.

UNFCCC

UNFCCC là từ tiếng Anh viết tắt của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, được ký năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất Rio (Brazil), ràng buộc tất cả các quốc gia trên thế giới - trừ một số quốc gia không tham dự - hành động để "tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm".

Nghị định thư Kyoto

Nỗ lực đầu tiên đưa công ước UNFCCC thành hành động là Nghị định thư Kyoto năm 1997, đặt ra các mục tiêu về cắt giảm khí thải cho mỗi nước phát triển, quy định cắt giảm 5% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu vào năm 2012. 

Việt Nam tham dự COP26 - Sự kiện ngoại giao lớn nhất Anh kể từ Thế chiến 2 bàn gì? - Ảnh 2.

Du khách trò chuyện trước một màn hình khổng lồ có thông tin liên quan đến Nghị định thư Kyoto tại COP23 ở Bonn, Đức. Ảnh: Patrik Stollarz / AFP / Getty Images

Tuy nhiên, nghị định thư này ngay lập tức gặp rắc rối khi Mỹ, nước ký hiệp ước dưới thời Tổng thống Bill Clinton, không thể phê chuẩn do vấp phải sự phản đối của Quốc hội Mỹ. 

Nghị định thư Kyoto cuối cùng đã có hiệu lực mà không có sự ủng hộ của Mỹ vào năm 2005, vì vậy các quốc gia bắt đầu hành trình dài để đạt được một thỏa thuận mới sẽ đáp ứng các mục tiêu của UNFCCC. Kết quả, vào năm 2015 Thảo thuận Paris về Biến đổi khí hậu ra đời. 

Thỏa thuận Paris

Tại COP21 (năm 2015), Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu ra đời - Đây được xem là bước ngoặt của COP21 tại Paris (Pháp) - Khi lần đầu tiên cả các nước phát triển và đang phát triển đồng ý hạn chế khí nhà kính (như CO2, CH4...) để duy trì mức nhiệt toàn cầu trong giới hạn nhiệt độ quy định. 

Mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở dưới mức 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, đồng thời "nỗ lực theo đuổi" để duy trì trong ngưỡng thấp hơn, an toàn hơn là 1,5 độ C. Các quốc gia đặt ra các mục tiêu để duy trì trong các giới hạn đó, dưới hình thức “Đóng góp quốc gia tự quyết định” (NDCs).

NDCs

Các khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định là các kế hoạch của quốc gia đó với các mục tiêu về cắt giảm khí thải, thường được chốt đến năm 2030 và một số chi tiết về cách thức đáp ứng các mục tiêu này. NDCs chính là cốt lõi của Thỏa thuận Paris. 

Việt Nam tham dự COP26 - Sự kiện ngoại giao lớn nhất Anh kể từ Thế chiến 2 bàn gì? - Ảnh 3.

COP26 là Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu. Ảnh: Mark Hall / Scotsman

Trong các cuộc đàm phán đi đến Thỏa Thuận Paris, các quốc gia đã miễn cưỡng chấp nhận các mục tiêu "từ trên xuống" như các mục tiêu trong Nghị định thư Kyoto, vốn đặt ra mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải, sau đó phân chia mức cắt giảm cần thiết cho các nước phát triển. 

Để không mang đến tình trạng khiên cưỡng, Liên Hợp Quốc chọn mỗi chính phủ đưa ra mức giảm phát thải mà họ cho là khả thi. 

Tuy nhiên, sau bản đệ trình của mỗi quốc gia về mức phát thải khác nhau (NDCs) đã dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu thảm khốc - trên 3 độ C - theo kịch bản phát thải mà các quốc gia đưa ra. 

Vì vậy, Thỏa thuận Paris có một cơ chế khác biệt, theo đó: Cứ 5 năm một lần, các nước phải quay lại bàn đàm phán với những cam kết mới, nhằm mang lại lượng khí thải phù hợp với các mục tiêu nhiệt độ chung.

1,5 độ C

Thỏa thuận Paris bao gồm 2 mục tiêu chính, đó là hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C; mục tiêu thứ hai khó khăn hơn là "nỗ lực" để hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. 

Các mục tiêu nhiệt độ này bắt nguồn từ các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc. 

Báo cáo đánh giá lần thứ tư năm 2007 của IPCC cho thấy thế giới có khả năng ấm lên ít nhất 1,8 độ C ngay cả khi các biện pháp hạn chế lượng khí thải được thực hiện và sẽ tăng lên 4 độ C "thảm họa" nếu lượng khí thải không tuân theo quy trình giảm phát nghiêm ngặt. 

Khi đó, các tác động của biến đổi khí hậu - như sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng, bão dữ dội và thời tiết khắc nghiệt khác - sẽ trở nên thảm khốc và không thể đảo ngược.

Một số nước phát thải lớn, bao gồm cả Trung Quốc, cho rằng 2 độ C là giới hạn thực tế duy nhất và việc lựa chọn một mục tiêu thấp hơn (tức là 1,5 độ C) sẽ rất khó khăn về mặt kinh tế. Tuy vậy, các quốc đảo nhỏ chỉ ra rằng khoa học cho thấy họ có khả năng bị ngập do mực nước biển dâng và bão dâng, khi nhiệt độ toàn cầu nóng lên trên 1,5 độ C. 

Việt Nam tham dự COP26 - Sự kiện ngoại giao lớn nhất Anh kể từ Thế chiến 2 bàn gì? - Ảnh 4.

Khẩu hiệu '1,5 độ' được chiếu lên tháp Eiffel cho COP21 năm 2015. Ảnh: Francois Mori / AP

Cuộc xung đột cuối cùng đã được giải quyết trong sự thỏa hiệp của hai mục tiêu tại Thỏa thuận Paris. Báo cáo của IPCC vào năm 2018 cho thấy thời tiết khắc nghiệt và các tác động nghiêm trọng sẽ diễn ra ngày từ mức tăng 1,5 độ C, vì vậy đối với COP26, nước chủ nhà Vương quốc Anh đã lấy mục tiêu cốt lõi của hội nghị là "giữ  Trái Đất ở 1,5 độ C".

Giảm nhẹ/Mitigation

Trong khuôn khổ UNFCCC, từ giảm nhẹ luôn có nghĩa là giảm phát thải khí nhà kính.

Sự thích nghi

(Đôi khi còn được gọi là khả năng phục hồi).

Thế giới đã ấm hơn 1,1-1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp và một số tác động của việc nóng lên toàn cầu hiện tại là không thể đảo ngược, vì vậy ngay cả khi chúng ta thành công trong việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải, chúng ta vẫn sẽ cần để thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt hơn. 

Cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, mạng lưới viễn thông, nhà ở và các khu vực nông thôn sẽ cần được điều chỉnh và bảo vệ, chẳng hạn bằng cách xây dựng đường sắt ít có khả năng bị nóng hơn hoặc đường ít có khả năng bị nóng chảy hơn và xây dựng những ngôi nhà không bị quá nóng.

IPCC

IPCC là cụm từ viết tắt tiếng Anh của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, đây là ủy ban thuộc Liên Hợp Quốc.

Nhóm các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới, được triệu tập lần đầu tiên bởi Liên Hợp Quốc và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vào năm 1988, đã đưa ra 5 báo cáo đánh giá toàn diện kể từ đó, mỗi báo cáo ngày càng chắc chắn và củng cố thông điệp rằng: Cuộc khủng hoảng khí hậu, gây ra bởi các hành động của con người làm gia tăng mức độ carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác trong khí quyển, đang tăng nhanh. 

Báo cáo IPCC mới nhất, báo cáo thứ 6, do Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 8/2021 cảnh báo khẩn cấp rằng: Cuộc khủng hoảng khí hậu "rõ ràng" là kết quả của các hành động của con người. Những tác động này đang tạo ra những thay đổi lớn, được xác định là "không thể đảo ngược", và một số thay đổi "chưa từng có" trong hàng trăm nghìn năm. 

Mêtan (CH4)

Bên cạnh CO2 - khí thải nhà kính chính gây nóng lên toàn cầu, còn có CH4. Đây là một loại khí nhà kính mạnh, có thể giữ nhiệt trong bầu khí quyển hiệu quả hơn khoảng 80 lần so với carbon dioxide (CO2). 

Việt Nam tham dự COP26 - Sự kiện ngoại giao lớn nhất Anh kể từ Thế chiến 2 bàn gì? - Ảnh 6.

Chăn nuôi chiếm một tỷ lệ đáng kể trong phát thải khí nhà kính. Ảnh: Damien Meyer / AFP / Getty Images

CH4 đến từ việc rò rỉ cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như giếng dầu và giếng khí đá phiến, và từ chăn nuôi và nông nghiệp khác.

SLCPs

Đây là viết tắt của các chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn. Chúng là các hợp chất như mêtan, hydrofluorocarbon và bồ hóng. Chúng phân huỷ hoặc rơi ra khỏi bầu khí quyển nhanh hơn so với carbon dioxide, nhưng trong khi chúng hoạt động có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm nóng bầu khí quyển, vì vậy các hành động giảm thiểu chúng có thể giúp nhân loại giảm bớt sự nóng lên sớm hơn. 

Ví dụ, mêtan giữ nhiệt hiệu quả hơn khoảng 80 lần so với CO2, và động thái giảm mạnh nó có thể làm giảm sự nóng lên tới 0,2 độ C theo một số ước tính của các nhà khoa học. 

Hydrofluorocarbon là chất thay thế cho các chlorofluorocarbon phá hủy tầng ozone, nhưng chúng có khả năng làm ấm cao, với một số có khả năng giữ nhiệt gấp 11.000 lần CO2.

Điều 6

Một trong những lĩnh vực quan trọng vẫn cần được giải quyết tại COP26 là Điều 6 của Thỏa thuận Paris, quy định về việc sử dụng các thị trường carbon. 

Trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, Điều 6 tạo điều kiện cho việc thực hiện các cơ chế dựa trên thị trường sau Nghị định thư Kyoto, cho phép các quốc gia hợp tác để xây dựng hoạt động giảm nhẹ với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân. 

Tại COP25, Điều 6 tiếp tục là một trong những trọng tâm thảo luận của các bên. Ba cơ chế chính gồm: Hợp tác thông qua chuyển giao quốc tế các kết quả giảm nhẹ phát thải; Cơ chế thị trường mới hoặc cơ chế phát triển bền vững do Công ước khung (UNFCCC) giám sát; Cơ chế phi thị trường, Báo Tài nguyên Môi trường thông tin.

Tài chính khí hậu

Tại COP15 diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2009, các nước đang phát triển được cam kết rằng rằng họ sẽ nhận được khoản tài trợ khí hậu ít nhất 100 tỷ đô la Mỹ/năm từ năm 2020 trở đi (từ các nước phát triển) để giúp họ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với các tác động của thời tiết khắc nghiệt. 

Lời hứa đó đã không được đáp ứng: Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), được công bố vào tháng 9/2021, cho thấy rằng tài chính khí hậu năm 2019 chỉ có khoảng 80 tỷ đô la Mỹ, thiếu rất nhiều so với cam kết.

Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian (UK)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại