Hình ảnh lao động Việt về quê thổi bùng nỗi lo thiếu nhân công ở phương Tây

Linh Anh |

Tình trạng thiếu hụt công nhân ở Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đang làm dấy lên nỗi lo về sự gián đoạn hơn nữa với chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến lễ Giáng sinh và năm mới ở phương Tây trở nên thiếu thốn.

Đại dịch Covid-19 hoành hành ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia gây ra gián đoạn với sự dịch chuyển của lực lượng lao động, thậm chí là xu thế đảo ngược, tác động trực tiếp tới khả năng sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nói rằng: "Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ở các thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới như Mỹ, EU thúc đẩy nhu cầu với hàng xuất khẩu của ASEAN".

Kết hợp những điều này, một cuộc khủng hoảng lao động xuất hiện tại các khu vực bị dịch tàn phá. Người lao động trong ngành sản xuất, vốn thường có lương thấp và dễ bị tổn thương, đã thực sự bị dịch bệnh "hạ gục".

Nhiều nhà máy ở Việt Nam đang phải nỗ lực giữ chân công nhân trước xu hướng người lao động nhập cư rời bỏ các trung tâm công nghiệp về lại quê hương sau nhiều tháng bị dịch bệnh làm cho kiệt quệ. Đây là nơi tập trung chủ yếu của các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép và điện tử. Cùng với đó là tình trạng thiếu nhân công.

Hiện tại, các nhà máy ở Việt Nam đang nỗ lực đưa công nhân trở lại hoạt động một cách an toàn. Tuy nhiên, các biện pháp phòng dịch cũng có thể tác động đến tốc độ sản xuất đồng thời ngốn nhiều nhân lực hơn cho việc quản lý. Tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam, dù đang được nâng cao, nhưng vẫn đang ở mức khoảng 17%, khiến việc sản xuất gặp thêm những trở ngại.

Malaysia và Thái Lan cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Với Malaysia, ngành công nghiệp dầu cọ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công do lao động nhập cư bị hạn chế. Malaysia sản xuất khoảng 1/3 lượng dầu cọ trên toàn cầu. Đây là nguyên liệu quan trọng, có mặt trong một loạt các sản phẩm khác nhau, từ sô cô la tới chất tẩy rửa và dầu gội đầu.

Lao động nhập cư, chủ yếu từ Bangladesh và Indonesia, là lực lượng chính trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, đợt bùng phát gần nhất khiến quốc gia này phải đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, làm những người rời Malaysia khó lòng quay trở lại làm việc. Gần đây, Chính phủ Malaysia đã phải nới lỏng các biện pháp nhằm đưa 32.000 lao động trở lại. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một nửa trong số 75.00 lao động mà Malaysia cần cho ngành công nghiệp dầu cọ.

Các đồn điền cọ dầu ở Malaysia đang tìm cách lôi kéo người dân địa phương tới làm việc dù sẵn sàng trả mức lương cao và tăng cường cơ giới hóa. Tuy nhiên, nó chưa đủ thu hút, nhất là khi tâm lý người Malaysia vốn không đề cao công việc này vì cho rằng nó chỉ là công việc của lao động nhập cư.

Trong khi đó, Thái Lan cũng gặp khó khi không thể tuyển mộ được người lao động từ Myanmar. Thái Lan là nhà sản xuất và xuất khẩu xe cộ, phụ tùng xe hơi, thiết bị điện tử và thực phẩm. Cuộc khủng hoảng lao động ở nước này tiếp tục đe dọa gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các phân khúc như sản xuất và nông nghiệp.

Bộ Lao động Thái Lan đang cố gắng tìm nguồn thay thế từ lao động địa phương nhưng có thể đây là một sứ mệnh khó khăn. "Đó là những công việc mà những người lao động Thái Lan không muốn làm", Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 với Reuters.

Tham khảo: Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại