Nhiều nước nghèo có thể bị bỏ lại trong cuộc đua thuốc điều trị Covid-19

Hoàng Phạm |

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chật vật tìm cách đảm bảo nguồn vaccine ngừa Covid-19, một số nước ở châu Á-Thái Bình Dương đã giảm tốc trong cuộc đua này. Nhiều nước trong khu vực đang nhanh chóng đặt hàng loại vũ khí mới nhất: thuốc điều trị Covid-19.

Merck hiện đang xin FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir. Ảnh: CNN

Merck hiện đang xin FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir. Ảnh: CNN

Molnupiravir, do công ty dược phẩm Merck của Mỹ sản xuất, đang được đánh giá là “kẻ thay đổi cuộc chơi” tiềm năng giúp chấm dứt đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với những người không thể tiêm vaccine. Merck hiện đang xin Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này và nếu được chấp thuận, đây sẽ là thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên chống Covid-19.

Theo phân tích của công ty Airfinity, tới nay, có ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ký hợp đồng hoặc đang đàm phán để mua Molnupiravir, trong đó có New Zealand, Australia và Hàn Quốc. Cả 3 nước này đều có sự khởi đầu chậm chạp trong chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Dù Molnupiravir rất hứa hẹn, nhưng các chuyên gia lo ngại nhiều người sẽ sử dụng loại thuốc này như một lựa chọn thay thế vaccine ngừa Covid-19. Theo các chuyên gia, cuộc đua tích trữ loại thuốc này ở châu Á có thể lặp lại những gì đã từng xảy ra với vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2020, khi các nước giàu bị cáo buộc tích trữ vaccine trong khi các nước thu nhập thấp hơn bị bỏ lại trong cuộc đua này.

“Molnupiravir thực sự có tiềm năng thay đổi cuộc chơi. Chúng ta cần phải đảm bảo sẽ không lặp lại sai lầm như đã từng chứng kiến với các loại vaccine ngừa Covid-19”, bà Rachel Cohen, Giám đốc khu vực Bắc Mỹ chương trình sáng kiến thuốc không lợi nhuận cho biết.

Molnupiravir là gì?

Molnupiravir được xem như bước tích cực vì nó mở ra cách điều trị Covid-19 tại nhà và các bệnh nhân không cần phải nhập viện.

Các thử nghiệm giai đoạn 3 trên hơn 700 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố đầu tháng này cho thấy, Molnupiravir có thể giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khoảng 50% so với các bệnh nhân được cho sử dụng giả dược. Dữ liệu đầy đủ về các cuộc thử nghiệm thuốc Molnupiravir vẫn chưa được công bố.

Nhiều chuyên gia nhận định đây là loại thuốc rất hứa hẹn. Không giống như các phương pháp điều trị Covid-19 khác, Molnupiravir có thể sử dụng tại nhà, giúp giải phóng nguồn lực cho các bệnh viện để có thể tiếp nhận các bệnh nhân mắc bệnh nặng hơn.

“Uống một viên thuốc đơn giản hơn rất nhiều. Đây có thể là kẻ thay đổi cuộc chơi”, ông Sanjaya Senanayake, bác sỹ chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại trường Y, Đại học quốc gia Australia cho biết.

Dù vậy, các chuyên gia nói rằng, vaccine vẫn là sự bảo vệ tốt nhất vì chúng có thể giảm nguy cơ mắc Covid-19.

Ở châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ tiêm vaccine ở nhiều nước đã cải thiện sau sự khởi đầu chậm chạp, nhưng vẫn có hàng triệu người chưa được tiêm chủng. Lý do có thể là vì họ không đủ điều kiện để tiêm hoặc không được tiếp cận với vaccine. Và đó là lý do cần có các loại thuốc như Molnupiravir.

“Có rất nhiều người không thể tiêm vaccine. Loại thuốc này sẽ là giải pháp hàng đầu nếu họ không may mắc Covid-19”, Nial Wheate, một giáo sư liên kết tại trường Dược, Đại học Sydney cho biết.

Tuy nhiên, ông Wheat và các chuyên gia khác cũng lo ngại, cùng với tâm lý ngần ngại tiêm vaccine, loại thuốc này sẽ khiến việc thuyết phục người dân tiêm vaccine trở nên khó khăn hơn.

Các nghiên cứu cho thấy người ta thường thích các loại thuốc dạng uống hơn là tiêm, theo ông Wheate.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thuốc điều trị Covid-19 không phải là sự thay thế cho các vaccine.

Ông Senanayake nói rằng, cách tiếp cận này tương tự như cách chúng ta điều trị cúm: có vaccine ngừa cúm, nhưng cũng có các loại thuốc kháng virus để điều trị những người mắc cúm.

Vì sao các nước châu Á-Thái Bình Dương mua trước thuốc điều trị Covid-19?

Theo dữ liệu của Airfinity, 10 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đàm phán hoăc đã ký hợp đồng đặt mua thuốc Molnupiravir và 8 trong số này ở châu Á-Thái Bình Dương.

Một số nước có thể đang cố gắng tránh mắc sai lầm khi việc đặt hàng chậm trễ đã dẫn tới việc chậm bàn giao vaccine ngừa Covid-19.

“Tôi nghĩ mọi người đều muốn chắc chắn rằng mình đang đi trước trong cuộc chơi, nhất là về các công nghệ mới”, ông Senanayake nói.

“Một số nước thu nhập tầm trung đang cố gắng không rơi vào cái bẫy mà họ đã mắc phải và bị tụt lại khi các nước thu nhập cao tích trữ vaccine ngừa Covid-19”, bà Cohen nhận định.

Hiện vẫn chưa rõ những nước này sẽ phải trả bao nhiêu tiên để mua thuốc Molnupiravir.

Mỹ đã đồng ý chi 1,2 tỷ USD mua 1,7 triệu liệu trình, tức là khoảng 700 USD/liệu trình nếu Molnupiravir được phê duyệt.

Trong khi đó một phân tích mới đây cho thấy, cần khoảng 18 USD để sản xuất một liệu trình thuốc Molnupiravir dựa trên tính toán chi phí nguyên liệu thô. Các nhà phân tích cảm thất bất ngờ khi giá thuốc ở mức cao như vậy, dự trên số tiền mà Mỹ sẵn sàng chi trả.

Merck chưa xác nhận phân tích này có chính xác hay không, dù trong một tuyên bố với CNN, công ty nói rằng các tính toán đó chưa tính đến việc nghiên cứu và phát triển.

“Chúng tôi vẫn chưa định giá cho thuốc Molnupiravir vì nó vẫn chưa được phê duyệt sử dụng. Chúng tôi đã có thỏa thuận mua trước từ chính phủ Mỹ và mức giá đó là rõ ràng với một khối lượng lớn thuốc Molnupiravir, nó không đại diện cho giá niêm yết đối với các nước khác”, công ty cho biết.

Trong một tuyên bố hồi tháng 6, Merck nói rằng, công ty này dự định sử dụng cách tiếp cận định giá phân tầng cho các nước khác nhau.

Nguy cơ chủ nghĩa dân tộc thuốc điều trị Covid-19

Các nước thu nhập thấp có thể sẽ chịu nhiều bất lợi khi nói đến việc sử dụng loại thuốc này.

Một khi Molnupiravir được phê duyệt sử dụng, các nước phải quyết định sẽ dùng loại thuốc này cho bất cứ ai có triệu chứng Covid-19 hay sẽ yêu cầu phải có xét nghiệm dương tính trước khi được kê đơn.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người bệnh phải được tiếp cận với quy trình xét nghiệm nhanh. Theo bà Cohen Ở một số nước đây có thể là một thách thức.

Những kết quả nghiên cứu hiện có về thuốc Molnupiravir dựa trên những người đã dùng thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Trong khi đó, ở một số nước việc xét nghiệm nhanh cũng là 1 vấn đề nan giải.

Tổ chức phi lợi nhuận Bác sỹ không biên giới đánh giá loại thuốc này là phương pháp cứu người tiềm năng, nhất là với những người sống ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có nguy cơ cao mắc bệnh. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là họ có thể tiếp cận loại thuốc này như thế nào?

Dù thuốc Molnupiravir dễ sản xuất, nhưng Merck nắm giữ bằng sáng chế và có thể quyết định cung cấp thuốc cho nước nào và ở mức giá nào.

“Điều đó có thể dẫn tới chủ nghĩa dân tộc liệu pháp điều trị (tương tự như chủ nghĩa dân tộc vaccine trước đây). Tiếp cận công bằng các loại thuốc kháng virus có thể là một thách thức lớn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”, bà Cohen nói.

Ông Senanayake cho rằng, có nguy cơ các nước giàu hơn đang tích trữ nhiều hơn so với phần công bằng của họ.

“Với Covid-19, bạn cần phải vượt qua sự ích kỷ của mình. Nếu bạn chỉ bảo vệ cái kén nhỏ của mình, đất nước nhỏ của mình, nếu dịch bênh vẫn xảy ra ở các nước khác, thì sẽ lại có biến thể mới có khả năng lẩn tránh vaccine”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại