Hình phạt cực 'nặng đô' với người không tiêm vắc xin Covid-19 tại các nước

Minh Thu |

Những người không thực hiện quy định bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ bị đưa vào diện nghỉ không lương, cấm làm việc từ xa và thậm chí đuổi việc, cấm đến các TTTM; nước Ý còn phạt tới 1500 euro người không tiêm mà đi làm.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho hay, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 tại Mỹ đã tăng lên hơn 20%, sau khi nhiều đơn vị áp dụng quy định bắt buộc tiêm ngừa. Hiện số ca mới mắc và tử vong vì Covid-19 ở Mỹ cũng đã giảm.

Straits Times đưa tin, trong tuyên bố hôm 13/10, ông Jeff Zients, người điều phối phụ trách dịch Covid-19 của Nhà Trắng, cho hay 77% đối tượng đủ tiêu chuẩn tiêm phòng đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19.

Hình phạt cực nặng đô với người không tiêm vắc xin Covid-19 tại các nước - Ảnh 1.

77% người Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 sau khi nhiều tổ chức thực hiện yêu cầu bắt buộc tiêm phòng. (Ảnh: Reuters)

Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 tại Mỹ tăng nhanh, sau khi nhiều nơi thi hành quy định bắt buộc tiêm chủng như các doanh nghiệp tư nhân, hệ thống chăm sóc sức khỏe, cơ quan xã hội, cùng các cơ quan chính phủ và địa phương.

Nhóm chuyên trách chống dịch Covid-19 của Tổng thống Biden gặp khó trong việc kiềm chế dịch bệnh, do nhiều người dân Mỹ vẫn từ chối tiêm phòng dù vắc xin luôn sẵn có và dư thừa.

Hồi tháng Chín, ông Biden đã thông báo về các chính sách quy định nhân viên ngành y tế, cùng người lao động trong các cơ quan thuộc chính phủ liên bang phải tiêm vắc xin Covid-19. Ngay sau đó, rất đông người lao động đã đi tiêm phòng, hoặc thực hiện làm xét nghiệm hàng tuần.

“Kể từ cuối tháng Bảy, khi Tổng thống Biden lần đầu tiên đưa ra các yêu cầu tiêm phòng và kêu gọi các tổ chức làm theo, số người Mỹ chưa tiêm phòng đã giảm khoảng 1/3 từ con số 97 triệu người xuống còn 66 triệu”, ông Zients nói.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) là Tiến sĩ Rochelle Walensky cho hay, trung bình số ca mắc Covid-19 trong vòng 7 ngày qua đã giảm 12% so với một tuần trước đó. Cùng thời gian này, số người chết vì Covid-19 cũng đã giảm 5%.

Song các quan chức Mỹ cảnh báo, khả năng một biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn cả Delta sẽ xuất hiện và tàn phá thế giới. Do đó, giờ chưa phải là lúc có thể chủ quan trong công tác phòng bệnh.

“Dù số ca mắc gần đây đã giảm, nhưng phần lớn các cộng đồng trên cả nước Mỹ vẫn ghi nhận tốc độ lây lan nhanh. Chúng ta cần phải tập trung đưa dịch Covid-19 trên cả nước vào tầm kiểm soát nhất là vào giai đoạn mùa thu và mùa đông thông qua quy định đeo khẩu trang và tiêm vắc xin”, Tiến sĩ Walensky nói.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, hơn 700.000 người Mỹ đã tử vong vì nhiễm virus corona.

Vấn đề kiểm soát dịch Covid-19 hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden. Hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa kêu gọi cần có thêm doanh nghiệp bắt buộc người lao động phải tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp tư nhân có trên 100 công nhân, chính phủ Mỹ yêu cầu tất cả phải tiêm phòng vắc xin Covid-19 mà hạn chót là vào ngày 8/12, hoặc phải thực hiện xét nghiệm hàng tuần.

Yêu cầu này ảnh hưởng tới 100 triệu người, tương đương 2/3 lực lượng lao động Mỹ.

Những người không tuân thủ quy định ban đầu sẽ được nhắc nhở và sau đó sẽ có thể sẽ bị sa thải.

Dù Nhà Trắng nhiều lần nhấn mạnh tiêm vắc xin Covid-19 chính là biện pháp quan trọng để tiến tới xóa bỏ đại dịch, nhưng một số bang có Thống đốc theo đảng Cộng hòa vẫn từ chối thi hành yêu cầu. Điển hình, Thống đốc bang Florida và Texas cáo buộc yêu cầu bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 là vi phạm quyền tự do của cá nhân.

Khác với Mỹ, quy định bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 ở một số nước trên thế giới được thi hành khá chặt chẽ kèm theo chế tài xử phạt.

Singapore

Đảo quốc sư tử đưa ra các quy định khác nhau đối với người dân dựa theo tình trạng tiêm phòng vắc xin Covid-19 của cá nhân.

Cụ thể, những người chưa tiêm phòng sẽ không được phép tới các trung tâm thương mại, cửa hàng trừ trường hợp là người cần chăm sóc y tế hoặc chăm sóc cho trẻ nhỏ.

Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh, những thay đổi trong công tác phòng dịch là nhằm “bảo vệ những người chưa tiêm phòng”, cũng như giải phóng sức ép đối với hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng.

Australia

Tất cả nhân viên y tế và người trong độ tuổi lao động, cùng nhân viên làm việc ở những khách sạn được dùng làm khu cách ly phải tiêm phòng vắc xin Covid-19. Những người cố tình đi làm trước khi tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 sẽ bị phạt 20.000 đôla Australia.

Các bang như Victoria và New South Wales còn yêu cầu người điều hành quán cà phê, nhà thờ, rạp chiếu phim phải đảm bảo nhân viên làm việc tại chỗ đã được tiêm chủng. Họ có quyền từ chối không phục vụ những khách hàng chưa tiêm vắc xin Covid-19. Những người chưa tiêm phòng hiện chỉ được làm việc tại nhà.

Anh

Nhân viên làm việc tại các nhà dưỡng lão ở Anh phải tiêm vắc xin Covid-19 hoặc sẽ bị đuổi việc.

Hộ chiếu vắc xin được dùng để vào câu lạc bộ đêm và những nơi tập trung đông người đã được áp dụng ở xứ Wales và Scotland.

Chỉ những khán giả đã tiêm phòng mới được vào sân bóng đá xem các trận thi đấu thuộc khuôn khổ Premier League. Các nhóm lưu động được thành lập để tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hoặc bắt buộc đối với khán giả vào sân.

Trung Quốc

Chỉ những người đã tiêm vắc xin Covid-19 mới được tới các địa điểm công cộng như bệnh viện và siêu thị ở nhiều tỉnh như Giang Tây và Chiết Giang.

Tại các tỉnh khác như Hà Nam và Quảng Tây, những sinh viên có người thân trong gia đình chưa tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 thì không được quay trở lại học tại các trường đã mở cửa hồi tháng Chín.

Canada

Nhân viên thuộc cơ quan chính phủ liên bang nếu không tiêm vắc xin Covid-198 sẽ bị đưa vào danh sách nghỉ không lương. Họ cũng không được phép làm việc từ xa. Các nhà thầu làm việc với chính phủ phải tiêm phòng đầy đủ hoặc không được thuê.

Từ ngày 30/10, người lao động và hành khách từ 12 tuổi trở lên đi tàu hỏa, máy bay và tàu thủy cần phải trình giấy xác nhận đã tiêm phòng trước 2 tuần sử dụng dịch vụ, hoặc sẽ bị phạt 5.000 đôla Canada.

Hình phạt cực nặng đô với người không tiêm vắc xin Covid-19 tại các nước - Ảnh 2.

Indonesia ban hành quy định xử phạt đối với người từ chối tiêm vắc xin Covid-19. (Ảnh: EPA-EFE)

Pháp

Nhân viên y tế phải tiêm phòng hoặc sa thải và cho nghỉ việc không lương.

Chỉ những người có hộ chiếu vắc xin xác nhận đã tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới có thể tới quán bar, cà phê hay di chuyển đường dài bằng tàu hỏa.

Indonesia

Chính phủ Indonesia đưa ra quy định bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 vào tháng Hai, đồng thời ban hành mức phạt 5 triệu rupiah đối với những đối tượng từ chối tiêm. Thậm chí, những người không tiêm phòng còn bị từ chối nhận sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ.

Trong khi đó, những người đã tiêm phòng lại được hưởng nhiều đặc quyền như được phép ngồi tụ tập ăn uống 4 người/bàn. Còn những người chưa tiêm sẽ chỉ được tối đa 2 người/bàn khi ngồi ăn ở ngoài trời.

Italy

Tất cả người lao động làm việc trong ngành tư nhân và công cộng cần phải có thẻ xanh xác nhận đã tiêm phòng vắc xin Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc mới hồi phục sau mắc Covid-19.

Người lao động không thể cung cấp giấy xác nhận y tế còn hiệu lực sau 5 ngày nghỉ sẽ bị đưa vào diện nghỉ không lương. Những lao động không tiêm phòng mà đi làm có thể bị phạt 1.500 euro.

Thẻ xanh được áp dụng đối với phần lớn người dân muốn vào các khu vui chơi giải trí và di chuyển đường dài bằng phương tiện vận tải công cộng.

Malaysia

Người dân Malaysia đã tiêm phòng đầy đủ vắc xin Covid-19 có thể di chuyển giữa các bang và đi ra nước ngoài. Họ còn được hưởng đặc quyền ra ngoài ăn tối và tham dự các sự kiện thể thao ngoài trời.

Những người tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 có thể xin thực hiện cách ly tại nhà sau các chuyến di chuyển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại