Quét mã QR trên căn cước công dân sẽ sao chép được 7 trường thông tin

ĐỖ TRUNG |

Ứng dụng zalo hoặc các ứng dụng khác khi đọc mã QR trên thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ đọc và copy (sao chép) được 7 trường thông tin cơ bản của người dân theo quy định.

Liên quan đến các thông tin như tiêm chủng, giấy đi đường, hộ chiếu,... được tích hợp vào CCCD như vừa qua C06 công bố, việc giao dịch các thủ tục hành chính của người dân dần trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn. Nhưng song song với đó, các cơ quan sẽ kiểm tra thông tin trong CCCD như thế nào, có cần thiết bị chuyên dụng để quét mã QR hay chỉ cần ứng dụng zalo trên thiết bị di động thông minh để kiểm tra?

Quét mã QR trên căn cước công dân sẽ sao chép được 7 trường thông tin - Ảnh 1.

Quét mã QR trên thẻ CCCD hiện nay hiển thị 7 trường thông tin của công dân

Nếu dùng zalo có đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin, dữ liệu? Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an - C06) cho biết, Bộ Công an nghiên cứu, triển khai các ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 và ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD để tích hợp nhiều tiện ích số của công dân trên thẻ CCCD gắn chip điện tử với mục tiêu phát huy nền tảng dữ liệu sẵn có của công dân, tận dụng hạ tầng, nguồn nhân lực đảm bảo tiết kiệm, không lãng phí, phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân nên hoàn toàn miễn phí.

Do vậy, Bộ Công an cung cấp các hình thức khác để đọc mã QR trên thẻ CCCD gắn chip điện tử (hoàn toàn miễn phí).

Hiện nay, theo Bộ Công an, có các hình thức đọc mã QR trên thẻ CCCD gồm: Qua ứng dụng VNEID (ứng dụng của Bộ Công an); camera hoặc các thiết bị chuyên dụng đọc mã QR kết nối với máy vi tính (sử dụng tài khoản đăng ký tại Website http://kiemdich.dancuquocgia.gov.vn) để đọc mã QR.

Thiếu tá Dũng thông tin, ứng dụng zalo hoặc các ứng dụng khác khi đọc mã QR trên thẻ CCCD sẽ đọc và copy được 7 trường thông tin cơ bản của người dân theo quy định.

Việc xác định có lộ, lọt thông tin hay không là do hành vi đó quyết định. Nếu zalo hoặc các thiết bị, ứng dụng đọc dữ liệu mà được sự đồng ý của người dân, thì hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Nhưng, nếu chưa có sự đồng ý của người dân mà thu thập thì sai quy định của pháp luật.

Đối với các trường thông tin được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chip điện tử, muốn đọc được dữ liệu phải sử dụng ứng dụng VNEID. Do vậy, toàn bộ dữ liệu của người dân được đảm bảo an ninh, an toàn, không bị lộ lọt, đánh cắp.

Cũng theo đại diện C06, việc khai báo di chuyển nội địa, khai báo y tế tại các điểm công cộng với nhiều hình thức khác nhau như: Quét mã tờ khai, chekpoint… tại các điểm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng thêm hình thức thẻ CCCD gắn chip điện tử để phục vụ công tác phòng, chống dịch (thêm sự lựa chọn) hiệu quả, chính xác, tiết kiệm.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai các tính năng chip điện tử được trang bị trên thẻ CCCD sẽ cung cấp đa dạng hơn các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu. Kể cả các tiện ích trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, các thông tin được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chip điện tử đều được Bộ Công an kiểm tra, đối chiếu, so khớp, xác minh kỹ trước khi tích hợp lên thẻ CCCD.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, cho biết, tính tới hiện tại, Bộ Công an đã trả khoảng 50 triệu thẻ CCCD tới người dân. C06 đang phối hợp với chuyên gia để nghiên cứu, sản xuất máy đọc mã QR trên thẻ CCCD chuyên dụng có thể gắn với máy tính; nghiên cứu máy đọc độc lập có thể tự động kiểm tra (dạng máy OCR) tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo tính chính xác, duy nhất, chống làm giả thông tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại