Việt Nam có thể đánh bại Trung Quốc để trở thành 'công xưởng sản xuất của thế giới'?

Ánh Nguyệt |

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Vậy cơ hội nào cho Việt Nam thay thế Trung Quốc để trở thành "công xưởng sản xuất mới toàn cầu"?

Điều gì giúp Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực

Nhóm các nhà kinh tế của AXA Investment Managers Asia có trụ sở ở Singapore đã đưa ra phân tích và lý giải nguyên nhân Việt Nam có thể trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực, đồng thời đánh giá triển vọng trở thành "công xưởng thế giới thứ hai" sau Trung Quốc của nền kinh tế Đông Nam Á này.

Theo hai nhà kinh tế Aidan Yao và Shirley Shen, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á (không tính Trung Quốc), hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu nhiều thập kỷ gần đây.

Các chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô của AXA Investment Managers Asia khẳng định: “Việt Nam ngày càng tăng khả năng cạnh tranh thương mại và trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn trên thế giới”.

Theo đánh giá của AXA Investment Managers Asia, việc Việt Nam hội nhập thành công trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chính là "chìa khóa" để hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong khu vực, Việt Nam được xếp hạng cao về hiệu quả kinh tế, được thúc đẩy nhờ lợi nhuận mạnh mẽ của phát triển sản xuất và tiềm năng xuất khẩu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, nền kinh tế lớn khác nhau trên thế giới như Nhật Bản (VJEPA), Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…, điều này đã tạo môi trường thuận lợi để quan hệ thương mại phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Các nghiên cứu trước của AXA Investment Managers Asia đều có chung nhận định rằng, Việt Nam là bên chiến thắng nổi bật về thị phần xuất khẩu toàn cầu trong những năm gần đây.

Đặc biệt là khi Trung Quốc vươn lên thành công khẳng định giá trị trong chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu, bỏ qua những khoảng trống tăng trưởng giá trị thấp hơn, thâm dụng lao động giá rẻ, khiến nước này mất đi khả năng cạnh tranh so với quốc gia láng giềng đang bứt phá mạnh mẽ như Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu của AXA Investment Managers Asia cho biết: “Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua, vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của khu vực châu Á”.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam được xem là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất tăng nhanh cũng góp phần đưa Việt Nam vươn lên trở thành một cường quốc xuất khẩu trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung.

Số liệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 29% trong năm 2019. Vào cuối năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 6 vào thị trường Mỹ, tăng từ vị trí thứ 12 trong năm 2017.

Về vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đặc biệt thành công nhờ các chính sách ưu đãi của chính phủ suốt thời gian qua. Đặc biệt, dòng vốn FDI của Việt Nam tăng nhanh nhất trong khu vực.

Đến năm 2020, Việt Nam có 369 khu công nghiệp, tăng 180% so với năm 2005. Việt Nam cũng đã thăng hạng trong xếp hạng chỉ số “thuận lợi kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 23 bậc lên hạng 70 so với 10 năm trước.

Bên cạnh đó, về các điểm đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên mức độ thuận lợi kinh doanh, chất lượng hậu cần, chi phí tiền lương, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như những thay đổi trong tỷ trọng xuất khẩu và FDI, Việt Nam được đánh giá là nước có khả năng cạnh tranh cao nhất trong khu vực. Điều này giúp gia tăng thị phần xuất khẩu ấn tượng trong những năm gần đây.

Về ngành sản xuất của Việt Nam trong thập kỷ qua, loạt thống kê cho thấy giá trị của ngành tăng cao nhất, gấp đôi mức tăng của Ấn Độ.

Theo AXA Investment Managers Asia, một trong những nguyên nhân quan trọng để Việt Nam vươn lên như một cường quốc sản xuất, lắp ráp thương mại là khả năng thu hút doanh nghiệp tái định cư, tái thiết lập cứ điểm sản xuất.

Hai chuyên gia kinh tế Shirley Shen và Aidan Yao cho hay, ngoài làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ những nước phát triển sang cộng đồng các quốc gia đang phát triển, nghiên cứu trước đây của AXA cũng chỉ ra rằng lợi nhuận sản xuất thấp khiến các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới bắt đầu di cư ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây.

Nguyên do được chỉ ra rằng Trung Quốc có nền kinh tế phát triển quá nhanh, chi phí lao động ngày càng tăng, các khoản chi phí vận hành sản xuất cũng tăng chóng mặt hay gần đây là căng thẳng thương mại đối với Mỹ, cùng với tác động của đại dịch COVID-19 khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất ngày càng được đẩy nhanh hơn.

Cuối năm 2018 và 2019, Samsung cũng lần lượt đóng cửa hai nhà máy lắp ráp điện thoại lớn ở Trung Quốc, chuyển sang Việt Nam, để rồi một nửa số thiết bị cầm tay hàng đầu tập đoàn điện tử Hàn Quốc này được lắp ráp tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Các chuỗi cung ứng về sản phẩm thời trang, may mặc, giày dép hàng đầu gần đây như Nike và Adidas, quyết định chuyển cơ sở sản xuất của họ khỏi Trung Quốc cũng đã lựa chọn Việt Nam như một cứ điểm an toàn.

Ngoài ra, nhiều ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, và Intel, cũng đã chuyển dịch hoặc đang trong quá trình chuyển đổi các bộ phận trong dây chuyền sản xuất của mình sang Việt Nam.

Việt Nam có thể trở thành "công xưởng thế giới" thay thế Trung Quốc?

Theo ông Aidan Yao và bà Shirley Shen, mặc dù Việt Nam là điểm đến được ưa chuộng về tái định cư chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, khả năng để quốc gia Đông Nam Á này trở thành "nhà máy mới của thế giới" hay "công xưởng sản xuất mới toàn cầu" là ít khả năng.

Nhóm nghiên cứu chỉ rõ: “Quy mô nền kinh tế là vấn đề quan trọng khi nói đến dự báo Việt Nam có khả năng thay thế vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. So với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thực tế kinh tế Việt Nam nhỏ hơn nhiều – chỉ bằng 1/5 GDP và 1/5 dân số Trung Quốc cũng như tổng lực lượng lao động sản xuất hiện có”.

Ngoài ra, sản lượng sản xuất của Việt Nam chỉ chiếm 0,3% tổng sản lượng toàn cầu, trong khi Trung Quốc lên tới 28%.

Các so sánh khác, bao gồm cả nghiên cứu và chi tiêu cho phát triển (R&D), xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến vận tải đường sắt, giá trị cổ phiếu, công suất phát điện đều cách biệt đáng kể tạo khoảng cách lớn về quy mô giữa Việt Nam và nước láng giềng khổng lồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại