Một công ty được Tổng thống Putin 'chúc phúc' sẽ giúp Nga gia tăng ảnh hưởng với châu Âu nhờ dòng khí đốt từ Bắc Cực

Linh Anh |

Trước khi cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng tại châu Âu, một công ty Nga đã được trao giấy phép để khai thác khí ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh, bao gồm cả Bắc Cực.

Novatek, nhà sản xuất khi tự nhiên độc lập lớn nhất của Nga, rất được lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong nhưng năm qua, nhà sản xuất khí đốt này liên tiếp nhận giấy phép khai thác trên khắp nước Nga và bắt đầu phát triển các dự án mới khổng lồ, bao gồm cả những vùng xa xôi của Bắc Cực. Họ được Điện Kremlin hết lòng ủng hộ.

Trong số các nhà máy mới có Yamal LNG mà hiện đã hoạt động nhiều hơn 14% công suất thiết kế ban đầu. Đến năm 2023, Arctic LNG 2 sẽ hòa vào dòng khí xuất khẩu của Nga và nó đang vượt kế hoạch. Một dự án khác cũng sẽ hòa vào dòng khí của Nga vào năm 2025 thay vì 2026 như kế hoạch.

Leonid Mikhelson, ông chủ của Novatek, là khách quen của Điện Kremlin. Công ty này cũng rất được thiện cảm của Tổng thống Putin. Novatek hiện đang chiếm 5% sản lượng LNG trên toàn cầu và đến năm 2035, sản lượng LNG của Nga sẽ đạt 140 triệu tấn, đưa quốc gia này trở thành nhà sản xuất khi hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Trong một cuộc họp hồi tháng 5, Tổng thống Putin nói rằng ông trân trọng Novatek vì "những đóng góp nghiêm túc của công ty này cho phát triển năng lượng xanh" và đề nghị hỗ trợ hết mình cho kế hoạch xây dựng mạng lưới cung cấp khí đốt của công ty tới khắp châu Âu. Mỗi tháng có khoảng 2.000 tấn LNG của họ được chuyển tới châu Âu, với 10 trạm ở Đức và Ba Lan. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Khí tự nhiên được quảng cáo như thứ nhiên liệu có thể giúp nhân loại giảm phụ thuộc vào than đá, qua đó đạt các mục tiêu về môi trường. Dòng khí từ Bắc Cực không chỉ giúp nước Nga giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp họ gia tăng vị thế với châu Âu, nhất là khi khí đốt của nước Nga đang đóng vai trò chủ chốt ở châu lục này.

Những ngày gần đây, báo chí phương Tây liên tiếp nhắc đến Tổng thống Putin như người nắm giữ "vận mệnh" châu Âu trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao đột biến vì khan hiếm nguồn cung, nhất là khi mùa đông đang tới dần. Việc một câu nói của ông Putin khiến giá khí đốt giảm mạnh càng khiến châu Âu lo lắng về sự phụ thuộc của mình vào nước Nga.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, giá khí đốt phi mã do nhu cầu tăng đột biến cả ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latin. Ngoài việc nguồn cung hạn chế, các nước cũng đang làm mọi cách để lấp đầy kho dự trữ trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch và mùa đông đang đến dần. Việc các nước tìm tới các lô hàng giao ngay đã khiến giá cả nhảy múa chóng mặt vì người trả giá cao nhất chính là người được mua.

Trong khi đó, truyền thông phương Tây cho rằng nước Nga dùng châu Âu làm "con tin" nhằm nhanh chóng hoàn thành đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã bác bỏ điều này bởi châu Âu hiện khó tìm được nguồn cung khí đốt thay thế Nga. Việc giá khí đốt ngay lập tức giảm xuống khi Tổng thống Putin tuyên bố gia tăng nguồn cung đã chứng minh điều đó.

Ngoài ra, việc cho Nord Stream 2 hoạt động hết công suất cũng sẽ có lợi cho châu Âu. Nó giúp an ninh năng lượng của châu lục này được đảm bảo và Nga cũng cảm thấy thoái mái hơn khi không phải tới châu Âu thông qua Ukraine, vốn đang do những người thân phương Tây nắm quyền lãnh đạo.

Tuy nhiên, việc an ninh năng lượng phụ thuộc vào Nga là điều gì đó khiến cho các lãnh đạo phương Tây cảm thấy bất an, nhất là khi mối quan hệ Nga – phương Tây rơi xuống mức thấp nhất thời gian gần đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại