Tiềm năng lĩnh vực mà ông Dũng "lò vôi" đầu tư nhà máy để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu

Quỳnh Anh |

Mới đây, nhà máy sản xuất găng tay y tế của vợ chồng ông Dũng "lò vôi" đã đi vào hoạt động và sẽ hướng đến thị trường Mỹ, châu Âu vào năm 2022. Liệu đây có phải thời điểm ngành sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) ở Việt Nam "bùng nổ"?

Nhu cầu về PPE trên thế giới vẫn còn tăng đến năm 2025

Theo UNICEF, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đã tăng vọt. Điều này dẫn đến hạn chế nguồn cung nghiêm trọng khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng tăng.

Việc sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân, đặc biệt là khẩu trang y tế, đã dần trở nên phổ biến trên thế giới. Không chỉ khẩu trang y tế, PPE còn bao gồm áo choàng, kính bảo hộ, găng tay, tấm che mặt và các vật dụng khác.

Do những sản phẩm này được sử dụng bởi lực lượng tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, cho nên chất lượng sản phẩm là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm, bao gồm Covid-19.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhận định, nhu cầu đối với các sản phẩm PPE đảm bảo chất lượng trên toàn cầu như khẩu trang, găng tay y tế, kính và giày bảo hộ, mặt nạ phòng độc, bộ đồ bảo hộ, áo khoác và bộ đồ bảo hộ toàn thân đã tăng gấp 3-4 lần giai đoạn 2019-2020. Và nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng 6-9%/năm, tối thiểu đến năm 2025 do các chương trình tiêm chủng vaccine trên thế giới chưa thể triển khai nhanh như kỳ vọng.

Còn theo số liệu của Statista, giá trị thị trường của thiết bị bảo vệ cá nhân trên toàn thế giới sẽ có xu hướng tăng trong giai đoạn 2019-2027. Theo đó, giá trị ước tính sẽ đạt 92,86 tỷ USD vào năm 2027.

Tiềm năng lĩnh vực mà ông Dũng lò vôi đầu tư nhà máy để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu - Ảnh 1.

Giá trị thị trường của thiết bị bảo vệ cá nhân trên toàn thế giới giai đoạn 2019-2027. Nguồn: Statista

Tiềm năng của ngành sản xuất đồ PPE ở Việt Nam lớn thế nào?

IFC tháng 6/2021 đã nhận xét, năng lực sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) của Việt Nam đã tăng vọt với sản lượng tăng gấp 6 lần vào năm 2020.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, việc xuất khẩu một số nhóm hàng như khẩu trang, đồ bảo hộ lao động, bộ đồ y tế.. đã giúp mang về doanh thu 1,73 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2020.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng hơn 305,6 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại. Tính riêng tháng 8/2021, số lượng khẩu trang đã xuất khẩu của Việt Nam trong tháng là 15,64 triệu chiếc, tăng 24,8% so với số lượng xuất khẩu ghi nhận trong tháng 7/2021.

Mới đây, Công ty Cổ phần Glove Đại Nam do ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") làm chủ đã trao tặng 20.000 hộp găng tay đợt 1 cho các bệnh viện dã chiến, chốt kiểm soát... nhằm chung tay kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng chính là lô găng tay thành phẩm đầu tiên của công ty.

Theo định hướng của ông Huỳnh Uy Dũng, nhà máy găng tay 1 tỷ USD trong năm 2022 sẽ sản xuất găng tay phẫu thuật, hướng đến xuất khẩu thị trường Mỹ, châu Âu là chính. Tuy nhiên, ông chủ Đại Nam nhấn mạnh, nếu Việt Nam cần thì công ty sẽ luôn để lại 1 phần.

Bên cạnh dự án nhà máy găng tay của vợ chồng ông chủ Đại Nam, Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp khác cũng sản xuất các sản phẩm PPE và được công bố bởi Bộ Y tế. Ví dụ như với mặt hàng khẩu trang 3,4 lớp có thể kể đến Công ty TNHH Tập đoàn Phú Bảo, với năng lực sản xuất lên đến 1,3 triệu chiếc/ngày.

Hay như CTCP Y tế Danameco, mỗi ngày doanh nghiệp này có thể sản xuất 80 nghìn mũ bảo hộ; 90 nghìn bộ áo liền quần phòng chống dịch các cấp độ từ 1-4; 3 triệu khẩu trang y tế loại 3,4 lớp...

Ngoài ra, CTCP VRG Khải Hoàn (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) cũng được biết đến là đơn vị sản xuất găng tay y tế có công suất lớn nhất Việt Nam, với thương hiệu Vglove. Hiện doanh nghiệp đã kín đơn hàng trong năm 2021 và chốt toàn bộ sản lượng đến năm 2022. Hầu hết hàng chủ yếu xuất đi sang các nước Mỹ, châu Âu, Nhật và phần còn lại phục vụ cho thị trường nội địa.

Không chỉ có sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng liên tiếp đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm PPE. Năm 2020, Công ty TNHH Top Glove (Malaysia) đã công bố kế hoạch phát triển nhà máy sản xuất găng tay đầu tiên ở Việt Nam tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương), với vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 70 triệu USD, công suất khoảng 4,8 tỷ găng tay/năm.

Một số các công ty Nhật Bản cũng mở rộng sản xuất PPE tại Việt Nam như Tập đoàn Nitto Denko, chuyên sản xuất nguyên liệu cho khẩu trang N95; Công ty TNHH Shingoshu, chuyên sản xuất PPE và vải nguyên liệu; Công ty TNHH Showa, chuyên sản xuất khẩu trang y tế; Công ty Able Yamauchi, chuyên may quần áo bảo hộ y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại