Hà Nội mở lại dịch vụ kinh doanh: 'Không chủ quan lơ là, dịch bùng phát mọi nỗ lực sẽ phải làm lại từ đầu'

Hoàng An |

Từ sáng hôm nay 21/9, Hà Nội cho phép một số dịch vụ kinh doanh ăn uống được mở bán mang về và dừng hoạt động trước 21h hàng ngày.

Một số dịch vụ kinh doanh ăn uống được phép hoạt động, bán mang về. Ảnh: QĐ.

Một số dịch vụ kinh doanh ăn uống được phép hoạt động, bán mang về. Ảnh: QĐ.

Khuya 20/9, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Hà Nội ký ban hành văn bản thành phố áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 trên địa bàn.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; vật tư, vật liệu xây dựng; kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến, cũng trong diện được hoạt động. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Ngoài ra, văn bản cho phép một số hoạt động chính trị diễn ra theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, cơ quan doanh nghiệp, công sở được bố trí cán bộ, viên chức theo tỷ lệ 50/50; các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người....

Sáng 21/9, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc Hà Nội mở một số hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ là hoàn toàn đúng đắn, đảm bảo mục tiêu kép "vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa nâng cao công tác phòng chống dịch".

Nhưng bên cạnh đó, mọi người phải thực hiện tốt quy định, Chỉ thị của thành phố, bán hàng nghiêm chỉnh. Những ổ dịch còn lại phải phong toả chặt, nhỏ, hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng đến cuộc sống, an sinh của người dân.

Theo ông, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Đây là tín hiệu mừng. 

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh ở một số tỉnh, thành trên toàn quốc vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ông Trần Đắc Phu cho rằng, việc ở nhà suốt hai tháng thực hiện giãn cách xã hội khiến tâm lý người dân "muốn ra ngoài giải toả". Đặc biệt trong ngày 21/9 là dịp Tết trung thu thì việc người dân đổ ra đường, nơi công cộng đông là điều có thể xảy ra.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyên, người dân ở Hà Nội hết sức chú ý. Bởi tình hình dịch vẫn phức tạp, chưa thể khẳng định hết các ca trong cộng đồng. 

Điển hình như ổ dịch phường Việt Hưng (quận Long Biên) mới đây ghi nhận 13 ca dương tính chưa rõ nguồn lây, hay chùm 4 ca bệnh trong cùng gia đình ở chung cư Park View Tower - Đồng Phát, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai mới được phát hiện.

Với những người đi từ vùng dịch về, ông Phu cho biết, cơ quan chức năng khó quản được hết nên nguy cơ vẫn còn.

"Chúng ta không nên chủ quan, càng lúc này, người dân càng phải nâng cao cảnh giác. Mỗi người chủ quan lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên, lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, lại phong toả…", ông Trần Đắc Phu nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại