Tổng thống Biden đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 70% dân số thế giới

Minh Hạnh |

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đề xuất mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số thế giới trong năm tới tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về vaccine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang lên kế hoạch triệu tập một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về vaccine với sự tham gia của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) vào tháng này. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng dự kiến sẽ đề xuất mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số thế giới tại hội nghị này.

Mục tiêu tiêm chủng của ông Joe Biden phù hợp với kỳ vọng của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng lại bị đánh giá là "tham vọng" hơn so với tỷ lệ tiêm chủng hiện tại và những gì đã được đặt ra tại phiên họp G7 ở Cornwall (Anh). Tại phiên họp hồi tháng 6 vừa qua, G7 từng cam kết sẽ tài trợ cho thế giới khoảng 870 triệu vaccine ngừa COVID-19 với mục tiêu ban đầu là phân phối được 1 nửa số vaccine trên vào cuối năm 2021.

Tổng thống Biden đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 70% dân số thế giới - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 70% dân số thế giới trong năm sau. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, phía Nhà Trắng nhận định mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới "có hơi tham vọng nhưng hoàn toàn phù hợp". Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, những người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), IMF, WHO và WTO từng đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số thế giới tính đến năm 2022.

Trong dự thảo mới về vấn đề tiêm vaccine ngừa COVID-19, Mỹ đã kêu gọi các quốc gia có liên quan mua hoặc tặng thêm khoảng 1 tỷ liều vaccine bên cạnh 2 tỷ liều vaccine đã được các nước giàu có cam kết viện trợ cho thế giới.

Dự báo nguồn cung của WHO cho biết khoảng 2,6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phân phối cho các nước thu nhập thấp vào cuối quý đầu tiên của năm 2022. Bên cạnh đó, dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm cả kinh phí, WHO dự đoán thêm rằng khoảng 5,6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được cung cấp cho thế giới tính đến cuối năm 2022.

Ông Krishna Udayakumar, giám đốc Trung tâm đổi mới y tế toàn cầu, Đại học Duke, North Carolina, Mỹ, nhận xét kế hoạch của Tổng thống Biden là điểm khởi đầu tốt để giải quyết những thách thức còn tồn tại hiện nay về vấn đề tiêm chủng, bao gồm cả thiếu hụt nguồn cung và chậm phân phối vaccine. Theo đó, ông khẳng định mục tiêu trên là cần thiết để đảm bảo rằng 70% dân số thế giới được tiêm chủng.

Được biết, một báo cáo của WHO trong tháng này chỉ ra mới có khoảng 20% dân số tại các nước có thu nhập trung bình và thấp được tiêm 1 liều vaccine ngừa COVID-19, so với 80% ở các nước có thu nhập trên trung bình và cao. Sự đối lập này đã bị WHO lên án gay gắt, gọi đó là "điều không thể chấp nhận".

Các lập pháp và lãnh đạo y tế toàn cầu do đó đã gây sức ép lên Tổng thống Biden, yêu cầu Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo đó, hồi tháng 8 vừa qua, Washington cho biết họ là một trong những quốc gia viện trợ vaccine nhiều nhất thế giới với khoảng 110 triệu liều đã được chuyển tới 65 quốc gia từ Afghanistan tới Zambia.

Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã mua thêm khoảng 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và sẽ tặng cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vào cuối tháng 9. Trong đó, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh việc tiêm chủng cho người dân toàn thế giới là vô cùng quan trọng. 

Ông Biden nói: "Bạn không thể xây một bức tường đủ cao để giữ cho chúng ta an toàn khi COVID-19 vẫn đang bùng phát ở quốc gia khác".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại