Chuyện của hai em bé F0 bị bỏ rơi: Những tình nguyện viên chưa lập gia đình trở thành ‘bố mẹ’

Ngọc Ngân |

Bình sữa ấm nóng, chai dầu tắm thơm tho, những gói cháo dinh dưỡng… từng thứ một được các tình nguyện viên thuộc Bệnh viện Dã chiến số 4 TP.HCM chuẩn bị tươm tất cho hai em bé F0 bị bỏ rơi.

Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

Bắp và Sữa

"Chị Liên, em bé nó trở mình rồi kìa", "Dậy chơi nào Bắp và Sữa ơi", "Trường ơi, pha sữa đi em, tới giờ rồi", "Nào nào, cô bế bé đi tắm nhé"…

Nhiều ngày qua, bên trong gian phòng đặc biệt của Bệnh viện Dã chiến số 4 (thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) luôn chộn rộn tiếng nói cười.

Chuyện của hai em bé F0 bị bỏ rơi: Những tình nguyện viên chưa lập gia đình trở thành ‘bố mẹ’ - Ảnh 1.

Bắp và Sữa là hai em bé bị bỏ rơi tại một bệnh viện lớn thuộc quận Bình Thạnh. Tuần trước, các bác sĩ chăm nuôi Bắp và Sữa bị mắc Covid-19, hai bé cũng có kết quả dương tính ngay sau đó. Không đủ điều kiện cách ly, cả hai được chuyển về Bệnh viện Dã chiến số 4 TP.HCM, đơn vị do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phụ trách.

Lần đầu tiên nhìn thấy Bắp và Sữa, Quang Trường (tình nguyện viên) đã cảm nhận được nỗi xót xa. Hai bé rời hơi ấm bố mẹ từ sớm nhưng rất ngoan, ít khi quấy khóc.

Trong nhóm tình nguyện viên, điều dưỡng chăm sóc Bắp và Sữa, người lớn nhất 28 tuổi, người nhỏ nhất 16 tuổi. Tất cả đều chưa lập gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ nhưng đã trở thành những "ông bố, bà mẹ" trong suốt thời gian qua.

Ngày tiếp nhận hai bé, mọi người chia nhau đi mua từng cái thau tắm, hộp sữa, bịch tã, chai dầu gội… Rồi mấy ngày tiếp theo, người tranh thủ lùa cơm vội để vào dỗ bé, người thức đêm để thay tã, đút sữa, người làm trò để các bé cười.

Chuyện của hai em bé F0 bị bỏ rơi: Những tình nguyện viên chưa lập gia đình trở thành ‘bố mẹ’ - Ảnh 2.

Quang Trường kể: "Do Bắp và Sữa còn nhỏ nên lúc nào cũng phải có người bên cạnh. Đây là lần đầu tiên trong đời mình trải nghiệm cảm giác "làm bố". Các chị hướng dẫn cách thay tã cho bé, tắm bé như thế nào để không bị cảm lạnh, pha sữa nhiệt độ ra sao.

Thương nhất là chị Liên trong nhóm, ngày nào chị cũng lên mạng tìm hiểu thông tin, hỏi thăm gia đình về kinh nghiệm về cách chăm em bé. Lúc mới về bé bị "lạ sữa", nên tiêu chảy nhiều lần. Cả nhóm cuống cuồng tìm cách thay tã, lau dọn cho bé".

Lần đầu của những "ông bố, bà mẹ"

Trường từng là F0 được điều trị ở bệnh viện. Sau khi khỏi bệnh, cậu tình nguyện xin ở lại để hỗ trợ cho các y bác sĩ. Chàng trai 21 tuổi cứ hết ca trực là chạy lên phòng chăm nom hai bé, lúc thì ngồi bệt xuống sàn nhà pha trò, khi thì hì hục trong nhà tắm giặt quần áo…

Từ khi đón Bắp và Sữa về bệnh viện, mỗi tối, chị Trần Thị Liên (28 tuổi) đều phải thức dậy để kiểm tra tình trạng các bé. Bé "ọ ẹ", Liên kiểm tra tã, bé khóc, Liên lui cui chuẩn bị pha sữa. Giấc ngủ của cô cũng chẳng khi nào được trọn vẹn. Dù vất vả, Liên vẫn cảm thấy hạnh phúc khi thấy Bắp và Sữa ngon giấc.

Chuyện của hai em bé F0 bị bỏ rơi: Những tình nguyện viên chưa lập gia đình trở thành ‘bố mẹ’ - Ảnh 3.

Còn Linh, một cô học sinh 16 tuổi sau khi khỏi bệnh đã quyết định ở lại bệnh viện dã chiến để hỗ trợ. Sau giờ học online, Linh lại sang phòng Bắp và Sữa, trông em cho các điều dưỡng ăn cơm, tắm rửa.

Bên cạnh nhiệm vụ thăm khám, điều trị, các bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 4 thi thoảng lại tạt qua, mua cho hai bé đồ chơi, gói sữa, túi tã giấy… Trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, ai cũng ràn rụa, nhễ nhại mồ hôi, nhưng được thấy các bé cười là bao nhiêu mệt nhọc tan biến.

Trường kể: "Hai bé rất ngoan, cứ ăn no rồi lại ngủ ngon, không quấy khóc nhiều. Lần đầu ôm bé trên tay, thấy bầu má phúng phính của Bắp, mình thấy thương lắm! Khi có Bắp và Sữa, nhóm mình vui hẳn, như có chung một tình yêu thương". Cứ như thế, cả hai em bé F0 đã được ẵm bồng, ru ngủ trong vòng tay của mọi người trong bệnh viện.

Chuyện của hai em bé F0 bị bỏ rơi: Những tình nguyện viên chưa lập gia đình trở thành ‘bố mẹ’ - Ảnh 5.

Bác sĩ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) cho biết, hai em bé F0 được đưa về bệnh viện vào tuần trước. Anh chia sẻ: "Có tình nguyện viên F0 đã đủ ngày xuất viện nhưng xin nán lại thêm ít ngày phụ việc chăm hai bé. Các cô chú là "vú em đời đầu", chưa từng có kinh nghiệm chăm bé, luống cuống trải nghiệm cảm giác làm mẹ.

Ngoài ra, cùng khu điều trị có bác sĩ Cẩm Xuyên, miệt mài nhận bệnh nhưng cũng tranh thủ ghé vào thăm hai con. Vì là bác sĩ nhi nên bác Xuyên sẵn lòng thị phạm và truyền nhiều phương pháp chăm em cho tình nguyện viên".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại