Những nền văn minh cổ đại bị lãng quên (tiếp theo và hết)

Trần Anh |

Tuwana là một trong những vương quốc bị lãng quên nhiều nhất. Khi đế quốc Hittite sụp đổ, Tuwana là một trong những vương quốc lấp vào chỗ trống ở vùng đất ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuwana

Tuwana là một trong những vương quốc bị lãng quên nhiều nhất. Khi đế quốc Hittite sụp đổ, Tuwana là một trong những vương quốc lấp vào chỗ trống ở vùng đất ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ.

Những nền văn minh cổ đại bị lãng quên (tiếp theo và hết) - Ảnh 1.

Chữ viết Tuwana trên đá.

Trong thế kỷ thứ 9 và thứ 8 trước Công nguyên, Tuwana nổi lên dưới một loạt đời vua, trong đó chỉ có một số được biết đến nhờ các câu khắc trên đá. Tuwana tận dụng vị trí của mình ở giữa các đế quốc Phrygian và Assyrian để chiếm lĩnh hoạt động thương mại trên khắp vùng Anatolia. Kết quả là vương quốc này đã tích lũy được vô số của cải.

Bên cạnh nền kinh tế thương mại hùng mạnh, Tuwana dường như có một nền văn hóa giàu bản sắc. Vương quốc này sử dụng một thứ chữ tượng hình gọi là Luwian, nhưng sau đó áp dụng chữ viết theo bảng chữ cái Phoenic.

Hóa ra việc này lại rất quan trọng, vì vị trí của Tuwana là mối liên kết giữa phương Đông và phương Tây khiến vương quốc này có những liên hệ với nhiều bộ phận của văn hóa Hy Lạp cổ đại. Có thể một trong những kết quả của tương tác ngôn ngữ ở Tuwana là nguồn gốc cùa bảng chữ cái Hy Lạp.

Dường như vị trí trung tâm của Tuwana và sự mất đoàn kết của các thành quốc ở Anatolia khiến vương quốc này phai mờ dần vào đầu thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Khi đế quốc Assyrian mở rộng ra phía Tây, họ cuốn theo từng thành quốc hậu Hittite trên con đường dẫn tới kiểm soát phần lớn Trung Đông.

Đế quốc Maurya

Những nền văn minh cổ đại bị lãng quên (tiếp theo và hết) - Ảnh 2.

Bản đồ Maurya.

Chandragupta Maurya chẳng khác gì Alexandre Đại đế của Ấn Độ. Chandragupta đã tìm kiếm sự ủng hộ từ Macedonia cho nỗ lực kiểm soát tiểu lục địa, trong khi quân đội của Alexandre lại quá bận bịu với một cuộc binh biến.

Chandragupta ngoan cường thống nhất phần lớn Ấn Độ dưới quyền cai trị của mình và đánh bại tất cả những kẻ tiến vào tiểu lục địa này. Ông làm tất cả điều này vào tuổi 20. Sau khi Alexandre chết, chính đế quốc Maurya đã ngăn cản những người kế thừa họ mở rộng xa hơn vào Ấn Độ.

Chandragupta đã tự mình đánh bại vài vị tướng Macedonia trên chiến trường, khiến người Macedonia sau này lựa chọn hòa hợp thay vì mạo hiểm mở những cuộc chiến tranh khác nữa.

Không giống Alexandre, Chandragupta để lại một bộ máy hành chính và chính quyền được lập kế hoạch cẩn thận để bảo đảm di sản của ông sẽ tồn tại lâu dài. Và nó đã có thể tồn tại được lâu hơn nếu không phải vì cuộc đảo chính năm 185 trước Công nguyên khiến Ấn Độ bị chia rẽ, suy yếu và mở ra cánh cửa xâm lược cho những người Hy Lạp từ phía Bắc.

Ấn - Hy Lạp

Những nền văn minh cổ đại bị lãng quên (tiếp theo và hết) - Ảnh 3.

Hình điêu khắc của người Ấn - Hy Lạp.

Có lý do để người ta không thể nói về thế giới cổ đại mà không nhắc tới người Hy Lạp, bởi họ có mặt ở khắp nơi. Như đã nói, các sức ép từ bên ngoài đã khiến Greco - Bactria suy sụp, nhưng vương quốc Ấn - Hy Lạp đã mang theo ngọn đuốc văn hóa Hy Lạp thêm 2 thế kỷ nữa ở tây bắc Ấn Độ.

Vị vua nổi tiếng nhất của Ấn - Hy Lạp, Menander, được cho là đã cải sang Phật giáo sau một cuộc tranh luận dài với nhà triết học Nagasena, người ghi lại cuộc đối thoại trong cuốn “Những câu hỏi về vua Menander”.

Ảnh hưởng Hy Lạp có thể được thấy rõ ràng trong sự kết hợp các phong cách nghệ thuật. Trong khi không còn nhiều công trình điêu khắc còn lại, một số kết quả khảo cổ học cho thấy các tăng sĩ và những tín đồ Phật giáo được tạc theo một phong cách Hy Lạp rõ rệt và hoàn thiện với áo dài kiểu Hy Lạp.

Dựa trên một số tiền đúc Ấn - Hy Lạp được tạo ra bởi quy trình luyện kim liên quan đến Trung Quốc, người ta tin rằng đã tồn tại sự thông thương sâu rộng giữa hai nước. Những lời kể của nhà thám hiểm Trung Quốc Zhang Quian đã chứng minh mối quan hệ thương mại này xuất hiện từ cuối thể kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Sự suy tàn của vương quốc Ấn - Hy Lạp dường như là do sự kết hợp cuộc xâm lấn của người Nguyệt Chi từ phương Bắc và cuộc mở rộng của người Ấn Độ bản địa từ phía Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại