Vì sao Singapore chọn chiến lược “sống chung với Covid-19” khác Anh?

Mai Trang |

Chấp nhận “sống chung với Covid-19”, Anh mở cửa trở lại bằng cách dỡ toàn bộ hầu hết các hạn chế dù số ca mắc bệnh vẫn gia tăng, trong khi Singapore muốn kiểm soát đại dịch và mở cửa từ từ.

Singapore sẽ chuẩn bị lộ trình sống chung với Covid-19 như một phần trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Economic Times

Singapore sẽ chuẩn bị lộ trình sống chung với Covid-19 như một phần trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Economic Times

Mở cửa trở lại - Singapore từ từ, Anh ồ ạt

Hơn 1,5 năm sau khi Covid-19 bùng phát, các quốc gia giàu có trên thế giới bắt đầu chấp nhận rằng đại dịch sẽ không biến mất, mặc dù tiêm chủng đã làm giảm đáng kể số ca nhập viện và tử vong.

Trong khi các nước chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2, họ có những cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.

Singapore , một quốc đảo có dân số 5,69 triệu người và Anh, nơi sinh sống của khoảng 66 triệu người đã có những trải nghiệm và kết quả chống dịch khác nhau.

Vì sao Singapore chọn chiến lược “sống chung với Covid-19” khác Anh? - Ảnh 1.

Người dân London (Anh) đeo khẩu trang khi đi ngoài đường ngày 12/7. Ảnh: AFP

Trong khi Anh là một trong những quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, gần 129.000 trường hợp kể từ đầu đại dịch, Singapore chỉ ghi nhận 36 ca tử vong do dịch bệnh. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, cứ 100.000 người ở Anh thì có 192,64 ca tử vong do Covid-19, trong khi con số này ở Singapre là 0,63.

Chính phủ Anh đã bị chỉ trích vì chậm triển khai các biện pháp kiểm soát Covid-19 như yêu cầu đeo khẩu trang và áp đặt lệnh phong tỏa khi dịch bệnh bắt đầu lây lan vào mùa xuân năm 2020.

Ngược lại, Singapore đã nhanh chóng đóng cửa biên giới, thực hiện chương trình xét nghiệm và truy vết tiếp xúc toàn diện, đồng thời sớm áp đặt các biện pháp cách ly.

Hiện tại, 2 quốc gia đang vạch ra những chiến lược khác nhau để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Vào tháng 6, các nhà lập pháp Singapore đã đưa ra lộ trình hướng tới “trạng thái bình thường mới” trong một bức thư đăng trên Straits Times, vạch ra sự khác biệt so với mô hình “không có ca lây nhiễm” trước đây của nước này.

Thay vì cố giảm số ca mắc Covid-19 mới xuống con số 0 và theo dõi số ca nhiễm virus hàng ngày, nhà chức trách Singapore sẽ tập trung vào vấn đề như “số người mắc bệnh nặng, số người điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt và số người cần đặt nội khí quản”. Cuối cùng, giới chức Singapore hy vọng Covid-19 sẽ được điều trị như một căn bệnh ít nghiêm trọng hơn, như cúm hoặc thủy đậu.

Vài tuần sau, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra một tuyên bố tương tự, dự đoán rằng SARS-CoV-2 sẽ “trở thành một loại virus mà chúng ta cần học cách sống chung như bệnh cúm”. Ông Johnson công bố kế hoạch dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế phòng dịch Covid-19, bao gồm cả quy định về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, từ ngày 19/7.

Thủ tướng Johnson cho biết, chiến dịch triển khai vaccine thành công của Anh, với 66% người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ, đã phá vỡ mối liên hệ giữa ca lây nhiễm và ca mắc bệnh nặng.

Vào thời điểm, “cuộc sống bình thường” trở lại tại Anh, số ca mắc Covid-19 mới tại nước này đã vượt mức 50.000 ca mỗi ngày. Ngày 16/7, Anh ghi nhận gần 52.000 ca mắc bệnh và 49 ca tử vong.

Việc Anh quyết định mở cửa trở lại đã gây chia rẽ dư luận trong nước. Trong khi nhiều người trong đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Johnson ủng hộ việc mở cửa, các nhà khoa học cảnh báo rằng sức khỏe của hàng triệu người dân đang bị đe dọa do Anh chưa đạt được miễn dịch cộng đồng và khoảng 17 triệu người, một số được xếp vào nhóm cực kỳ dễ bị tổn thương bởi Covid-19, vẫn chưa được tiêm chủng.

Tiến sĩ Oliver Watson, nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London lưu ý: “Việc sẵn sàng thắt chặt các hạn chế của Singapore để đối phó với các đợt bùng phát dịch hoàn toàn khác biệt với cách xử lý của chính phủ Anh”.

Thử nghiệm nguy hiểm

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cũng cho rằng, lộ trình của Singapore khác biệt đáng kể so với cách mở cửa trở lại ồ ạt của Anh. “Tôi nghĩ điều chúng tôi muốn là đi theo con đường an toàn hơn”, ông Ong Ye Kung nói và lưu ý rằng điều quan trọng là phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao và duy trì cả các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus và giảm thiểu tác động từ đại dịch.

Khoảng 40% dân số Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ và chính phủ cho biết quốc gia này đang thực hiện mục tiêu tiêm vaccne cho 3/4 dân số cho đến ngày 9/8. Trong khi Anh vẫn chưa chấp thuận tiêm vaccine cho thanh thiếu niên trên 12 tuổi, Singapore đã đưa nhóm tuổi này vào chương trình tiêm chủng.

Ông Ong Ye Kung nói với Bloomberg rằng các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu sẽ không bị loại bỏ, việc mở cửa trở lại của Singapore sẽ diễn ra từ từ, “từng bước một, không ồ ạt, để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Trong khi đó, tại Anh, nhiều người đang lo lắng dõi theo “canh bạc” mở cửa trở lại của Thủ tướng Boris Johnson.

Hơn 100 bác sĩ và nhà khoa học đã cảnh báo việc mở cửa trở lại của chính phủ Anh là quá vội vàng và “sự lây nhiễm không được kiểm soát sẽ ảnh hướng đáng kể đến trẻ em và những người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng”.

Họ cho biết, chiến lược này sẽ tạo ra “mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của các biến thể kháng vaccine”, gây nguy hiểm cho Anh và toàn thế giới. “Chúng tôi tin rằng chính phủ đang thực hiện một thử nghiệm nguy hiểm.

Vaccine vẫn là chìa khóa để “sống chung với Covid-19”

Trái ngược với Anh, lộ trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 của Singapore ít vấp phải sự phản đối của công chúng, một phần do mức độ tin tưởng cao vào chính phủ.

Trong cuộc chiến chống đại dịch, quốc đảo này có những lợi thế mà nhiều quốc gia lớn hơn không có như dân số ít và người dân đã quen với các quy tắc phòng dịch nghiêm khắc. Ngoài ra, kinh nghiệm ứng phó với đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 đã mang lại cho Singapore 17 năm đi đầu trong việc tạo ra các cơ sở cách ly, xây dựng phòng thí nghiệm và một lực lượng đối phó với dịch bệnh.

Một yếu tố đóng góp cho thành công chống dịch của Singapore là hệ thống truy vết tiếp xúc toàn diện và quyết liệt. Sử dụng công nghệ Bluetooth, ứng dụng Trace Together giúp xác định các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc bệnh để cách ly nhanh chóng. Đồng thời, người dân bắt buộc phải sử dụng ứng dụng khi vào các cửa hàng hay địa điểm công cộng. Tuy nhiên, cũng có những tranh cãi về ứng dụng này. Chính phủ Sungapore thừa nhận rằng dữ liệu từ ứng dụng Trace Together có thể được giao cho cảnh sát để điều tra tội phạm, làm dấy lên sự chỉ trích từ công chúng.

Tỷ lệ tiêm chủng cao là trọng tâm trong kế hoạch mở cửa trở lại của Singapore. Tuy nhiên, các nhà lập pháp không chắc liệu họ có đạt được tỷ lệ tiêm chủng 90% hoặc 95% cần thiết để đạt khả năng miễn dịch cộng đồng hay không. “Chúng tôi có thể đạt được 80% nếu may mắn”, Bộ trưởng Y tế Ong nói.

Các nhà chức trách Singapore đang làm việc trên cơ sở Covid-19 sẽ từ một đại dịch trở thành một dịch bệnh thông thường trong cộng đồng. Virus SARS-CoV-2 vẫn sẽ lây lan nhưng với tỷ lệ rất thấp.

Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết, việc Singapore mở cửa trở lại “sẽ không giống như Anh – cởi bỏ khẩu trang và tổ chức tiệc tùng”.

Các quan chức y tế của Singapore vẫn đang vạch ra lộ trình “sống chung với Covid-19” cụ thể hơn, nhưng ông Fisher cho rằng người dân sẽ được phép đi lại tự do hơn và cách ly tại nhà nếu họ đã tiêm chủng, thay vì tại các cơ sở cách ly.

Những người nhiễm SARS-CoV-2 và một số người tiếp xúc gần với họ sẽ cách ly tại các cơ sở chuyên dụng. Nhưng khi Singapore mở cửa trở lại, những người mắc bệnh có thể tự điều trị tại nhà “vì khi đã tiêm vaccine, họ sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Nếu những người xung quanh cũng tiêm vaccine, nguy cơ lây truyền sẽ thấp”, lá thư các nhà lập pháp Singapore đăng trên Straits Times viết.

“Chúng tôi không muốn kiểm soát quá chặt chẽ, nhưng chúng tôi cũng không muốn ghi nhận 5.000 ca mắc bệnh sau một đêm”, ông Fisher nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại