6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào

RYANKO |

Có những sinh vật đã phát triển ngoại hình độc đáo, siêu năng lực ấn tượng và một số thói quen kỳ lạ.

Trên thế giới có rất nhiều loài sinh vật, đa số chúng tuân theo những quy luật bình thường của tự nhiên, như con đực thụ tinh, con cái mang thai, sinh ra con non, chúng lớn lên, tiếp tục quá trình sinh sản, già đi và chết. Tuy nhiên, có những sinh vật đã phát triển ngoại hình độc đáo, siêu năng lực ấn tượng và một số thói quen kỳ lạ.

1. Ếch trong suốt

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 1.

Ếch thủy tinh

Hầu hết các sinh vật đều giấu các cơ quan nội tạng của chúng bên dưới nhiều lớp bảo vệ như da, mô và xương. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta có thể nhìn xuyên qua các lớp bảo vệ đó?

Nhìn một con ếch thủy tinh từ trên xuống, bạn có thể không nhận thấy điều gì khác thường. Nhưng nếu bạn lật nó lên, bạn sẽ thấy một trái tim nhỏ, đập nhanh, một mạch dài, màu đỏ và một đoạn ruột tiêu hóa thức ăn. Những loài lưỡng cư này đã tiến hóa để có làn da cực kỳ mỏng và mờ.

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 2.

Vậy tại sao những con ếch này lại tiến hóa để có thể nhìn xuyên thấu? Theo một nghiên cứu được công bố ngày 9 tháng 6 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, khi ánh sáng chiếu vào những con ếch từ phía trên, hình bóng của chúng sẽ trở nên khó nhìn đối với những kẻ săn mồi.

Những con ếch này sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ và dành nhiều thời gian đậu trên lá. Bởi vì ếch được bao quanh bởi cây xanh tươi tốt, lớp da màu xanh lá cây của chúng rất lý tưởng để ngụy trang. Trong khi đó, đôi chân trong suốt hơn của chúng làm mờ các đường viền bên ngoài cơ thể, khiến những kẻ săn mồi khó nhận ra hình dạng của ếch.

2. Mối quan hệ giữa ong bắp cày và quả sung

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 3.

Các mối quan hệ kỳ lạ thường được hình thành trong tự nhiên. Ví dụ, ong bắp cày tìm thấy một “ngôi nhà” bên trong quả sung. Quả sung thực chất là một bó hoa nhỏ, được gọi là cụm hoa, dựa vào ong bắp cày để thụ phấn. Đổi lại, cụm hoa cung cấp một ngôi nhà thoải mái và an toàn cho ong bắp cày trong thời gian sống rất ngắn của chúng.

Theo Hiệp hội Côn trùng Hà Lan, khi ong bắp cày cái nở ra, chúng có bản năng "đánh hơi" những cây sung có khả năng tiếp thu, hoặc những cây có hoa đã sẵn sàng để thụ phấn.

Theo bản năng, ong bắp cày tìm kiếm mùi thơm đặc biệt phát ra từ hoa sung cái. Một khi chúng tìm được, ong bắp cày tìm đường vào bông hoa ngọt ngào mềm mại thông qua một lỗ mở ở cuối "quả". Cái lỗ nhỏ đến mức nhiều con ong bắp cày bị mất cánh và một phần của râu.

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 4.

Ong bắp cày bên trong quả sung

Khi vào trong, ong bắp cày cái được bảo vệ và khuất tầm nhìn, và chúng có thể đẻ trứng. Theo Journal of Nematology, ong bắp cày sẽ không bao giờ nhìn thấy thế giới bên ngoài nữa. Con cái chết chỉ 24 giờ sau khi đẻ trứng.

Khi ong bắp cày con nở, những con đực nở ra giao phối với những con cái, trước khi đào đường thoát ra khỏi quả sung cho những con cái. Những con ong bắp cày đực dành toàn bộ cuộc đời của chúng trong quả sung và chết ngay sau khi tạo ra đường hầm.

Hành vi kỳ lạ này đã giữ cho loài ong bắp cày sung này tồn tại hơn 60 triệu năm, theo một bài báo xuất bản năm 2005 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society. Đồng thời, loài sung cũng có lợi vì được ong bắp cày cái phát tán phấn hoa.

3. “Cá” có chân

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 5.

Axolotl

Cá đi bộ Mexico (Ambystoma mexicanum), còn được gọi là axolotl, là những sinh vật kỳ quặc: Những "con cá" này không chỉ có “sừng” nhọn nhô ra, mà chúng còn có thể "đi bộ". Khi đến gần đáy hồ hoặc kênh, chúng sẽ dùng bốn chân từ hai bên người để bò xung quanh môi trường sống của chúng ở Thành phố Mexico.

Mặc dù trông giống như những “dị ngư” phát triển quá mức nhưng chúng thực sự là động vật lưỡng cư. Thường thì động vật lưỡng cư được trang bị mang khi còn nhỏ để chúng có thể thở dưới nước, đến khi trưởng thành chúng sẽ loại bỏ phần mang, sẵn sàng cho cuộc sống trên cạn. Nhưng axolotl vẫn giữ mang của chúng và ở trong nước - một hiện tượng được gọi là neoteny, theo một bài báo trên tạp chí Nature.

Không bao giờ rời khỏi nước, axolotl được tìm thấy trong các hồ của Xochimilco gần Thành phố Mexico. Khi phát triển dài tới 12 inch (30 cm), chúng ăn côn trùng nhỏ, sâu, nhuyễn thể và động vật giáp xác.

Trong lịch sử, những sinh vật có bộ mặt cười toe toét này từng đứng đầu chuỗi thức ăn, nhưng các loài cá xâm lấn - chẳng hạn như cá rô phi và cá chép, chúng ăn axolotl con - và ô nhiễm hiện đang đe dọa sự tồn tại của chúng. Axolotl cũng khá phổ biến trong giới chơi cá cảnh.

4. Giống đực mang thai

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 7.

Cá ngựa đực đang mang thai

Giống cái không phải lúc nào cũng phải chịu đựng gánh nặng thai kỳ. Theo Scientific American, đối với cá ngựa, cá ống và cá rồng biển - những thành viên của họ cá Syngnathidae - những con đực sẽ mang thai.

Cá ngựa và cá ống mang con non bên trong túi trên người, cung cấp chất dinh dưỡng như chất béo giàu năng lượng qua mô túi, trong khi trứng của cá rồng biển chỉ đơn giản dính vào bên ngoài đuôi của con đực.

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 8.

Trứng trên đuôi của cá rồng biển đực

Có lợi ích gì cho quá trình kỳ lạ này? Bởi vì cá cái có thể chỉ tập trung vào việc tạo trứng (để lại các vai trò nuôi con cho cá đực), cá ngựa có thể sinh con vào buổi sáng và mang thai lại vào buổi tối, theo National Geographic. Điều này giúp số lượng loài tăng lên để có cơ hội sống sót cao hơn.

Nhờ những con đực mang con, những con cái cũng ít bị cạn kiệt năng lượng hơn. Thông thường, những con cái tiêu tốn nhiều năng lượng sản xuất trứng hơn những con đực sản xuất tinh trùng, theo Oxford Academic. Bằng cách chuyển giao nhiệm vụ mang trứng cho con đực, nhu cầu năng lượng được chia sẻ đồng đều hơn.

5. Bạn tình ký sinh

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 9.

Cá lồng đèn đực đang bám vào con cái

Cá lồng đèn (anglerfish) đực và cá cái rất đa dạng về ngoại hình mà thoạt nhìn bạn có thể nghĩ chúng là những loài khác nhau.

Con cái có thể dài hơn tới 60 lần và nặng hơn 500.000 lần so với con đực; khi các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát cá lồng đèn đực với cá cái, họ nghĩ rằng mình đang nhìn cá mẹ và cá con, theo một bài báo đăng trên tạp chí của Hiệp hội thủy học và nghiên cứu khoa học Mỹ.

Khi tìm kiếm cá lồng đèn, bạn thường thấy hình ảnh của những con cái. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở phần biển sâu thẳm của Đại Tây Dương và Nam Cực, những con cá lồng đèn cái trông giống như quái vật: chúng có chiếc “lồng đèn” sáng treo trên đầu để dụ con mồi và những chiếc răng nanh lớn đáng sợ nhô ra khỏi miệng.

Nhưng sự xuất hiện của những con đực khiến mọi thứ trở nên kỳ lạ hơn. Theo New Scientist, khi giao phối, một con cá đực hoạt động giống như một loài ký sinh.

Cắn vào phía bên của con cái, con đực nhỏ bé hợp nhất cơ thể của mình với cơ thể của con cái để nó có thể lấy chất dinh dưỡng của con cái bằng cách hút máu nó. Vì con đực không có nhu cầu bơi lội hoặc nhìn, mắt, vây và một số cơ quan chính của nó bắt đầu kém đi.

Bù lại, nó có được mọi thứ nó cần mà gần như không tốn sức lực, trong khi trách nhiệm duy nhất của nó là cung cấp các tế bào sinh sản khi đến thời điểm thích hợp. Khi đó, con đực và con cái lần lượt thả tinh trùng và trứng của mình vào nước để thụ tinh.

6. Sứa bất tử

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 10.

Sứa bất tử

Bạn có bao giờ ước mình có thể quay ngược thời gian trở lại thời còn trẻ và bắt đầu lại cuộc sống không? Khi thời gian trôi qua, cơ thể chúng ta được thiết kế để phát triển, già và cuối cùng là chết đi. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các loài đều tuân theo chu kỳ này. Loài sứa bất tử Turritopsis dohrnii là một kẻ thách thức quy luật tự nhiên.

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (AMNH), khi bị thương hoặc đối mặt với nạn đói, loài sứa này có thể nhấn nút "reset". Với sự tái thiết lập này, những con sứa trưởng thành trở lại giai đoạn phát triển polyp. Polyp sau đó tiếp tục vòng đời và sinh ra rất nhiều sứa giống nhau về mặt di truyền.

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 12.

Polyp

Các nhà khoa học cho rằng loài sứa bất tử sử dụng một quá trình gọi là chuyển dịch tế bào để tạo ra kỳ tích trẻ hóa này. Trong quá trình này, một tế bào trưởng thành chuyên biệt cho một mô nhất định có thể biến đổi thành một loại tế bào chuyên biệt khác, AMNH cho biết.

6 loài sinh vật này cho chúng ta thấy thế giới tự nhiên có thể trở nên kỳ dị như thế nào - Ảnh 13.

Ở kích thước lớn nhất, loài sứa này vẫn có đường kính nhỏ hơn 5 mm. Những con sứa này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1883 ở Biển Địa Trung Hải, nhưng chúng chỉ được gọi là sứa bất tử vào giữa những năm 1990.

Khi một sinh viên người Đức đang nghiên cứu chúng trong phòng thí nghiệm, anh ta nhận thấy hiện tượng kỳ lạ. Khi con sứa bị căng thẳng, nó sẽ rơi xuống đáy bình chứa và trở lại thẳng thành polyp, bỏ qua bất kỳ giai đoạn thụ tinh hoặc ấu trùng nào. Các nhà nghiên cứu gọi nó là "một con bướm biến đổi trở lại thành sâu bướm."

Tham khảo: LiveScience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại