Rùng mình cây trượng 'ma thuật' hình con rắn 4.400 tuổi của pháp sư cổ đại

Bảo Tuấn |

Các nhà nghiên cứu cho biết, cây gậy gỗ chạm khắc hình con rắn sống động như thật rất giống những cây trượng "ma thuật" được sử dụng bởi các pháp sư cổ đại trong khu vực.

Theo NBC News, một cây gậy gỗ hình con rắn dài 53,3 cm, có niên đại khoảng 4.400 năm tuổi được khai quật ở Phần Lan mới đây có thể là một cây trượng được sử dụng trong các nghi lễ "ma thuật" bởi pháp sư thời kỳ đồ đá.

Một nghiên cứu mới được công bố đầu tuần này cho thấy cây trượng dày nhất khoảng 2,5cm, trong đó, đầu cây trượng dường như rất giống đầu rắn đang há miệng.

Nó được tìm thấy trong một lớp than bùn bị chôn vùi gần thị trấn Järvensuo, cách Helsinki khoảng 100km và được bảo quản hoàn hảo.

Đây là khu vực đất ngập nước thời tiền sử mà các nhà khảo cổ cho rằng là nơi sinh sống của các dân tộc thời kỳ đồ đá mới (cuối thời kỳ đồ đá) cách đây 4.000 đến 6.000 năm.

Nó không giống bất cứ thứ gì khác từng được tìm thấy ở Phần Lan. Nhà khảo cổ Satu Koivisto của Đại học Turku cho biết: " Đồng nghiệp của tôi đã tìm thấy nó vào mùa hè năm ngoái. Tôi tưởng cô ấy nói đùa nhưng khi tôi nhìn thấy đầu con rắn, nó khiến tôi rùng mình".

Rùng mình cây trượng ma thuật hình con rắn 4.400 tuổi của pháp sư cổ đại - Ảnh 1.

Cây trượng được cho là được các pháp sư cổ đại sử dụng.

"Cá nhân tôi không thích loài rắn, nhưng sau khi phát hiện ra cây trượng này, tôi đã bắt đầu thích chúng", bà Satu nói thêm.

Satu và đồng nghiệp Antti Lahelma, một nhà khảo cổ học tại Đại học Helsinki cho rằng, cây trượng đã được sử dụng trong các nghi lễ phép thuật bởi một pháp sư - một người tự xưng là giao tiếp được với các linh hồn.

Người ta cho rằng các dân tộc cổ đại của khu vực này đã thực hành tín ngưỡng như vậy suốt hàng nghìn năm. Tín ngưỡng truyền thống này được cho là vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở một số khu vực phía bắc xa xôi của Scandinavia (Bắc Âu), châu Âu và châu Á.

Nhà khảo cổ Lahelma cho biết, rắn vốn được coi là đặc biệt linh thiêng trong khu vực.

"Dường như có một mối liên hệ nào đó giữa rắn và người. Điều này gợi nhớ đến thuyết pháp sư phương bắc thời đồ đá, khi rắn có vai trò đặc biệt như động vật hỗ trợ tinh thần cho các pháp sư…", bà Lahelma chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại