Bí mật đằng sau ý tưởng dùng 23 tên lửa làm chệch hướng thiên thạch ''Ngày tận thế'' của TQ: Không phá nát, chỉ đụng thật nhẹ!

ANH VIỆT |

Trong đề xuất của mình, nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia Trung Quốc đề nghị phóng cùng lúc 23 tên lửa Trường Chinh 5 từ nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Trung Quốc.

Để bảo vệ Trái Đất khỏi họa diệt vong, các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã đề xuất ý tưởng phóng hàng loạt tên lửa vào vũ trụ để làm chệch hướng quỹ đạo của một thiên thạch cỡ lớn. 

Mục tiêu được Trung Quốc nhắm đến là Bennu, vốn được mệnh danh "thiên thạch Ngày tận thế", có đường kính khoảng 492m, có tuổi đời xấp xỉ hệ Mặt Trời, hiện cách cách Trái Đất khoảng hơn 320 triệu km. Mặc dù vậy, Bennu đã nhiều lần sượt ngang qua Trái Đất ở khoảng cách 7,4 triệu km và được NASA đánh giá là có xác suất va chạm tương đối cao, có thể gây thảm họa cho nhân loại vào thế kỷ 22.

Trước ý tưởng này, không ít người đã đặt ra câu hỏi: Trung Quốc làm thế nào để chệch hướng thiên thạch bằng tên lửa?

Không phá nát, chỉ 'đụng' nhẹ thiên thạch

Về cơ bản, việc thay đổi quỹ đạo của một thiên thạch không phải là một câu chuyện viễn tưởng, mà thực tế đã được các nhà khoa học đề xuất và tính toán rõ ràng. Theo đó, để thay đổi hướng đi của một thiên thạch khổng lồ lao về phía Trái Đất với tốc độ kinh hoàng, chúng ta sẽ cần một loại vũ khí có rất nhiều động năng.

Vũ khí hạt nhân có thể làm được điều này, nhưng một vụ nổ như vậy vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các mảnh vỡ cỡ nhỏ của thiên thạch sinh ra sau vụ nổ hạt nhân vẫn có khả năng đe dọa Trái Đất, thậm chí gây ra thiệt hại diện rộng cho nhiều khu vực khác nhau.

Bí mật đằng sau ý tưởng dùng 23 tên lửa làm chệch hướng thiên thạch Ngày tận thế của TQ: Không phá nát, chỉ đụng thật nhẹ! - Ảnh 1.

Thiên thạch Bennu có thể gây ra vụ nổ với sức mạnh tương đương 75 nghìn quả bom nguyên tử thả xuống ở Hiroshima nếu nó va chạm với Trái Đất

Trong đề xuất của mình, nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia Trung Quốc đề nghị phóng cùng lúc 23 tên lửa Trường Chinh 5 từ nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Trung Quốc. 

Là mẫu tên lửa mạnh mẽ nhất chuyên thực hiện các nhiệm vụ không gian của Trung Quốc, phiên bản mới nhất của dòng tên lửa Trường Chinh có trọng lượng khoảng 900 tấn khi cất cánh. Được trang bị các động cơ đẩy hạng nặng, các tên lửa này sẽ mất gần ba năm để tiếp cận mục tiêu.

Tuy nhiên, thay vì trang bị đầu đạn chứa chất nổ, trên đầu mỗi tên lửa sẽ có một thiết bị làm lệch hướng, được thiết kế để tránh làm vỡ bề mặt của thiên thạch. Mỗi tên lửa sẽ lần lượt "đánh" vào bề mặt thiên thạch bằng một ‘cú huých’ nhẹ. 

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, điều này sẽ chỉ làm chệnh đôi chút quỹ đạo của một thiên thạch có kích cỡ tương đương Bennu, nhưng đủ để nó bay qua an toàn ở khoảng cách lớn gấp 1,4 lần bán kính Trái Đất, từ đó cứu một số thành phố khỏi bị hủy diệt.

"[Có thể] chống lại các thiên thạch cỡ lớn bằng phương pháp phi hạt nhân trong vòng 10 năm", nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết trong một bài báo được xuất bản vào tháng 6 trên Icarus, một tạp chí quốc tế về nghiên cứu hệ mặt trời.

Theo đó, nhóm nghiên cứu cho biết nhiên liệu không được sử dụng trong quá trình phóng tên lửa có thể tạo thêm lực đẩy trong quá trình bay về phía thiên thạch. Thân tên lửa cũng giúp tăng tổng khối lượng của bộ phận làm lệch hướng. Họ cho biết các tên lửa đẩy hiện có chỉ phải trải qua những sửa đổi nhỏ như lắp thêm một vài động cơ đẩy nhỏ.

Bí mật đằng sau ý tưởng dùng 23 tên lửa làm chệch hướng thiên thạch Ngày tận thế của TQ: Không phá nát, chỉ đụng thật nhẹ! - Ảnh 3.

Tên lửa Trường Chinh 5 là mẫu tên lửa đẩy mạnh mẽ nhất của Trung Quốc

Không chỉ riêng Trung Quốc, Mỹ cũng có kế hoạch sử dụng tên lửa để làm chệch hướng thiên thạch. Được biết đến với tên gọi HAMMER (Hypervelocity Asteroid Mitigation Mission for Emergency Response), kế hoạch được Mỹ soạn sẵn sẽ sử dụng các thiết bị làm lệch hướng với tổng trọng lượng lên tới hơn 400 tấn, gần gấp đôi so với đề xuất của Trung Quốc nhưng với thời gian bay ngắn hơn gần một năm, để đạt được kết quả tương tự.

Một nhiệm vụ tương tự do các nhà nghiên cứu của Nasa và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore của California đề xuất vào năm 2018 yêu cầu phóng 75 tên lửa hạng nặng Delta IV lên quỹ đạo để ‘đánh chặn’.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng sứ mệnh của Mỹ sẽ tốn nhiều chi phí hơn sứ mệnh của nước này. Kế hoạch của Trung Quốc cũng cần ít thời gian chuẩn bị hơn. 

Trong khi cách tiếp cận của Mỹ sẽ yêu cầu phải thăm dò thiên thạch 25 năm trước khi nó có khả năng va chạm với Trái đất, kế hoạch của Trung Quốc có thể cắt giảm thời gian thăm dò xuống chỉ còn một thập kỷ. Nhìn chung, cách tiếp cận của Trung Quốc có thể cải thiện đáng kể hiệu quả làm lệch hướng và giảm cả chi phí phóng và thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu nước này khẳng định.

Cũng cần phải nói thêm, mọi kế hoạch của Trung Quốc nhắm vào thiên thạch như Bennu hiện…chỉ nằm trên giấy. Trong khi trên thực tế, Mỹ đã có những động thái thăm dò thực tế với thiên thạch này ngay từ 2016 – thời điểm tàu Osiris-Rex của NASA được phóng vào vũ trụ. Sau chuyến hành trình kéo dài 2 năm, tàu Osiris-Rex đã tiếp cận Bennu vào thời điểm đầu tháng 12/2018.

Sau khoảng 22 tháng bay xung quanh Bennu để nghiên cứu và khảo sát địa điểm hạ cánh, NASA đã quyết định thực hiện cú hạ cánh lịch sử lên bề mặt thiên thạch này vào tháng 10 năm ngoái. Trong cú hạ cánh này, Osiris-Rex đã sử dụng cánh tay robot trên tàu để thu thập 57 gram mẫu vật trên thiên thạch này, trước khi trước quay trở lại Trái Đất vào ngày 24/9/2023.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại