Tâm lý sợ tiêm vaccine ở vùng nông thôn cản trở cuộc chiến COVID-19 của Ấn Độ

Hải Vân |

Nhiều người dân sinh sống ở các vùng nông thôn của Ấn Độ đang có tâm lý sợ xét nghiệm và tiêm vaccine COVID-19. Điều này khiến cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Á này càng trở nên khó khăn.

Một nhân viên y tế Ấn Độ đang tuyên truyền biện pháp phòng dịch COVID-19 cho người dân làng Kalwa, ngoại ô quận Jind, bang Haryana. Ảnh: AFP

Một nhân viên y tế Ấn Độ đang tuyên truyền biện pháp phòng dịch COVID-19 cho người dân làng Kalwa, ngoại ô quận Jind, bang Haryana. Ảnh: AFP

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), khi nhân viên y tế Neelam Kumari gõ cửa từng nhà để tuyên truyền biện pháp chống dịch tại các ngôi làng ở Ấn Độ, người dân đã sợ hãi bỏ chạy vì sợ cô ấy sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho họ.

Khi làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Ấn Độ đang có dấu hiệu giảm nhiệt ở các thành phố, đại dịch nguy hiểm này lại tấn công các vùng nông thôn nghèo khó, rộng lớn của quốc gia này. Điều đáng lo ngại hơn nữa là người dân ở đây vẫn còn thiếu hiểu biết về dịch bệnh và sợ tiêm vaccine COVID-19.

“Nhiều người trong làng tôi không muốn tiêm vaccine. Họ sợ rằng sẽ chết nếu tiêm chủng”, Kumari nói khi nhắc đến ngôi làng Dhatrath tại bang Haryana. “Một người dân trong làng tức giận đến mức anh ta đã hành hung một nhân viên y tế cố gắng thuyết phục anh tiêm vaccine phòng COVID-19”.

Mặc dù 2/3 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận ở các vùng nông thôn, nhưng cho đến nay, chỉ có 15% người dân tại đây đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19. Trong khi đó, 30% người dân ở các thị trấn và thành phố đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, theo phân tích của The Hindu.

Thậm chí, có những tin đồn được chia sẻ trực tuyến hoặc lan truyền qua các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp cho rằng mạng viễn thông và mạng 5G đang thử nghiệm là nguồn cơn làm lây lan COVID-19. Tin đồn này khiến người dân kéo đến phá huỷ các trạm phát sóng ở Haryana.

"Mọi người thậm chí không đến xét nghiệm vì nghĩ rằng chính quyền sẽ công bố họ mắc bệnh", bác sĩ Shoeb Ali ở làng Miyaganj, bang Uttar Pradesh, cho biết.

Tâm lý sợ tiêm vaccine ở vùng nông thôn cản trở cuộc chiến COVID-19 của Ấn Độ - Ảnh 2.

Một nhân viên y tế Ấn Độ tiêm vaccine COVID-19 tại một bệnh viện ở quận Jind, bang Haryana, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Nỗi sợ hãi này đã lan khắp các ngôi làng trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành ở vùng nông thôn của Ấn Độ, nơi 70% trong số 1,3 tỷ dân của nước này sinh sống. Tại làng Nuran Khera, bang Haryana, người dân không muốn tiêm chủng mặc dù họ biết nhiều hộ gia đình có người bị sốt và hàng chục người đã chết.

“Ngay cả sau khi mở trung tâm tiêm vaccine ở đây, không ai sẵn sàng tiêm chủng”, Rajesh Kumar, 45 tuổi, dân làngNuran Khera cho biết. “Tôi sẽ không tiêm vaccine vì nó có nhiều tác dụng phụ. Mọi người đã bị bệnh sau khi tiêm vaccine”.

Tại các bang khác, người dân thậm chí còn nhảy xuống sông hoặc trốn vào rừng chỉ để thoát khỏi các đội y tế cơ động. Hom Kumari, một nhân viên y tế tại làng Bhatau Jamalpur, bang Uttar Pradesh, cho biết việc thuyết phục người dân địa phương tiêm vaccine là rất khó khăn.

Ở vùng nông thôn, hệ thống cơ sở y tế rất ít ỏi, nghèo nàn. Nhiều người dân có tâm lý ngại đến các bệnh viện công do xa và lo ngại sẽ nhiễm virus ở đó.

"Những người đã đến bệnh viện không bao giờ quay trở về", một người dân khác ở Nuran Khera đã kể với nhiều người như vậy.

Kumar nói rằng khi vợ anh bị ốm, một phòng khám tư nhân đã yêu cầu 50.000 rupee để điều trị cho cô ấy. Bác sĩ ở bệnh viện công thì nói anh hãy đưa cô ấy về nhà.

“Hàng xóm của tôi truyền tai nhau rằng cô ấy mắc COVID-19. Họ đã rất sợ hãi. Tôi đã chăm sóc cô ấy và vợ tôi đã hồi phục", anh Kumar nói.

Tâm lý sợ tiêm vaccine ở vùng nông thôn cản trở cuộc chiến COVID-19 của Ấn Độ - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 4/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyên gia y tế cộng đồng Rajib Dasgupta cho hay COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Ấn Độ và người dân ở vùng nông thôn thường lo đi kiếm sống hơn là chống dịch bệnh.

"Thật sự rất khó để người dân hiểu vì sao tiêm vaccine lại quan trọng cho đến khi những vấn đề đau đầu đó được xoa dịu", chuyên gia Rajib Dasgupta nói.

Theo các chuyên gia, Ấn Độ cần áp dụng các bài học kinh nghiệm trong chiến dịch tiêm phòng bại liệt cho trẻ em dưới 5 tuổi vào những năm 2000. Chương trình này đã thành công sau khi các nhà lãnh đạo tôn giáo cộng đồng được tin tưởng tham gia chiến dịch tuyên truyền tiêm chủng là an toàn.

Sử dụng cách tiếp cận tương tự, chính quyền bang Uttar Pradesh gần đây kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo chung tay tuyên truyền khuyến khích các tín đồ tiêm vaccine COVID-19.

Navneet Singh, chuyên giám sát các nỗ lực tiêm chủng ở quận Jind, bang Haryana nói rằng việc tuyên truyền trực tiếp đã có hiệu quả khi gần 70% người trên 45 tuổi ở Kalwa và các làng lân cận đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Nhân viên y tế của Kalwa, Sheela Devi, cho biết cô từng rất lo lắng khi có tên trong danh sách tiêm chủng, nhưng cô đã rất yên tâm khi thấy các bác sĩ địa phương đã tiêm phòng. Hàng ngày, cô nỗ lực đến từng nhà người dân để thuyết phục mọi người tiêm chủng và đã thành công.

“Dần dần, mọi người tin rằng ngay cả khi họ mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine, họ cũng sẽ không cần nhập viện. Họ có thể dùng thuốc và phục hồi tại nhà”, cô nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại