Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư

T.N |

"Tố Thư" của Hoàng Thạch Công chỉ gồm có 6 thiên, 132 câu, 1360 chữ nhưng cổ thư mỏng như vậy lại chứa đựng đầy mưu lược, trí tuệ với mỗi chữ như châu ngọc, mỗi câu đều là danh ngôn.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư - Ảnh 1.
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư - Ảnh 2.

Lịch sử có những nhân vật đại trí đại huệ, thành tựu đại nghiệp, không những thi ân trạch khắp chúng dân mà còn có nhân cách cao khiết. Đối với công danh lợi lộc, họ không mong cầu, công thành thân thoái đúng thời điểm, khiến bao đời sau ngưỡng vọng. Trương Lương – một trong "Tam kiệt" khai quốc nhà Hán chính là bậc trí giả như thế.

Trương Lương (262 – 186 TCN), biểu tự Tử Phòng, là người nước Hàn cuối thời Chiến Quốc. Khi ông trưởng thành lại là lúc nước Hàn bị Tần tiêu diệt, nên Trương Lương có gia thù quốc hận với Tần. Năm 218 TCN, Trương Lương lập mưu hành thích vua Tần, nhưng bất thành. Bị truy lùng gắt gao, Trương Lương thay tên đổi họ, trốn chạy ẩn náu ở Hạ Bì.

Chính tại nơi đây đã có giai thoại về duyên kỳ ngộ của Trương Lương với một "Di Thượng Lão Nhân" (cụ già ngồi trên cầu). Chàng thanh niên gặp một vị cao niên ngồi trên cầu, y phục thô kệch. Thấy Trương Lương đi qua, cụ già cố ý đánh rơi giày xuống dưới chân cầu rồi bắt Trương nhặt lên, mang lại giày cho mình. Dù không quen biết nhưng Trương Lương khiêm nhường, nhẫn nại và tự nguyện làm tới 3 lần. Sau lần thứ 3 thì ông già bỏ đi. Được một đoạn thì đột nhiên quay lại và nói: "Tiểu tử có thể dạy dỗ được. Năm ngày sau khi trời vừa sáng lại đến đây gặp ta".

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư - Ảnh 3.

Trương Lương thấy chuyện này kỳ lạ, liền nhận lời. Đúng 5 ngày sau, Trương Lương đến khi trời hừng sáng thì thấy ông lão kia đã ở trên cầu rồi, quở trách rằng: "Hẹn với người già sao lại đến muộn? Năm ngày sau lại đến". Lần hẹn thứ 2, gà vừa gáy lần đầu thì Trương Lương liền đến chỗ hẹn. Cụ già vẫn đến trước, nổi giận mắng: "Hẹn với bậc trưởng thượng mà lại đến muộn. Năm ngày sau lại đến đây'. Lần thứ 3, từ nửa đêm, Trương Lương đã đến chỗ hẹn để sớm hơn ông cụ. Lần này thì ông mới hài lòng lấy ra một bộ sách nói với Trương Lương rằng: "Đọc quyển sách này thì làm được thầy bậc vương giả. Mười năm sau, sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm sau, con đến gặp ta. Khối đá màu vàng dưới chân núi Cốc Thành ở phía bắc sông Tế là ta đó".

Nói xong bỏ đi thẳng, không thèm nhận cái lạy tạ của Trương Lương. Ông già mang cốt cách của một cao sĩ quy ẩn nơi thâm sơn cùng cốc. "Di Thượng Lão Nhân" biệt tích sau khi trao cho Trương Lương quyển "Tố Thư". Sách này ngắn gọn nhưng tuyệt không phải dạng tầm thường. Trương Lương ngày đêm chăm chỉ học tập từng câu chữ vàng ngọc trong sách.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư - Ảnh 4.

Ông già bí ẩn kia nhìn nhận Trương Lương có thể khuất nhục (những điều) người thường không thể khuất nhục, biết Trương có Lễ – Nhẫn, có chí hướng khoáng đạt, nên toại nguyện tặng sách quý. Cổ thư này chỉ gồm có 6 thiên, 132 câu, 1360 chữ bàn luận về: Nguyên thủy: những phẩm tính căn bản; Chánh đạo: cung cách hành xử trong đời thường của bậc cao nhân; Cầu chí hướng của người: lẽ thành bại ở đời; Tông đạo: phép tư duy của cao nhân; Chánh nghĩa: những sai lầm cần biết để tránh hỏng việc lớn; An lễ: gìn giữ chánh trị nội bộ.

Quân sư Trương Lương theo phò Lưu Bang tranh thiên hạ, với bao nhiêu kỳ mưu thần toán hẳn cũng nhờ Tố Thư mà có. Mười ba năm sau ngày nhận sách quý trên cầu, Trương Lương theo Lưu Bang đi qua núi Cốc Thành. Nhớ lời "Di Thượng Lão Nhân" năm nào, Trương Lương tìm kiếm và quả nhiên có thấy một khối đá màu vàng hình thù rất đẹp. Ông cho chở tảng đá đem về, cung kính gọi là "Hoàng Thạch Công", coi như báu vật thờ cúng. Sau này khi Trương Lương chết, người nhà đã chôn khối đá màu vàng này cùng với ông.

Chính sử Trung Hoa không hề ghi chép cái tên Hoàng Thạch Công. Ông xuất thân thế nào, tên thật và quê quán đều tuyệt nhiên vắng lặng. Hoàng Thạch Công hoàn toàn là một huyền thoại, hay đúng hơn thì đây chính là bản thân lịch sử hiển hiện thành nhân vật hư cấu nhằm cổ vũ cho cái tài đức phi phàm của quân sư Trương Lương. 

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư - Ảnh 5.

Hán Cao Tổ khai mở đại nghiệp nhà Hán kéo dài 4 thế kỷ cũng không thể không nhắc đến Tố Thư – thời ấy ngợi ca sách này là Thiên Thư. Vậy nên Tố Thư gắn liền với triều đại huy hoàng nhất lịch sử Trung Hoa chính là nhà Hán.

"Tố Thư" thuộc binh pháp số 8 trong 12 binh pháp của cuốn sách "Thập Nhị Binh Thư" được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư - Ảnh 6.
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 8: Tố Thư - Ảnh 7.

(Đón đọc kỳ sau: "Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 9: Đường Thái Tông – Lý Vệ Công Vấn Đối".)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại