WHO kẹt giữa Mỹ - Trung khi cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 “nóng” trở lại

Kiều Anh |

"Cố gắng để cân bằng giữa việc theo đuổi các phương pháp điều tra mà Trung Quốc muốn và việc đáp ứng những mong đợi của Mỹ là một điều đầy thách thức", một chuyên gia về y tế toàn cầu tại Australia nhận định.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

WHO kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc

Những câu hỏi về các bước đi tiếp theo trong cuộc truy tìm nguồn gốc đại dịch Covid-19 sẽ phủ bóng cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này.

Cuộc họp này của WHO là cuộc họp đầu tiên kể từ kết luận gây tranh cãi hồi đầu năm của cuộc điều tra do WHO dẫn đầu nhằm tìm hiểu virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu lây lan như thế nào ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc khi các ca mắc đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019.

Một số quốc gia vào thời điểm đó, bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản cho rằng, những phát hiện của WHO sau cuộc điều tra trên không hoàn toàn thuyết phục khi thiếu sự minh bạch và sự độc lập khỏi chính phủ Trung Quốc. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhắc đến những lỗ hổng trong việc tiếp cận dữ liệu của các nhà khoa học quốc tế trên thực địa, mặc dù Trung Quốc kiên quyết bảo vệ sự minh bạch của mình.

Hiện nay, một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi khởi động giai đoạn nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm hiểu virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu lây lan sang con người như thế nào.

"Chúng tôi (Mỹ - ND) nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra thẳng thắn, toàn diện và do các chuyên gia dẫn đầu nhằm đảm bảo chúng ta sẽ được chuẩn bị để làm giảm tác động cũng như phản ứng hiệu quả trước các đợt bùng phát tiếp theo và ngăn cản các đại dịch trong tương lai", đại diện Mỹ tại WHO Jeremy Konyndyk nhận định tại Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm 25/5, đồng thời cho biết mục đích của cuộc điều tra "không phải để đổ lỗi".

Trung Quốc cũng nói rằng nước này ủng hộ các nghiên cứu song nhấn mạnh "phần của Trung Quốc" trong công việc này đã hoàn thành và đã đến lúc các quốc gia khác hợp tác trong các nghiên cứu toàn cầu về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Việc tìm ra một hướng đi hợp pháp và được chấp nhận rộng rãi sẽ là một thách thức đáng kể với WHO, các chuyên gia cho hay.

"Cố gắng để cân bằng giữa việc theo đuổi các phương pháp điều tra mà Trung Quốc muốn và việc đáp ứng những mong đợi của Mỹ là một điều đầy thách thức", chuyên gia về quản trị y tế toàn cầu, giáo sư Sara Davies tại Đại học Griffith ở Australia nhận định.

"Rõ ràng Mỹ cùng các đồng minh không hài lòng và có nhiều câu hỏi họ muốn được giải đáp, nhưng từ những tuyên bố của Trung Quốc gần đây, họ dường như khá kiên quyết khi cho rằng mọi thứ đã hoàn thành".

Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 nóng trở lại

Một trở ngại lớn đặt ra hiện nay là giả thuyết virus SARS-CoV-2 lọt ra ngoài từ một phòng thí nghiệm nghiên cứu về virus trên dơi ở Vũ Hán. Giả thuyết này đã được đội ngũ nghiên cứu của WHO và các chuyên gia Trung Quốc đánh giá là "hoàn toàn không có khả năng" sau cuộc điều tra kéo dài 1 tháng vào đầu năm nay.

Họ cũng đưa ra 3 giả thuyết khác, trong đó có đề cập việc virus có thể đã lây trực tiếp từ dơi sang con người, hoặc có thể lây qua một loài động vật trung gian hay một loại thực phẩm nào đó.

Tuy nhiên, việc điều tra về giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm đang nhận được sự ủng hộ từ các nhà khoa học uy tín và các nghị sĩ Mỹ trong những tuần gần đây.

Không có quốc gia nào tại Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm 25/5 đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm mặc dù Bồ Đào Nha kêu gọi một cuộc điều tra nhắm vào tất cả 4 giả thuyết mà đội ngũ của WHO đặt ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tăng cường các cuộc thảo luận về chủ đề này ở Mỹ có thể khiến nhiều quốc gia tham gia vào những nhiệm vụ trong tương lai điều tra nguồn gốc dịch bệnh dù đây vẫn là một "lằn ranh đỏ" với Trung Quốc.

"Để thúc đẩy điều tra về nguồn gốc Covid-19, nhiều nỗ lực hơn cần được thực hiện ở Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc cần đáp ứng việc tiếp cận đầy đủ với phòng thí nghiệm Vũ Hán. Tuy nhiên, điều này sẽ không bao giờ xảy ra", Ayelet Berman, một chuyên gia về y tế toàn cầu tại Trung tâm Luật pháp Quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore cho hay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 26/5 đã chỉ trích những lời kêu gọi điều tra giả thuyết phòng thí nghiệm và cho rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nên chuyển hướng sang Mỹ, song không giải thích nguyên nhân tại sao.

"Một số người ở Mỹ nói rằng họ muốn biết sự thật nhưng ý định thực sự của họ là thao túng chính trị", ông Triệu Lập Kiên cho hay.

Wang Yiwei, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cũng kêu gọi các nhà điều tra của WHO nên chuyển hướng ra ngoài Trung Quốc.

"Trung Quốc đã để các chuyên gia tới điều tra nhưng Mỹ thì không. Mỹ có khả năng và thậm chí có lẽ đã gặp sự cố từ phòng thí nghiệm của họ. Vì thế, cuộc nghiên cứu về nguồn gốc đại dịch nên được tiến hành với tất cả các bên chứ không phải chỉ nhắm vào Trung Quốc. Lập trường của Trung Quốc là hãy đóng góp vào việc kiểm soát đại dịch chứ không phải chính trị hóa hay thậm chí vũ khí hóa cuộc điều tra này", ông Wang Yiwei nhận định.

Drew Thompson, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nói rằng nước này đã "hoàn thành nghĩa vụ" khi đã tổ chức cuộc điều tra về Covid-19.

Ông cũng cho rằng bất kỳ nhiệm vụ nào tới Trung Quốc sau này, dựa trên những tiêu chuẩn mà Mỹ và các nước khác chấp nhận khi kêu gọi một cuộc điều ra độc lập với chính phủ, sẽ không thể tiến hành.

Tuy nhiên, ông Berman hy vọng sẽ có nhiều cuộc trao đổi hơn về cách thức tiến hành nghiên cứu nguồn gốc đại dịch Covid-19, cả ở Trung Quốc và những nước khác./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại