Cơn 'sốt nóng' hạ nhiệt, giá đất nhiều nơi lập đỉnh mới

Bình An |

Theo nhận định từ chuyên gia Savills Việt Nam, thời gian gần đây xu hướng dòng tiền đổ vào đất gia tăng, nhiều khu vực giá nhà đất trước đó chưa được đánh giá cao đã tăng đến ngưỡng hợp lý, tuy nhiên, cũng có nhiều khu vực tăng vượt quá giá trị thực tế.

Giá đất ở nhiều địa phương tăng phi mã trong Quý đầu năm 2021. Chẳng hạn, tại Hà Nội trước thông tin sắp phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng, thì những nơi bám xung quanh sông Hồng như Mê Linh, Đông Anh,...trước đây nằm im bất động thì bỗng dưng giá đất tăng chóng mặt trong thời gian ngắn, có nơi tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó.

Không chỉ ven trung tâm Hà Nội, nhiều địa phương khác ở phía Bắc cũng sốt giá đất. Trước thực trạng cơn sốt đất điên cuồng hồi tháng 3,4 năm 2021, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một loạt các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ… đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn, xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn, đẩy giá bất động sản. Sau những cảnh báo được đưa ra, việc sốt đất nền tại nhiều địa phương đã hạ nhiệt.

Đến nay, giá đất ở nhiều khu vực sau khi tăng nóng đã thiết lập mặt bằng giá mới, có một số khu vực tăng ảo đã giảm về mức hợp lý, chẳng hạn như ở Bắc Giang, Thanh Hóa. Tuy nhiên, nhiều nơi hiện vẫn đang "đứng" trên đỉnh khi cơn sốt đất đi qua. Nhưng thực tế cho thấy, chỉ có giao dịch hạ nhiệt, còn giá nhiều nơi vẫn đi ngang.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng vào tháng 5/2021, cho thấy, giá đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. 

Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Sốt giá đất diễn ra một thời gian ngắn ở nhiều địa phương nhưng sau đó đã lắng xuống khi các cơ quan bộ ngành vào cuộc.

Đơn cử giá đất nền ở Yên Dũng hay Lục Nam tại Bắc Giang cơn sốt đất đã thổi giá tăng từng ngày, giá đất cán mốc khoảng trên dưới 30 triệu đồng/m2, nhưng sau khi cơn sốt đi qua giá đất nền đã quay đầu giảm còn khoảng 25-26 triệu đồng/m2

Ở khu vực hai xã Tăng Tiến, Quang Châu (Việt Yên) giá đất đang ở đỉnh 3,4 - 3,5 tỷ đồng/lô diện tích 105 m2 hiện giảm còn 3,2 tỷ đồng, cá biệt có nơi chỉ còn 1,8 - 2,1 tỷ đồng/lô.

Theo giới kinh doanh, từ đầu năm đến nay, giá đất nền tại Thanh Hóa tăng khoảng 50-60% so với thời điểm cuối năm 2020 trong cơn sốt đất. Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12- 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi cơn sốt đất hạ nhiệt thì nhiều khu vực tăng ảo cũng đã xì hơi, chẳng hạn giá đất một số lô ở ven biển Quảng Xương tăng từ 300-500 triệu đồng thì nay cũng đã quay về giá cũ.

Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, sau khi sốt đất thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới. 

Ông kỳ vọng mặt bằng giá mới sẽ ổn định trở lại, và sẽ cần thời gian để mức giá có thể điều chỉnh lại. Hiển nhiên là tại những thị trường mà đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao thì việc điều chỉnh lại về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Còn theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19, nhiều loại hình bất động sản gặp khó khăn trong hoạt động khai thác kinh doanh. 

Tuy nhiên, thị trường đã có lượng tiền đến từ đầu tư chứng khoán, dẫn đến thực tế đất hay bất động sản gắn với đất thu hút đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư.

Cơn sốt nóng hạ nhiệt, giá đất nhiều nơi lập đỉnh mới - Ảnh 1.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội.

Tại một số khu vực thì bất động sản trước đó chưa được đánh giá cao, giá bất động sản đã tăng đến ngưỡng hợp lý. Tuy nhiên, cũng xảy ra hiện tượng giá bất động sản tăng vượt quá giá trị thực tế, khiến một số khu vực giá vượt giá trị thực, trở thành giá trị ảo. 

Việc xuất hiện giá trị ảo dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư, đồng thời gây ra những hệ lụy cho các tổ chức và các hoạt động kinh tế lớn hơn.

Bà Hằng cho biết, nhìn từ thực tế trước đây, khi có những hiện tượng vượt quá giá trị thực thì bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên "con sóng" cao và nhận lại nhiều rủi ro, chưa kể dòng tiền hiện nay vào bất động sản cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn và một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại