Tại sao hổ mang chúa không hề hấn gì khi bị các loài rắn độc cắn trả, nó có miễn nhiễm với nọc mọi loài rắn?

Hoa Hướng Dương |

Hổ mang chúa không chỉ là vua của các loài rắn do kích thước to lớn của chúng mà còn do khả năng miễn nhiễm nọc độc ấn tượng.

Ảnh: Cắt từ video trong bài

Ảnh: Cắt từ video trong bài

Hổ mang chúa (Tên khoa học: Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất trong thế giới động vật, chúng được xem là vua của các loài rắn không chỉ bởi vì kích thước của mình.

Thực tế, hổ mang chúa có thể ăn thịt tất cả các loài rắn độc trong môi trường sống của chúng và chưa từng có trường hợp ghi nhận nào cho thấy nọc độc của con mồi có thể giết chết rắn hổ mang chúa.

Tại sao hổ mang chúa không hề hấn gì khi bị các loài rắn độc cắn trả, nó có miễn nhiễm với nọc mọi loài rắn? - Ảnh 1.

Các con mồi của hổ mang chúa lần lượt là rắn phun nọc Đông Dương (1), rắn cạp nong (2), rắn rào cây (3) rắn lục đuôi đỏ (4). Ảnh: Thành Luân

Những con mồi có nọc độc nguy hiểm của rắn hổ mang chúa là rắn cạp nong, rắn hổ mang thông thường, rắn hổ mang Ấn Độ, rắn lục đuôi đỏ, rắn rào cây... Ngay cả khi con bị con mồi cắn và tiêm nọc thì hổ mang chúa cũng không hề hấn gì.

Vậy tại sao rắn hổ mang không bị nọc độc của các con mồi nguy hiểm làm hại?

Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu về nọc độc của các loài rắn độc, đây là các hỗn hợp phức tạp của hàng nghìn protein và enzym khác nhau, được lưu trữ ở các tuyến độc phía sau đầu rắn và sẽ được dẫn đến nanh tiêm nọc thông qua các ống dẫn khi rắn cắn vào con mồi.

Theo trang The Naked Scientist, người ta chia các loại nọc độc của rắn làm 3 nhóm chính: cytotoxin (độc tố tế bào), neurotoxin (độc tố thần kinh) và hemotoxin (độc tố máu).

Các loại độc tố sẽ có nhiệm vụ tấn công vào một mục tiêu đúng như tên gọi của chúng, độc tố tế bào sẽ tấn công vào các tế bào, độc tố thần kinh sẽ tấn công vào hệ thần kinh và độc tốt máu sẽ tấn công vào mạch máu của con mồi.

Những loài rắn độc mà hổ mang ăn thịt như cạp nong, cạp nia, hổ lục, các loài hổ mang thực sự ... chủ yếu thuộc nhóm nọc độc thần kinh (tấn công hệ thần kinh), nọc độc này sẽ tấn công vào cơ quan thụ cảm trên tế bào cơ.

Chất độc thần kinh sẽ vô hiệu hóa khả năng của Acetylcholine - một hợp chất hữu cơ có chức năng là một chất dẫn truyền thần kinh, giúp điều khiển sự co cơ. Nạn nhân sẽ bị suy hô hấp, tê liệt các cơ dẫn đến tử vong.

Tại sao hổ mang chúa không hề hấn gì khi bị các loài rắn độc cắn trả, nó có miễn nhiễm với nọc mọi loài rắn? - Ảnh 3.

Rắn đuôi chuông là loài rắn có độc tố hoại máu mà hổ mang chúa không thể miễn nhiễm. Ảnh: Owlcation

Thế nhưng chất độc này lại không có hiệu quả với hổ mang chúa! Lý do là trong cơ thể loài rắn này có chứa phân tử đường trong các thụ thể, đây là các phân tử giúp các tế bào của rắn hổ mang chúa không kết nối với các chất độc thần kinh từ con mồi.

Vậy nên hổ mang chúa có khả năng kháng độc với độc tố của con mồi, nhưng cụ thể hơn là độc tố thần kinh. Nói cách khác nếu như con mồi sử dụng các loại độc tố khác như độc tố máu hay độc tố tế bào thì hổ mang chúa vẫn có thể bị tổn thương như các con mồi khác.

Mặc dù trên lý thuyết là như vậy nhưng nhìn chung, các loài rắn độc sinh sống cùng môi trường địa lý với hổ mang chúa đều sử dụng độc tố thần kinh nên khó lòng thoát khỏi kết cục trở thành con mồi.

Các loài rắn khác như rắn đuôi chuông, rắn taipan, rắn mamba... có chứa độc tố hoại máu nguy hiểm nhưng môi trường sống của chúng lại không trùng với hổ mang chúa nên hổ mang chúa không tiến hóa khả năng kháng nọc với những độc tố này.

Tuy nhiên 'vỏ quýt dày có móng tay nhọn', một kẻ đi săn khác cũng có khả năng miễn nhiễm nọc độc giống như rắn hổ mang chúa và cũng chính là kẻ thù đáng sợ của các loại rắn nói chung và hổ mang chúa nói riêng: Cầy Mangut.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Nytimes, Sciencedirect, Reptilesmagazine

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại