Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nói về giải pháp căn cơ phòng chống dịch

LÊ XUÂN SƠN |

Sáng 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 có cuộc gặp gỡ với báo giới, chia sẻ nhiều thông tin về chiến lược và biện pháp phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tình hình vắc-xin, giải pháp đối phó tình trạng nhập cảnh trái phép.

Hà Nội vẫn đang cố gắng phong tỏa các ổ dịch, ngăn chặn lây lan. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Hà Nội vẫn đang cố gắng phong tỏa các ổ dịch, ngăn chặn lây lan. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Tại cuộc gặp, các nhà báo đưa ra nhiều câu hỏi: Tại sao hiện đã có 26 tỉnh, thành phố có ca bệnh nhưng Chính phủ chưa lệnh giãn cách xã hội? Tại sao có tỉnh ít ca thì giãn cách, tỉnh thành có nhiều ca bệnh, như Hà Nội, thì không? Vì sao việc tiêm vắc-xin ở nước ta có vẻ chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới? Chính phủ có biện pháp gì quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép đe doạ làm bùng phát nhiều ổ dịch? Chính phủ có thay đổi chính sách trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay hay không?...

Trả lời các câu hỏi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chiến lược đối phó dịch COVID-19 của Đảng, Chính phủ là rất nhất quán. Đó là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng vào cuộc. Công thức đã phát huy tác dụng là Phát hiện - Truy vết - Khoanh vùng - Cách ly - Điều trị tích cực, hiệu quả.

Nhờ thực hiện nhất quán của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, nhờ nỗ lực của lực lượng nòng cốt và nhờ cả hợp tác quốc tế, đến giờ, Việt Nam vẫn là một trong những nước chống dịch tốt nhất. Trên thế giới, về số ca nhiễm, Việt Nam đứng thứ 116, nhưng về số ca nhiễm bệnh trên 1 triệu dân, ta đứng thứ 214 trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhờ đó, đạt mục tiêu kép, kinh tế vẫn tăng trưởng, vị thế của Việt Nam trên thế giới được nâng lên.

Năm 2020, Việt Nam là một trong những nước thực hiện giãn cách xã hội sớm nhất. Ở thời điểm hiện nay, xét từ góc độ thuần túy của người làm công tác y tế, phòng chống dịch, mong muốn đơn giản nhất là thực hiện giãn cách, dừng xuất nhập cảnh. Nhưng chúng ta thực hiện mục tiêu kép. Quyết định ở đây là dựa trên bản lĩnh chính trị và bản lĩnh chính trị thì dựa trên cơ sở khoa học. Phó Thủ tướng nói quan điểm của ông là tình hình hiện nay chưa đến mức độ phải giãn cách.

 Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nói về giải pháp căn cơ phòng chống dịch  - Ảnh 2.

Hà Nội vẫn đang cố gắng phong tỏa các ổ dịch, ngăn chặn lây lan Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Số ca bệnh những ngày qua tăng, nhưng đó là những ca đã được truy vết, cách ly từ trước nên nguy cơ lây nhiễm ra xã hội là ít. Thao tác là khoanh vùng nhanh nhất, gọn nhất có thể. Ở những vùng chưa thật rõ, có thể khoanh rộng hơn nhưng xác định các yếu tố dịch tễ để thu hẹp.

Giải pháp căn cơ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói chiến lược, chính sách của chúng ta là nhất quán, xuyên suốt, không có gì thay đổi, nhưng tùy tình hình, từng thời điểm có những điều chỉnh. Từng thời điểm thì nên tập trung vào khâu gì, biện pháp gì, chứ không cần phải thay đổi chính sách.

Sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc-xin

photo-1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp xúc cử tri tại Vĩnh Long


Ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tham dự hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và những người ứng cử Ðại biểu Quốc hội khóa XV tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Nhiều cử tri quan tâm tình hình dịch COVID-19, kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân.

Theo Bộ trưởng Y tế, thời gian qua, các nguồn vắc-xin COVID-19 trên thế giới rất khan hiếm và có sự tranh đua giữa các nước. Vì vậy, Việt Nam đã sớm đàm phán với các nước, tổ chức trên thế giới để tiếp cận nguồn vắc-xin. Thứ nhất là nguồn vắc-xin của COVAX Facility, đơn vị này đã đồng ý hỗ trợ nước ta 40 triệu liều.

Thứ hai, năm ngoái đặt mua từ AstraZeneca khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang trình phương án mua 31 triệu liều của Pfizer. Cộng thêm các nguồn vắc-xin khác được cho, tặng, nước ta sẽ có khoảng 110 triệu liều.

Trong khi đó, Chính phủ cho phép mua đến 150 triệu liều. “Vì vậy, khi có vắc-xin, chúng tôi sẽ tổ chức tiêm theo đúng tinh thần Nghị quyết 21. Chúng tôi cố gắng từ nay cho đến hết năm 2021, sẽ triển khai một chiến dịch tiêm vắc-xin COVID -19 quy mô rộng lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành y tế”, ông Long nói. NHẬT HUY

Về việc các tỉnh, thành có phản ứng khác nhau trong đợt này, Phó Thủ tướng nói chúng ta đã xác định cần thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch. Các tỉnh, thành căn cứ các hướng dẫn chuyên môn để có biện pháp phù hợp địa phương mình để đạt mục tiêu kép.

Điều rất quan trọng là phải chủ động chuẩn bị vật tư, thiết bị. Trước đây, Chính phủ dự liệu tình huống có 10.000 ca nhiễm, nay lường cả những kịch bản đến 30.000 ca, để cả Trung ương và địa phương chuẩn bị sẵn sàng nếu tình huống xấu đó xảy ra.

Về vấn đề vắc-xin, Phó Thủ tướng nói, ngay từ tháng 3/2020, Chính phủ nhận định loại virus này có khả năng còn tồn tại lâu nên đã chỉ đạo một số bộ như Y tế, Khoa học Công nghệ, Quốc phòng tập trung nghiên cứu, chế tạo vắc-xin. Chủ trương là phải có vắc-xin mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Do yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách nên chúng ta kết hợp nghiên cứu sản xuất và mua. Nhưng vắc-xin trên thế giới đang khan hiếm nên ta mới có một số lượng nhỏ. Cuối năm nay mới có thể có số lượng vắc-xin đáng kể nhưng chưa đủ miễn dịch cộng đồng. Nên các biện pháp chống dịch hiện nay phải tiếp tục thật nghiêm túc. Một thời gian nữa mới có vắc-xin nội.

Về vấn đề xuất nhập cảnh trái phép, Phó Thủ tướng nhận định đây là hành vi hết sức nguy hiểm. Bình thường đó đã là một hành vi vi phạm pháp luật cần chế tài. Trong bối cảnh các nước xung quanh chúng ta dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hành vi này càng nghiêm trọng.

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp đã bị phát hiện.

Chính phủ kêu gọi người dân đề cao tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, đất nước để tuân thủ nghiêm pháp luật, quy định về xuất nhập cảnh, nhất là trong thời điểm này, góp phần phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại