Các nước Đông Âu nhóm họp, vạch kế hoạch đối phó với Nga

Hải Đăng |

Các nước Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ukraine vừa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh chung tại Warsaw, Ba Lan ngày hôm qua (3/5) với nhiều nội dung quan trọng.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh Reuters.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh Reuters.

Không chỉ bàn các vấn đề hợp tác đa phương, Hội nghị còn là diễn đàn để các nước này bàn cách ứng phó với Nga, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Đông Âu vẫn chưa hạ nhiệt liên quan đến các động thái trục xuất các nhân viên ngoại giao mới đây.

Trọng tâm của hội nghị

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đặc biệt đúng ngày lễ kỷ niệm của Ba Lan và Litva và kỷ niệm 230 năm ngày lập hiến pháp chung, văn kiện dân chủ bằng văn bản đầu tiên của châu Âu (3/5/1791-3/5/2021). Mặc dù vậy nhưng đại diện các nước tham dự hội nghị vẫn dành sự quan tâm lớn đến các vấn đề liên quan đến Nga trong đó bao gồm cả cách ứng xử của Nga đối với các nước láng giềng ở Đông Âu cũng như các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Litva đã đưa ra lập trường cứng rắn chống lại việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014 và các hành động quân sự gần đây của điện Kremlin đối với các quốc gia trong khu vực. Theo ông, Litva sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập Crimea và sẽ thực hiện các bước để chấm dứt việc chiếm đóng thực tế một phần phía đông Ukraine. Tổng thống Litva cũng nhấn mạnh lập trường ủng hộ đường lối tự do ở Belarus và sẽ không bao giờ cho phép nó chịu ảnh hưởng bởi Nga.

Trong khuôn khổ chương trình, Tổng thống Ba Lan Andrej Duda đã cam kết với người đồng cấp Ukraine rằng các hành động của Nga ở Ukraine sẽ không được Ba Lan chấp nhận. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Duda, lãnh đạo của Ukraine đã cảm ơn Ba Lan vì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và lên án việc sáp nhập Crimea của Nga. Dịp này, Tổng thống Ukraine đã mời người đồng cấp Ba Lan tham dự buổi lễ kỷ niệm 30 năm độc lập của nước này vào tháng 8 tới. Theo nhà lãnh đạo này, sự kiện tới sẽ rất quan trọng vì đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với sự tham gia của bạn bè và đối tác của Ukraine liên quan đến vấn đề Crimea.

Cuộc chiến chống Covid-19 cũng trở thành một trong những nội dung trọng tâm được 5 nước thảo luận. Trong vấn đề này, lãnh đạo của Ukraine đã bày tỏ sự thất vọng với EU khi cho biết Ukraine chưa được nhận bất kỳ loại vaccine ngừa Covid-19 nào đã được hứa hẹn từ EU. Hiện Ukraine mới chỉ có 1 triệu người trên tổng số 44 triệu dân được tiêm chủng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các quốc gia đã ký một tuyên bố chung nhấn mạnh sự đoàn kết giữa các quốc gia và xác định đó là cơ sở chính cho hòa bình, ổn định và phát triển của các nước trong giai đoạn hiện nay.

Quan điểm về vấn đề Ukraine

Trong khuôn khổ chương trình này các quốc gia đã chỉ trích các bước đi vừa qua của Nga cũng như phản đối việc sát nhập Crimea của Nga. Các quốc gia này cũng đã bày tỏ thiện chí cũng như thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ đối với Ukraine trong những vấn đề có liên quan tới an ninh khu vực.

Nhìn lại vấn đề của Nga và Ukraine, cả hai bên đều không mong muốn xung đột trực diện, do đó giải quyết bằng đối thoại vẫn là ưu tiên hàng đầu của hai quốc gia. Tuy nhiên, xung đột về chủ quyền thì chưa bao giờ là vấn đề dễ giải quyết, do đó với các “phép thử” vừa qua của Nga, Ukraine cũng buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia bên ngoài khu vực để tạo lợi thế đối thoại cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực mà các quốc gia Baltic hay Ba Lan sẽ không phải là ngoại lệ.

Bên cạnh đó, chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Ukraine cũng là một vấn đề được các nước đặc biệt chú ý bởi điều này thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với quốc gia này sau một số động thái căng thẳng gần đây với Nga cũng như mở ra cơ hội cho Ukraine tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ và NATO đối với các vấn đề tranh chấp hiện nay của mình.

Dự báo chiều hướng quan hệ giữa các bên

Bất chấp sự sốt sắng của người Ukraine hay các quốc gia Đông Âu, chính quyền Mỹ và các đối tác lớn châu Âu cho đến nay vẫn chưa nhất trí về các bước đi rõ ràng để răn đe Nga. Bởi lẽ, các quốc gia đều đang phải căng mình chống chọi với làn sóng thứ 3 đại dịch Covid-19. Mặt khác việc thiếu thốn vaccine ngừa Covid-19 hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho các quốc gia ở “Lục địa già” trong giai đoạn hậu Covid-19.

Điều này lý giải phần nào các bước đi tới thời điểm này như là Mỹ kêu gọi Nga giảm leo thang, hay Pháp và Đức, hai quốc gia có tiếng nói trong EU và NATO kêu gọi cả Nga và Ukraine thể hiện sự kiềm chế.

Có thể thấy, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) hiện được cho đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Giới phân tích nhận định về bản chất, đối đầu Nga-Mỹ hay Nga - EU có quan hệ mật thiết tới cuộc cạnh tranh địa chính trị và tranh giành tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế cũng như những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi. Mặt khác, trong nhiều vấn đề chung và riêng, Mỹ và EU đều có lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy đối thoại với Nga.

Cuộc đối đầu địa-chính trị mang tính chiến lược giữa Nga và phương Tây kéo dài dai dẳng hàng chục năm nay. Các biện pháp trừng phạt - đáp trả mà hai bên liên tục đưa ra càng khiến thế đối đầu thêm gay gắt và dai dẳng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giới quan sát cho rằng hai bên vẫn luôn có sự nhượng bộ, kiềm chế nhất định để mối quan hệ này không rơi bước đường cùng không thể cứu vãn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại