Tại sao không biến sân bay thành một trang trại điện mặt trời khổng lồ?

Bảo Nam |

Các sân bay có những khoảng đất trống và những mái nhà rộng lớn, nhưng không dễ để bao phủ mọi thứ chỉ bằng cách đặt các tấm pin mặt trời.

Nếu đã từng một lần nhìn ra cửa sổ máy bay khi nó cất cánh hoặc hạ cánh, bạn chắc chắn đã thấy toàn cảnh sân bay trông như thế nào. Nó bao gồm các nhà chứa máy bay và các tòa nhà hỗ trợ khác, nhưng chủ yếu là rất nhiều không gian trống. Chúng về cơ bản là một không gian mở rộng lớn và không hề có cây cối.

Vậy tại sao chúng ta không bao phủ toàn bộ các sân bay - những không gian dành riêng không thể được sử dụng cho bất kỳ việc gì khác ngoài việc kinh doanh du lịch hàng không - bằng các tấm pin năng lượng mặt trời?

Tất nhiên, các sân bay không chỉ có nhiều chỗ trống mà còn có rất nhiều quy tắc. Nhưng tạm bỏ qua các quy tắc một bên và hãy nói về tiềm năng của ý tưởng này trước. Nghiên cứu mới từ Australia cho thấy hiệu quả của việc lấp đầy không gian của 21 sân bay ở quốc gia này sẽ có hiệu quả như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã quét hình ảnh vệ tinh của các sân bay để tìm các không gian mở, nơi có thể đặt các tấm pin mặt trời và tìm thấy tổng diện tích có thể sử dụng là 2,61 km vuông.

Tại sao không biến sân bay thành một trang trại điện mặt trời khổng lồ? - Ảnh 1.

Để so sánh, họ cũng quét hình ảnh vệ tinh và tìm thấy 17.000 tấm pin mặt trời dân dụng ở thị trấn Bendigo, ngay phía bắc Melbourne, miền nam nước Úc. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng các sân bay có thể tạo ra lượng năng lượng mặt trời gấp 10 lần so với 17.000 tấm pin dân dụng - đủ để cung cấp năng lượng cho 136.000 ngôi nhà. Họ cũng tính toán thêm rằng việc bao phủ pin năng lượng mặt trời ở tất cả 21 sân bay sẽ làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên tới 152 kiloton mỗi năm, tương đương với giảm đi 71.000 chiếc xe chở khách trên đường.

Với nguồn cung ánh nắng mặt trời dồi dào, Australia đang ngồi trên một nguồn năng lượng tương đương với một mỏ vàng, và những khoảng trống lớn trên mái nhà trong các sân bay tạo ra cơ hội để tập trung sản xuất năng lượng mặt trời. Và khác với việc lắp pin mặt trời trên mái nhà dân, các tấm pin dùng cho mục đích thương mại lớn hơn và hiệu quả hơn, do có kích thước lớn và dễ thi công hơn.

Các tấm pin này sau đó có khả năng cung cấp năng lượng cho chính sân bay thậm chí cho những nơi khác xung quanh thông qua lưới điện.

Nhưng mặc dù việc ốp những tấm pin mặt trời lên mái nhà này có thể hiệu quả, nhưng nó chắc chắn sẽ không dễ dàng. Ví dụ, các cơ quan quản lý hàng không sẽ yêu cầu các quan chức sân bay phải chứng minh rằng các tấm pin mới của họ không tạo ra ánh sáng chói mắt và phản xạ vào buồng lái của các phi công và kiểm soát viên trong tháp không lưu. Việc này có thể xử lý bằng lớp phủ trên các tấm pin mặt trời hiện đại, nhưng đó vẫn là điều mà các quan chức sân bay phải tính đến trong kế hoạch của họ. Chưa kể, họ cũng cần đảm bảo rằng các tấm pin không gây nhiễu liên lạc radar tại sân bay.

Tại sao không biến sân bay thành một trang trại điện mặt trời khổng lồ? - Ảnh 2.

Trong quá trình xây dựng, việc gắn các tấm pin năng lượng mặt trời trên các mái nhà sẽ làm tăng thêm chi phí. Nhưng khi xây dựng các cấu trúc mới hoặc mở rộng các nhà ga, công suất năng lượng mặt trời có thể được đưa vào kế hoạch.

Và rõ ràng, việc thiết kếvà tích hợp năng lượng mặt trời vào các tòa nhà mới sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc cố gắng trang bị chúng cho các tòa nhà cũ. Đối với các tòa nhà cũ, giải pháp rẻ hơn là triển khai các tấm pin mặt trời trên mặt đất.

Tuy nhiên, đối với các sân bay trong đô thị không có nhiều đất trống, lựa chọn thực sự duy nhất có thể là những mái nhà. Ví dụ như ở Sân bay Quốc tế Denver, họ đang triển khai cả hai phương án này. Các tấm pin sẽ sớm bao phủ gần 500.000 mét vuông, cung cấp 25% đến 30% năng lượng hàng năm của sân bay. Trong điều kiện có nắng, hệ thống này thậm chí có thể cung cấp toàn bộ năng lượng cho sân bay.

Tuy nhiên, năng lượng mặt trời có bản chất riêng là không liên tục. Trong một ngày mùa đông, năng lượng thu hoạch từ mặt trời bị sụt giảm. Và một khi mặt trời lặn, chúng ta sẽ mất hoàn toàn nguồn điện năng này. Vì vậy, bạn sẽ không bao giờ có thể tách sân bay khỏi mạng lưới điện năng truyền thống. Tuy nhiên, các tấm pin có thể là một bổ sung cho cơ sở hạ tầng năng lượng của sân bay, giúp tăng cường năng lượng vào các ngày nắng.

Các sân bay cũng có thể tích trữ nguồn năng lượng này. Hiện tại, các tấm pin mặt trời của Sân bay Quốc tế San Francisco (Mỹ) hiện tạo ra 4,6 megawatt, trong khi nhu cầu cao điểm của nó là 55 megawatt.

Các quan chức sân bay có ý định mở rộng hệ thống pin năng lượng mặt trời này, hoặc xây dựng một hệ thống tự cung tự cấp cho phép sẽ sử dụng năng lượng mặt trời để sạc vào các hệ thống pin lớn. Nếu có sự cố mất điện, thay vì chuyển sang sử dụng máy phát điện như hiện nay, họ có thể chuyển sang dùng pin dự phòng để điện khí hóa các cơ sở thiết yếu.

"Chúng tôi có thể tận dụng nguồn năng lượng tái tạo đó trong các khoảng thời gian khác nhau trong ngày", Erin Cooke, Giám đốc phụ trách tính bền vững của sân bay cho biết:

Tuy nhiên, việc đầu tư vào các tấm pin và pin năng lượng mặt trời sẽ khiến các sân bay phải đối mặt với vấn đề tài chính. Do đó, việc triển khai phải có ý nghĩa kinh doanh, thay vì một dự án xin tài trợ từ các chính phủ. Tuy nhiên, chi phí năng lượng tái tạo đang giảm liên tục cho phép điều này dần trở nên dễ tiếp cận hơn.

Tham khảo Wired

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại