Thất vọng với Trung Quốc, Tổng thống Philippines quay sang ông Putin

Bình Giang |

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa có cuộc nói chuyện với người mà ông gọi là “anh hùng yêu thích” của mình – Tổng thống Nga Vladimir Putin, để nói về chuyện mua vắc-xin COVID-19, trong bối cảnh Manila đang bất hoà nghiêm trọng với Bắc Kinh vì tranh chấp trên biển.

Hai ông Duterte và Putin có cuộc gặp trực tuyến hôm 14/4, trong đó ông Duterte đặt hàng 20 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga. Đơn hàng này giúp đa dạng hoá nguồn cung vắc-xin COVID-19 cho Philippines, ngoài Mỹ và Trung Quốc, khi Manila gần đây tiên tục tố cáo các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Tổng thống Duterte và Tổng thống Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục và củng cố hợp tác để đẩy lùi đại dịch COVID-19", thông cáo từ văn phòng của ông Duterte cho biết.

Cuộc gặp này là trao đổi đầu tiên giữa lãnh đạo Nga – Philippines kể từ khi ông Duterte có chuyến thăm Nga vào tháng 10/2019.

"Đều là vì ngoại giao vắc-xin, vì Philippines muốn có thêm nguồn cung", Chester Cabalza, nhà sáng lập Tổ chức Hợp tác an ninh và phát triển quốc tế (một tổ chức nghiên cứu ở Manila), nói với Nikkei Asia.

"Đây có thể một phần của chiến thuật đa dạng hoá mà ông Duterte đang thực hiện khi căng thẳng chính trị với Trung Quốc gia tăng", ông Cabalza nói.

Philippines là một trong những nước bị đại dịch COVID-19 tấn công nặng nề nhất ở châu Á, và lâu nay ông Duterte vẫn quay sang Trung Quốc nhờ giúp đỡ, trong đó có việc mua 25 triệu liều vắc-xin Sinovac.

Trung Quốc đã cung cấp 2,5 triệu trong tổng số 3 triệu liều vắc-xin mà Philippines có được cho đến nay, trong đó có 1 triệu liều Sinovac mà Bắc Kinh tặng. Nhưng khi chuyến hàng hỗ trợ cập cảng hồi tháng trước, quân đội Philippines lên tiếng tố cáo hàng trăm tàu Trung Quốc hiện diện mờ ám trên Biển Đông.

Từ đó, quan chức Trung Quốc và Philippines liên tục khẩu chiến. Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Philippines triệu đại sứ Trung Quốc ở Manila đến để nghe phản đối, trong khi quân đội Philippines điều thêm tàu hải quân ra tuần tra trên biển.

"Với sự giúp đỡ của Nga về vắc-xin, tôi nghĩ sẽ không cần có đi có lại", ông Cabalza nói. Ông cho rằng Nga có vẻ không muốn đổi thứ gì lấy vắc-xin.

"Lý do Nga hợp tác với Philippines là vì dầu khí và làm ăn, không liên quan đến Biển Đông hay nhân quyền", hai thứ mà Trung Quốc và Mỹ quan tâm nhất, ông Cabalza nói.

Manila còn đang đặt mua 40 triệu liều vắc-xin từ hãng dược Mỹ Pfizer, sau khi đặt 20 triệu liều của Moderna.

Từ khi lên nắm quyền năm 2016, ông Duterte quay lưng với Mỹ để xích lại Trung Quốc và Nga để thực hiện cái mà ông gọi là chính sách đối ngoại "độc lập".

Năm 2016, khi được phóng viên hỏi rằng ứng viên tổng thống Mỹ nào là người ông ủng hộ, ông Duterte nói rằng ông "không thể đánh cược câu trả lời của mình" nhưng "người anh hùng yêu thích của tôi là Putin".

Mátxcơva cung cấp súng trường và xe tải cho các lực lượng an ninh Philippines, trong khi đang thăm dò các dự án năng lượng, bao gồm khả năng làm sống lại dự án nhà máy điện hạt nhân đang ngủ đông của Manila. Cuối năm 2019, cựu đại sứ Nga tại Manila Igor Khovaev nói rằng ông Putin đã đồng ý thăm Philippies sau khi ông Duterte có lời mời. Tuần này, ông Duterte nhắc lại lời mời ông Putin thăm "ngay sau khi tình hình cho phép".

Năm ngoái, khi phương Tây bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của vắc-xin Sputnik, ông Duterte trở thành một trong những người đầu tiên ủng hộ vắc-xin của Nga và tuyên bố bản thân ông sẽ trở thành người tiêm thử nghiệm.

Nhà nghiên cứu Cabalza cho rằng cuộc gặp trực tuyến vừa qua với ông Putin gửi tín hiệu về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại "độc lập" của ông Duterte.

"Khi chúng tôi đã trải qua một giai đoạn và nhận thấy những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông không thay đổi, chính phủ ở Manila giờ đang nghĩ lại, rằng có lẽ họ không thể dựa vào Bắc Kinh và đó là lý do họ đang kêu gọi đồng minh", ông Cabalza nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại