Hơn 200 người ở BV Bạch Mai nghỉ việc: Nên đổi mới một cách... từ từ?

N. Huyền |

Cho rằng việc đổi mới, cải tổ ở Bệnh viện Bạch Mai là đúng, nhưng một lãnh đạo khoa mới xin nghỉ việc cho rằng 'lãnh đạo nên làm từ từ để anh em kịp thích nghi'.

Có những điều dưỡng nói thẳng họ không làm được việc đổ bô, vệ sinh, gãi ngứa cho bệnh nhân. Khi Giám đốc yêu cầu, nhiều người không hài lòng. Còn bệnh nhân thì hồn nhiên "ở đây chúng nó phải gội đầu, phải gãi cho mẹ rồi"

Chia sẻ với PV về việc hơn 200 người đồng loạt xin nghỉ, một lãnh đạo khoa gắn bó với BV Bạch Mai hơn 20 năm đang trong tình trạng chờ giải quyết đơn xin thôi việc cho rằng việc đổi mới, cải tổ là đúng. Hướng làm của Giám đốc BV Bạch Mai (GS Nguyễn Quang Tuấn - PV) là đúng, nhưng “nhanh quá, lãnh đạo làm hơi đột xuất, anh em không thích nghi được”.

Bản thân vị bác sĩ này thấy không đáp ứng được đòi hỏi nên xin nghỉ. Theo ông, công sức anh em bỏ ra nhiều nhưng thu nhập thì giảm đi.

"Ngành y phải đổi mới, với điều kiện là thu nhập anh em y tế phải cao lên. Số lượng người phục vụ, chăm sóc toàn diện phải tăng lên mới đủ làm. Còn như hiện nay, một số bệnh nhân nhận thức chưa tốt, nhiều người còn chửi cả bác sĩ, điều dưỡng nên chúng tôi rất áp lực”, bác sĩ này chia sẻ.

Về việc buộc phải rời khỏi nơi gắn bó tới hơn 20 năm, ông cho biết, mặc dù việc nhiều hơn, chịu trách nhiệm nhiều hơn nhưng lương thu nhập không được bao nhiêu và hễ sai là bị trừ tiền 2-3 tháng, coi như làm không công.

“Lãnh đạo nên làm từ từ để anh em kịp thích nghi. Mong báo chí phản ánh để lãnh đạo hiểu, cái gì quá sẽ làm khổ anh em. Khổ nên anh em mới bỏ việc”, bác sĩ này nói.

Hơn 200 người ở BV Bạch Mai nghỉ việc: Nên đổi mới một cách... từ từ? - Ảnh 1.

Bộ Y tế “tuýt còi” Bệnh viện Bạch Mai về tăng giá khám với giáo sư lên 550.000 đồng/lượt.


Trao đổi với phóng viên Infonet về vụ việc, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng trước mỗi chủ trương mới, lãnh đạo bệnh viện nên xin ý kiến của cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

“Bởi vì chính họ là chủ thể của mọi hoạt động ở bệnh viện. Cần lấy ý kiến trước hết của tập thể lãnh đạo viện, tập thể y bác sĩ, các trưởng phó khoa, tập thể các bác sĩ… Nếu Giám đốc Bệnh viện hài hòa được các lợi ích thì người ta không phản ứng như thế”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Với thâm niên trải qua 2 kỳ Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến dẫn chứng, giống như Quốc hội, trước mỗi dự án luật tác động đến nhiều đối tượng thì bao giờ cũng phải xin ý kiến của chính những đối tượng đó.

"Bất kỳ chính sách nào ra mà không lấy ý kiến đầy đủ thì sẽ có phản ứng lại, thể hiện ở việc nhiều cán bộ, y bác sĩ xin nghỉ như ở Bệnh viện Bạch Mai", ông Tiến nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Tiến, mọi hoạt động đều “phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên”. Đổi mới phát triển “là tốt nhưng phải có lộ trình”, “nếu như làm cái gì nhanh quá không được cán bộ công chức và người lao động ủng hộ thì cũng phải xem lại”.

Trước cách giải thích về việc nhiều nhân sự của bệnh viện ra đi là do “áp lực công việc”, nhưng những yêu cầu của Giám đốc đối với đội ngũ y bác sĩ cũng chỉ nhằm mục tiêu “hướng đến người bệnh”, ông Tiến chia sẻ quan điểm: "Mục tiêu vì người bệnh là đúng. Nhưng mục tiêu vì người bệnh là số một thì cũng phải vì chính y bác sĩ nữa. Họ tận tâm, tận lực, tận tuỵ như thế thì phải đảm bảo xứng đáng về quyền lợi cho họ. Nghĩa vụ thì phải đi liền với quyền lợi”.

Theo ĐBQH Lê Như Tiến, việc hướng tới chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện là rất tốt, nhưng khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng, nhân lực còn mỏng mà Giám đốc Bệnh viện lại yêu cầu phải “gội đầu, gãi ngứa” cho bệnh nhân thì cũng “không được”.

“Bệnh viện là nơi chăm sóc bệnh nhân thì phải ưu tiên chữa bệnh chứ không phải nơi gội đầu. Đây không phải là nơi chăm sóc sắc đẹp. Vào bệnh viện là để chữa bệnh, có bệnh nào thì chữa bệnh ấy, không thể vượt quá giới hạn của bệnh nhân, cũng như của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Ông Tiến đánh giá ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai là người đổi mới, trước đây từ Viện Tim, ông Tuấn cũng đã có rất nhiều đóng góp, nhưng với một bệnh viện lớn như Bạch Mai thì thay đổi việc gì cũng phải có lộ trình.

Song song với việc số lượng lớn cán bộ, nhân viên y tế ra đi, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin đã tuyển dụng, ký hợp đồng mới tới 506 người. ĐB Lê Như Tiến cho rằng việc có người đi thì bổ sung người về cũng là chuyện bình thường ở các cơ sở giáo dục, y tế và doanh nghiệp.

Vấn đề ở Bạch Mai hiện nay, theo ông Tiến, phải tìm xem nguyên nhân của chuyện ra đi hàng loạt nhân sự là gì, từ đó mới có giải pháp chính xác.

“Câu trả lời này không phải từ chính Bệnh viện Bạch Mai mà phải là cấp trên của Bệnh viện Bạch Mai, chính là Bộ Y tế. Thanh tra Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế cần phải vào cuộc xem đây có phải là chuyện “bình thường” hay không. Lãnh đạo cấp trên xem xét thì sẽ khách quan hơn, chứ để bệnh viện nói thì chưa đủ”, ông Tiến thẳng thắn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại