Cân nhắc phương án tăng lương hưu từ ngày 1/7/2021

Thu Hằng |

Lựa chọn phương án tăng lương hưu ngay từ ngày 1/7/2021 với mức dự kiến 10% là phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay, vì mức 15% từ đầu năm 2022 dù có tăng lên nhưng ngân sách đang rất khó khăn...

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp cho 8 nhóm đối tượng. Mức tăng có thể từ 10 - 15% tùy vào thời điểm điều chỉnh là ngày 1/7/2021 hoặc 1/1/2022.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thì lựa chọn tăng từ ngày 1/7 năm nay là cần thiết hơn trong bối cảnh mức lương hưu của người về hưu đang rất thấp.

Trao đổi với VnEconomy về đề xuất trên, ông Bùi Sỹ Lợi nói rằng, với 8 nhóm đối tượng như dự thảo đề xuất, Nhà nước cần dành nguồn lực ưu tiên để xem xét tăng lương hưu cho nhóm này.

Còn việc có mở rộng thêm các đối tượng khác hay không sẽ do cơ quan tham mưu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét dựa trên 2 yếu tố, đó là cân đối mức sống của các nhóm đối tượng khác nhau và căn cứ vào nguồn lực tài chính ngân sách Nhà nước có đảm bảo được hay không.

Ông Lợi cho rằng, hiện nay việc điều chỉnh lương hưu với những người về hưu trước năm 1995 và những người về hưu sau năm 1995 trở lại đây đang có mức thấp dưới 2,5 triệu đồng là rất cần thiết để đảm bảo đời sống cho người lao động đã nghỉ hưu.

"Tuy nhiên, giữa hai phương án đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo tôi nên lựa chọn phương án 1 là tăng ngay từ ngày 1/7/2021 với mức dự kiến 10% thì phù hợp hơn, vì đúng là mức 15% từ đầu năm sau dù có tăng lên nhưng do ngân sách của chúng ta hiện cũng đang rất khó khăn", ông Lợi nêu quan điểm.

Lựa chọn phương án tăng 10% từ ngày 1/7/2021, quan tâm đến những người về hưu trước năm 1993, sau đó là những người về hưu trước năm 1995 và những người về hưu sau năm 1995 với mức thu nhập thấp là cần thiết.

Nói thêm rằng, bên cạnh đó theo lộ trình từ ngày 1/7/2022 là phải cải cách chính sách tiền lương, ông Lợi cũng nhấn mạnh khi cải cách chính sách tiền lương thì phải đồng bộ với cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Do đó, lựa chọn phương án tăng 10% từ ngày 1/7 năm nay, quan tâm đến những người về hưu trước năm 1993, sau đó là những người về hưu trước năm 1995 và về hưu sau năm 1995 với mức thu nhập thấp là cần thiết.

Không phủ nhận việc tăng lương trong bối cảnh ngân sách khó khăn là vấn đề không hề đơn giản, song theo ông Lợi, Chính phủ có thể xem xét cân đối nguồn lực. Bởi vì, việc điều chỉnh lương hưu cũng là một trong những tiền để để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

"Chính phủ cần dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để giải quyết việc điều chỉnh lương hưu trước, vì rõ ràng trước sau gì chúng ta vẫn phải làm, điều này cũng vừa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo đời sống cho người lao động về hưu đang khó khăn", ông Lợi lý giải.

Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, ông Lợi cũng nhấn mạnh rằng, theo nghị quyết số 27 của Trung ương thì lẽ ra đã phải thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ đầu năm 2021, tuy nhiên do bối cảnh ngân sách khó khăn nên chúng ta tiếp tục "lỡ hẹn".

Trung ương đã quyết định tạm dừng điều chỉnh cải cách chính sách tiền lương năm 2021 sang thời điểm thích hợp khi chuẩn bị đủ nguồn lực. Quan điểm chung là nếu khôi phục sản xuất, chuẩn bị nguồn lực và cải cách bộ máy hành chính tốt, giảm nhẹ biên chế theo đúng tinh thần của nghị quyết Trung ương thì việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ tháng 7/2022.

Tại dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo 2 phương án.

Phương án một là tăng từ ngày 1/7/2021 với mức dự kiến là 10%. Với phương án này, số người được điều chỉnh từ ngân sách Nhà nước chi trả ước tính hơn 925.000 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế.

Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.

Phương án 2 là điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022 với mức dự kiến là 15%. Theo đó, số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế.

Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại