Tung ra sữa Ông Park “đấu” với Ông Thọ, tài trợ hàng chục tỷ cho HAGL, VPMilk kinh doanh ra sao?

Trường An |

Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu của VPMilk tăng hơn gấp rưỡi lên 225 tỷ nhưng công ty cũng lỗ hơn 80 tỷ đồng.

Là hãng sữa non trẻ mới gia nhập thị trường từ năm 2014, CTCP Sữa chuyên nghiệp Việt Nam – VPMilk đã nhanh chóng lựa chọn việc quảng bá sản phẩm thông qua việc gắn với những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thể thao.

Năm 2017, hãng sữa này đã ký kết gói tài trợ 50 tỷ đồng cho đội bóng Hoàng Anh Gia Lai và từ năm 2018 ký hợp đồng đại sứ thương hiệu với HLV Park Hang-Seo; thậm chí còn lấy họ của HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam đặt tên cho dòng sản phẩm sữa đặc mới ra mắt của mình: Sữa Ông Park.

Mặc dù không còn được sử dụng phổ biến như 10-20 năm trước nhưng sữa đặc vẫn là một phân khúc lớn trong ngành sữa, được sử dụng chính để làm bánh, pha cà phê. Những thương hiệu chính trên thị trường hiện có Ngôi sao Phương Nam, ông Thọ, Dutch Lady…

Một số hãng sữa hoặc tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng khác cũng góp mặt tại phân khúc này thông qua việc thuê đối tác gia công sản xuất và VPMilk cũng chọn cách thức này khi sản phẩm được sản xuất tại Malaysia.

Bên cạnh sữa đặc, công ty này kinh doanh nhiều sản phẩm khác liên quan đến sữa, như sữa công thức dinh dưỡng, sữa công thức pha sẵn, sữa dinh dưỡng, sữa tươi - sữa chua, sữa tươi thanh trùng và nước yến.

Tung ra sữa Ông Park “đấu” với Ông Thọ, tài trợ hàng chục tỷ cho HAGL, VPMilk kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Là tân binh trên thị trường vốn đã cạnh tranh rất khốc liệt nên không quá ngạc nhiên khi VPMilk đã lỗ liên tục trong những năm đầu. Số liệu của chúng tôi cho thấy năm 2017, VPMilk đạt 141 tỷ đồng doanh thu. Sang năm 2018 đã tăng gấp rưỡi lên 210 tỷ và năm 2019 tiếp tục tăng lên 225 tỷ đồng.

Mức lỗ cũng được thu hẹp từ 39 tỷ năm 2017 xuống còn 11 tỷ đồng năm 2019.

Mặc dù lỗ lớn nhưng các cổ đông của VPMilk dường như chưa có động thái tăng vốn cho công ty. Theo dữ liệu trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, cuối năm 2016, VPMilk được tăng vốn từ 20 tỷ lên 100 tỷ và chưa có thay đổi cho đến nay.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty đạt lần lượt là 155 tỷ và 48 tỷ đồng.

Một tân binh khác của ngành sữa là Anova Milk với sản phẩm Anka Milk cũng ghi nhận mức lỗ tổng cộng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại