Thu nhập trăm triệu mỗi năm, người dân miền biên xứ Thanh 'đổi đời' nhờ loại côn trùng bé xíu

Trần Nghị |

Người dân tộc Mông, Thái ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đang từng ngày thoát nghèo nhờ nuôi hàng chục hecta cánh kiến đỏ để lấy nhựa.

Cánh kiến đỏ được nuôi (thả) chủ yếu trên cây đậu thiều.

Cánh kiến đỏ được nuôi (thả) chủ yếu trên cây đậu thiều.

Theo tìm hiểu của PV, nghề nuôi ấu trùng cánh kiến đỏ được người Mông, Thái nuôi cách đây hàng chục năm. Sau đó, do nghề này mang lại thu nhập cao nên đã có hàng trăm hộ dân tham gia nuôi cánh kiến đỏ với hàng chục hecta trên địa bàn...

Ông Lương Thanh Bình (61 tuổi, trú khu 3, thị trấn Mường Lát, Thanh Hóa) người có hàng chục năm nuôi cánh kiến đỏ cho biết: "Tôi bắt đầu nuôi từ năm 1987.

Đến năm 2007 thì Liên hiệp các hội khoa học-kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng tổ chức quốc tế triển khai nhân rộng dự án nuôi cánh kiến đỏ trên địa bàn.

Có công ty ký hợp đồng giúp người dân bao tiêu sản phẩm nên gia đình tôi cũng tham gia dự án và đứng ra hướng dẫn, cung ứng giống, thu gom sản phẩm cho người dân".

Cánh kiến đỏ sống trên nhiều cây chủ như đậu thiều, cỏ khiết, cọ phèn, sung... nhưng ở Mường Lát, người dân chủ yếu nuôi cánh kiến đỏ trên cây đậu thiều. Cây cao từ 2 - 3 m, thân và cành nhỏ, hoa màu vàng.

Khi cây lớn thì người dân sẽ thả ấu trùng cánh kiến đỏ vào thân và cành cây để cánh kiến đỏ tự sinh sôi, lan rộng ra khắp nơi thành những mảng màu trắng, khi chuyển sang màu nâu đỏ thì thu hoạch. Mùa thả cánh kiến đỏ vào tháng 4 hàng năm và thu hoạch vào tháng 10.

Thu nhập trăm triệu mỗi năm, người dân miền biên xứ Thanh đổi đời nhờ loại côn trùng bé xíu - Ảnh 1.

Cánh kiến đỏ sau khi được thả tự phát triển thành đám trắng lớn rồi dần dần nhựa bên trong chuyển sang màu nâu đỏ


Cũng theo ông Bình, nghề nuôi cánh kiến đỏ không phức tạp mà mang lại thu nhập kinh tế cao, ổn định cho người dân để giúp họ xóa đói, giảm nghèo.

Theo tính toán của người dân, với giá thu mua hiện tại là 40.000 đồng/kg thì 1ha cho thu hoạch được 2 tấn cánh kiến đỏ, mang về thu nhập 80 triệu đồng. Hình thức này đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Thu nhập trăm triệu mỗi năm, người dân miền biên xứ Thanh đổi đời nhờ loại côn trùng bé xíu - Ảnh 2.

Ông Lương Thanh Bình là người đại diện ký hợp đồng với công ty để thu mua sản phẩm cho bà con nhân dân.


Mới trồng cây đậu thiều để bắt đầu nuôi cánh kiến đỏ, ông Hà Văn Huân (ở thị trấn Mường Lát) chia sẻ: "Tôi thấy nhiều nhà trồng cánh kiến đỏ thoát được nghèo nên tôi cũng kết hợp trồng 500 cây đậu thiều ở những bờ ruộng lớn để gây giống mở rộng diện tích".

Nói về nghề nuôi cánh kiến đỏ ở địa phương, ông Vi Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) thông tin: "Hiện nay có công ty ngoài Hà Nội vào phát triển dự án nuôi cánh kiến đỏ trên địa bàn và bao tiêu sản phẩm giúp người dân nên diện tích nuôi cánh kiến đỏ được nhân rộng ở nhiều địa phương như Tam Chung, Quang Chiểu, Pù Nhi...".

Được biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Lát có khoảng 100 hộ tham gia nuôi cánh kiến đỏ với diện tích khoảng 50ha.

Thu nhập trăm triệu mỗi năm, người dân miền biên xứ Thanh đổi đời nhờ loại côn trùng bé xíu - Ảnh 4.

Đậu thiều được trồng kết hợp ở các bờ ruộng lúa để nuôi cánh kiến đỏ.

Thu nhập trăm triệu mỗi năm, người dân miền biên xứ Thanh đổi đời nhờ loại côn trùng bé xíu - Ảnh 5.

Cánh kiến đỏ sau khi thu hoạch.


Thu nhập trăm triệu mỗi năm, người dân miền biên xứ Thanh đổi đời nhờ loại côn trùng bé xíu - Ảnh 6.

Ông Hà Văn Huân đang kiểm tra cánh kiến đỏ của gia đình sắp đến kỳ thhu hoạch.


Cánh kiến đỏ là loại côn trùng rất nhỏ, sống ký sinh ở các loại cây chủ. Nhựa cánh kiến đỏ được dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự huỷ thân thiện với môi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại