Giám sát, kiểm tra việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử

LUÂN DŨNG |

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ vừa thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành kế hoạch giám sát, kiểm tra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh QH

Kế hoạch kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo cuộc bầu cử được triển khai dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, bầu được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Nội dung giám sát, kiểm tra tập trung vào việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử và các văn bản có liên quan.

Cùng với đó là việc lập và triển khai kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử, trong đó có việc chuẩn bị phương tiện thông tin liên lạc, các điều kiện vật chất chuẩn bị cho cuộc bầu cử; tổ chức tiếp nhận, xem xét hồ sơ ứng cử; tổ chức hội nghị hiệp thương; công bố danh sách những người ứng cử; lập danh sách cử tri; công bố kết quả bầu cử…

Ngoài những nội dung trên, tùy tình hình cụ thể, các Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia có thể kết hợp giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương.

Qúa trình giám sát, kiểm tra sẽ được triển khai bằng hình thức xem xét, cho ý kiến tại phiên họp, hoặc bằng văn bản.

Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo việc chỉ đạo triển khai công tác bầu cử tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2021.

Cụ thể, tại phiên họp tháng 3, sẽ báo cáo việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tình hình tổ chức và kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; phân bổ kinh phí bầu cử cũng như kết quả giám sát đợt I của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sang phiên họp tháng 4, sẽ báo cáo về kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ hai và lần thứ ba; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cuộc bầu cử; việc đảm bảo an ninh và kết quả giám sát đợt II.

Tại phiên họp tháng 5, nghe và cho ý kiến về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả giám sát đợt III và thành lập các Đoàn giám sát, kiểm tra bầu cử.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia thành lập các Đoàn giám sát, kiểm tra các địa phương do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lắp. Dự kiến chia thành ba đợt, mỗi đoàn đi giám sát tại 2 hoặc 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đợt 1 (từ 10/3 –18/3), nội dung giám sát sẽ tập trung vào việc thành lập Ủy ban bầu cử; kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, cũng như tình hình triển khai giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Đợt 2 (từ 1/4 - 17/4), sẽ giám sát việc thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử; việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba và lập danh sách chính thức những người ứng cử; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử, về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, y tế, nhất là các phương án phòng, chống dịch Covid-19) trong cuộc bầu cử cũng được chú trọng.

Sang đợt 3 (từ 2/5 –20/5), tập trung giám sát việc tổ chức để người ứng cử tiếp xúc, gặp gỡ cử tri và thực hiện quyền vận động bầu cử; niêm yết danh sách những người ứng cử ở đơn vị bầu cử và những vấn đề nổi lên cũng như những kiến nghị của địa phương.

Riêng đợt 2 và đợt 3, trên cơ sở nhân sự được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 11, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhân sự cụ thể tham gia đoàn giám sát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại