Hà Nội: Tranh cãi chuyện quán nhỏ đóng cửa phòng dịch, quán lớn mở cửa vợt khách

PV |

Hà Nội yêu cầu đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê, thực hiện giãn cách trong các nhà hàng để phòng dịch Covid-19, khi nhiều quán cà phê tuân thủ đóng cửa, một số chuỗi nhà hàng cà phê lớn vẫn hoạt động gây tranh cãi.

Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, các cửa hàng trên sẽ đóng cửa từ 0h ngày 16/2/2021. Tuy nhiên, việc thực hiện yêu cầu trên tại mỗi địa bàn phường, xã là không giống nhau, nơi thực hiện nghiêm ngặt, nơi vẫn mở cửa đón khách như không hề có dịch.

Thay vì đóng cửa hoàn toàn, không ít các quán cà phê tỏ ra linh hoạt khi bán đồ uống “take away”, thậm chí có những quán hoạt động theo kiểu nửa kín nửa hở.

Tuy nhiên, một số cửa hàng lớn như chuỗi cửa hàng cà phê Highlands, Fresh Garden, My Way, Trà chanh Bụi Phố,… vẫn công khai mở cửa và thu hút lượng lớn khách đến uống cà phê trong vài ngày qua. Điều này gây nên những tranh cãi, thậm chí là bức xúc của không ít những chủ quán cà phê nhỏ lẻ.

Hà Nội: Tranh cãi chuyện quán nhỏ đóng cửa phòng dịch, quán lớn mở cửa vợt khách - Ảnh 1.

Hai quán liền cạnh nhau tại KĐT Pháp Vân, quận Hoàng Mai, nhưng tiệm trà chanh nghiêm chỉnh chấp hành việc đóng cửa, trong khi Highlands Coffee vẫn mở cửa đón khách.

Trên một diễn đàn quy tụ những người kinh doanh quán cà phê tại Hà Nội, không ít thành viên tỏ ra thất vọng về sự bất bình đẳng này.

Là người chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu đóng cửa quán từ ngày 16/2, thành viên Hoàn Nguyễn bức xúc: “Quán nhà em gần với Highlands Coffee, nhà em đã thực hiện đóng cửa ngay từ 16/2, vậy mà Highlands vẫn mở cửa và cho khách ngồi bình thường”.

“Mở trong ngõ còn bị bắt đóng cửa, Highlands Coffee thì thoải mái”; “Tôi luôn tự hỏi tại sao cùng là cà phê mà Highlands lại được mở?”; “Mình đạp xe đi và thấy AHA đóng cửa hoàn toàn, nhưng Highlands Coffee còn cho khách ngồi trong quán luôn”; “Các quán Highlands Coffee ngoài phố và cả trong các trung tâm thương mại vẫn đang kín khách”..., một loạt bình luận được các thành viên của diễn đàn viết.

Cùng với đó, những hình ảnh khách ngồi uống cà phê tại tiệm cà phê – bánh ngọt Fresh Garden trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) vào chiều chủ Nhật, 21/2, cũng được đem ra so sánh.

Giới kinh doanh cà phê tại Hà Nội cho rằng sự không công bằng này dẫn đến việc những người có nhu cầu uống cà phê sẽ dồn vào một vài địa điểm, điều này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Thành viên Lê Hoài Phương nói: “Quán mở quán không, khách lại dồn hết vào những quán đang mở, thì những quán đóng cửa phòng dịch thành ra chả ý nghĩa gì. Như vậy có phải là quá vô lý hay không? Sao có quán mở ra là bị phạt mà những quán như thế sao vẫn ngang nhiên mở như không có chuyện gì?”.

Trước những thắc mắc nói trên, quản lý của cửa hàng Fresh Garden tại Bảo tàng Dân tộc học khẳng định, “cửa hàng có đủ không gian và đã thực hiện dãn cách tốt. Hơn nữa, theo yêu cầu của thành phố, chỉ những quán ở ngoài vỉa hè mới phải đóng cửa”.

Tuy nhiên, giải thích này tiếp tục vấp phải phản ứng của những thành viên khác với lý do có rất nhiều quán cà phê khác cũng có đủ không gian giãn cách nhưng họ chỉ bán cho khách mang về. Hơn nữa, hình ảnh tại cửa hàng này cho thấy quá khó để thực hiện nghiêm túc giãn cách với lượng khách như vậy.

Hà Nội: Tranh cãi chuyện quán nhỏ đóng cửa phòng dịch, quán lớn mở cửa vợt khách - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là tại Fresh Garden trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học chiều 21/2 được chia sẻ trên diễn đàn.

Nhìn chung, tâm lý của những người kinh doanh quán cà phê tại Hà Nội đều tỏ ra e dè giữa việc đóng cửa hoàn toàn hay không. Nếu mở cửa chưa chắc đã có đủ lượng khách như mong muốn, thậm chí còn có thể bị xử phạt, đặc biệt là có thể trở thành nơi lây nhiễm nguồn bệnh. Nhưng nếu cứ ngồi im cũng không đành vì áp lực trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng.

“Thực tế bán bây giờ cũng vắng khách. Vừa bán vừa sợ chẳng may có ca dịch vì các tỉnh lân cận Hà Nội đều có dịch. Không bán thì sợ phá sản. Kiểu gì cũng chết”, chủ quán Nguyễn Ng. chia sẻ.

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 đợt bùng phát Covid-19, cũng là những thời điểm các nhà hàng, quán cà phê được phen lao đao. Nếu may mắn gặp được chủ nhà tốt bụng, người thuê nhà có thể được miễn hoặc giảm giá thuê trong thời gian đóng cửa vì dịch.

Tuy nhiên, để giành thế chủ động trong giai đoạn này, nhiều chủ quán đã lồng ghép vào hợp đồng thuê nhà điều khoản “bất khả kháng”. Theo kinh nghiệm của một số chủ quán cà phê, trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới chấm dứt, khi đàm phán hợp đồng nhất định phải có điều khoản được miễn hoặc giảm tiền nhà nếu phải đóng cửa vì dịch.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tại phiên họp 90 của Ban chỉ đạo. Nội dung kết luận giải thích rõ các cửa hàng thuộc diện phải đóng cửa từ sau 0h ngày 16/2.

Cụ thể, từ sau 0h ngày 16/2, TP Hà Nội tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND TP Hà Nội.

Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, giãn cách tối thiểu 2 m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1 m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Trường hợp không đáp ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu sẽ bị dừng hoạt động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại