Tàu sân bay Mỹ rầm rập “quần thảo” Biển Đông, Trung Quốc tức giận

Kiệt Linh |

Hai nhóm tàu sân bay của Mỹ hôm 9/2 đã tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông. Động thái này diễn ra sau khi một tàu chiến của Mỹ đi qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã tức giận lên án Mỹ phá hoại hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Tàu sân bay Theodore Roosevelt

Tàu sân bay Theodore Roosevelt

Nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt và tàu sân bay Nimitz "đã tiến hành một loạt bài diễn tập nhằm tăng cường tính tương tác giữa hai bên đồng thời củng cố năng lực chỉ huy và kiểm soát", Hải quân Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên diễn ra một chiến dịch có sự tham gia song song của hai nhóm tàu sân bay ở Biển Đông kể từ hồi tháng Bảy năm 2020.

Ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết việc tàu chiến và máy bay Mỹ thường xuyên đi vào Biển Đông để “phô trương sức mạnh” là điều không có lợi cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia đồng thời hợp tác với các nước khác trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông”, ông Wang đã phát biểu như vậy.

Cuộc tập trận đặc biệt của hai nhóm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông diễn ra sau khi Trung Quốc tức giận lên án việc Mỹ cho tàu khu trục USS John S. McCain đi gần đến quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp. Vụ tàu khu trục USS John S. McCain đánh dấu lần đầu tiên Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông kể từ khi tân Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền.

Tháng trước, quân đội Mỹ tố cáo các máy bay quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã bay theo đội hình gây bất ổn và gây hấn với nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ nhưng không gây ra mối đe dọa gì.

Mỹ đang thách thức các đòi hỏi chủ quyền tham lam và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và cố gắng dọa dẫm các nước láng giềng như Malaysia, Philippines và Việt Nam.

"Chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo việc sử dụng vùng biển này theo đúng luật như mọi quốc gia được hưởng theo luật quốc tế”, Chuẩn Đô đốc Jim Kirk – Chỉ huy Nhóm Tàu sân bay Tấn công Nimitz cho biết trong một tuyên bố.

Trung Quốc tức giận trước việc Mỹ liên tục đưa tàu chiến đi qua những quần đảo đang nằm trong tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng tức giận trước việc các tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và quân sự hóa ở Biển Đông.

Khi Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đã gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng những lời chỉ trích, lên án công khai cùng với các hoạt động quân sự. Mỹ liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cùng với Mỹ, các nước như Anh, Nhật Bản, Ấn Độ... cũng đã có những động thái nhất định nhằm phản đối các đòi hỏi chủ quyền và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại