Dòng chảy phương Bắc 2: Nguồn cơn khiến “cây cầu” xuyên Đại Tây Dương Mỹ-EU rạn nứt

Kiều Anh |

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã trở thành nguồn cơn chia rẽ Mỹ và một số nước châu Âu, đặc biệt là Đức. Đây cũng là thách thức của chính quyền ông Biden trong sứ mệnh củng cố “cây cầu” xuyên Đại Tây Dương Mỹ - EU.

Nguồn cơn chia rẽ Mỹ và một số nước châu Âu

Vào lúc được đề xuất lần đầu tiên năm 2011, dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đã trở thành nguồn cơn chia rẽ Mỹ và những nước châu Âu ủng hộ dự án này, tiêu biểu là Đức. Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ đơn giản là vấn đề giữa Mỹ và châu Âu hay vấn đề giữa Mỹ và Đức. Nhiều nước ở châu Âu, trong đó có các quốc gia ở Trung Âu và Đông Âu, Nghị viện châu Âu cũng như bản thân một số người ở Đức phản đối dự án này. Những tranh cãi về chính sách một phần xuất phát từ những quan điểm khác biệt trong vấn đề an ninh năng lượng.

Dòng chảy phương Bắc 2: Nguồn cơn khiến “cây cầu” xuyên Đại Tây Dương Mỹ-EU rạn nứt - Ảnh 1.

Tàu Fortuna của Nga làm nhiệm vụ trong quá trình xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: DW

Những người ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 coi Nga là một nhà cung cấp dầu và khí đốt gần gũi đáng tin cậy trong khi Mỹ và một số nước châu Âu không tán thành với dự án này đã bày tỏ lo ngại rằng, sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga có thể tạo ra những điểm yếu về an ninh. Mối lo ngại trên ngày càng gia tăng sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và nhiều nhà quan sát ở châu Âu cảnh báo Tổng thống Putin có thể sử dụng vấn đề khí đốt như một vũ khí chính trị.

Sự phản đối của Mỹ với dự án trên không chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo mà còn kéo theo đó là một số lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty châu Âu tham gia vào dự án xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2, một động thái mà nhiều người cho là sự tấn công vào chủ quyền của châu Âu. Vụ Nga bắt giữ nhân vật đối lập Alexey Navalny cũng dẫn đến những lập trường khác nhau về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa bối cảnh một số nước châu Âu hối thúc Đức hủy bỏ dự án này.

Trong khi dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn đang là một vấn đề nóng thì đường ống này hiện đã hoàn thành 94% với số tiền đầu tư lên tới 10 tỷ USD. Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như sự phản đối của một số nước châu Âu có lẽ sẽ trì hoãn việc thực hiện dự án trên song không thể ngăn cản nó. Việc từ bỏ hoàn toàn Dòng chảy phương Bắc 2 là điều không thể xảy ra, nhất là khi xét tới những tổn thất đáng kể về tài chính nếu đường ống này không hoàn thành.

Lập trường của Mỹ

Chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt với thách thức hàn gắn những rạn nứt mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã gây nên trong quan hệ Mỹ và châu Âu nói chung, cũng như những rạn nứt xoay quanh dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và các động thái của Nga. Mỹ sẽ phải tìm cách đối phó với những rủi ro từ dự án trên theo cách ít gây tổn hại nhất đến mối quan hệ với Đức.

Mặc dù dưới thời ông Biden, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu sẽ có một khời đầu mới khi quay lại sự hợp tác truyền thống và chủ nghĩa đa phương nhưng rõ ràng điều này không hề đơn giản. Đây là một thực tế mà cả hai bên ở 2 bờ Đại Tây Dương đều phải thừa nhận. Thậm chí, Tổng thống Biden hiểu rằng những tuyên bố thẳng thừng khiến châu Âu mất lòng của cựu Tổng thống Trump không phải chỉ là những nhận định chủ quan mà là thực tế chính ông cũng phải đối mặt.

Việc đóng góp chi phí quân sự của Đức là một ví dụ. Dự án Dòng chảy phương Bắc là một minh chứng khác. Mặc dù Ngoại trưởng Anthony Blinken có lập trường rất khác so với người tiền nhiệm Mike Pompeo nhưng đối với dự án Dòng chảy phương Bắc, dường như cả hai đều có cùng tiếng nói. Ông Blinken khẳng định sẽ sử dụng các lệnh trừng phạt được Quốc hội Mỹ không qua để dừng việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí này nếu cần thiết. Tổng thống Biden cũng cho thấy ông sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động.

Đằng sau lập trường cứng rắn này của Mỹ là những tính toán về lợi ích kinh tế. Washington muốn thúc đẩy việc buôn bán khí đốt của Mỹ tới châu Âu, vốn sẽ hỗ trợ chương trình Buy American (Mua hàng của người Mỹ) mà ông Biden đưa ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước, đồng thời hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga với các đồng minh của mình.

Tính toán của Nga

Trái lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn sẽ được hoàn thành. Trong cuộc họp báo thường niên hồi tháng 12, ông Putin khẳng định: "Dòng chảy phương Bắc 2 rõ ràng là một dự án đem lại lợi ích kinh tế cho toàn châu Âu, trong đó có Đức".

Konstantin Kossachev, người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại ở Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) cũng tán thành với quan điểm này khi khẳng định hồi tháng trước rằng: "Trong kế hoạch chiến lược của chúng tôi, chúng tôi khẳng định rằng Đức luôn coi đây là một dự án kinh tế chứ không phải một dự án chính trị. Chúng tôi tin rằng quan điểm này sẽ được duy trì".

Dù vậy, không phải mọi người ở Nga đều có cùng ý kiến về việc này. Mikhail Krutikhin, một đối tác của công ty tham vấn RusEnergy tin rằng dự án trên "đã chết từ tháng 12/2019, khi Quốc hội Mỹ thông qua luật trừng phạt".

Hồi giữa tháng 1, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, nhà đầu tư chính của dự án trên đã không còn bác bỏ việc dự án này có nguy cơ thất bại nữa. Nếu việc xây dựng đường ống dẫn khí trên bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, tập đoàn này sẽ phải vận chuyển nhiều khí đốt hơn qua Ukaine trong khi nhu cầu từ châu Âu vẫn không thay đổi.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” ở châu Âu

Brussels khẳng định rằng Dòng chảy phương Bắc 2 không phải một dự án của châu Âu mà là một vấn đề của nước Đức. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết hồi cuối năm ngoái, tương lai của dự án là nằm trong tay Đức.

Trong số các nước thành viên EU, Đức, Hà Lan và Áo ủng hộ việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Chính phủ Đức coi dự án Dòng chảy phương Bắc là một động thái tích cực song luôn nhấn mạnh rằng đây "hoàn toàn là một dự án về kinh tế". Sau vụ nhân vật đối lập Nga Navalny bị đầu độc, trong khi các bộ trưởng đối mặt với sức ép chấm dứt dự án này thì Berlin vẫn khẳng định: "Vụ Navalny và đường ống dẫn khí trên là 2 vấn đề riêng biệt".

Trong khi đó, Ba Lan và Litva phản đối việc thi công Dòng chảy phương Bắc 2. Nghị viện châu Âu tuần trước cũng đã kêu gọi chấm dứt dự án này khi cho rằng ảnh hưởng của Nga đối với thị trường năng lượng châu Âu đã quá lớn và Moscow nên bị trừng phạt về vụ bắt giữ nhân vật đối lập Navalny. Pháp cũng hối thúc Đức dừng việc xây dựng đường ống dẫn khí trên.

Mặc dù Ủy ban châu Âu không bày tỏ lập trường rõ ràng nhưng cơ quan này đã đứng về phía các bên ủng hộ dự án khi Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt. Ủy ban châu Âu cho rằng các lệnh trừng phạt đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ dẫn đến các hành động đáp trả./.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại