‘NATO châu Á’ sắp có thêm thành viên, tăng khả năng đối phó Trung Quốc

Minh Thu |

Không loại trừ khả năng Anh sẽ tham gia khối 'NATO châu Á' để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Anh có khả năng tham gia vào khối "NATO châu Á" để tăng cường đối phó với Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Anh có khả năng tham gia vào khối "NATO châu Á" để tăng cường đối phó với Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Theo tờ The Times, việc Anh tham gia Đối thoại An ninh Bốn bên hay còn được biết tới với tên gọi “NATO châu Á” hay “Bộ Tứ Kim Cương” sẽ được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm tới Ấn Độ của Thủ tướng Boris Johnson. Chuyến thăm của ông Johnson còn là sự kiện để Anh – Ấn Độ cùng bàn với các cách đối phó với Trung Quốc. Bộ Tứ Kim Cương hiện có 4 thành viên là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Trước đó, Thủ tướng Johnson đã có kế hoạch trở thành vị khách danh dự tới dự lễ diễu binh mừng Quốc khánh Ấn Độ vào ngày 26/1. Tuy nhiên, ông Johnson buộc phải hủy chuyến đi, sau khi Anh ban bố phong tỏa toàn quốc để đối phó với dịch Covid-19. Ông Johnson được cho sẽ thực hiện chuyến thăm tới Ấn Độ trong thời gian sớm nhất khi điều kiện cho phép.

Tờ Telegraph nhận định, chính quyền Anh đang “rất muốn” tham gia vào Bộ Tứ Kim Cương nhằm đối phó với việc Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Nguyên nhân là do trong chuyến thăm tới Ấn Độ hồi tháng 12/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab nhấn mạnh Anh không loại trừ khả năng tham gia vào Bộ Tứ Kim Cương và vấn đề này sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Johnson tới New Delhi.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Kanwal Sibal từng cho hay các thành viên nhóm Bộ Tứ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hải quân ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối phó trước sức ép trên biển ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.

Trong cuộc gặp tại Nhật Bản vào tháng 10/2020 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, quan chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Trung Quốc. Theo đó, Washington miêu tả Bắc Kinh “trục lợi, tham nhũng và bắt ép”.

Hiện tại, Mỹ và các nước đồng minh đang đối đầu với Trung Quốc về nhiều vấn đề nóng như Đài Loan, mạng 5G của Tập đoàn Công nghệ Huawei và nhân quyền.

Trong đó, Australia và Trung Quốc đang bất đồng về các vấn đề liên quan tới đại dịch Covid-19. Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền biên giới trên dãy Himalaya. Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết triệt để tranh chấp chủ quyền quần đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Vào tháng 11/2017, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã đi tới thống nhất ký kết một thỏa thuận thành lập khuôn khổ an ninh “Ấn Độ - Thái Bình Dương” hay còn gọi là Bộ Tứ Kim Cương để cùng tuần tra và tạo dựng tầm ảnh hưởng trên các tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, cũng như các khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại