Động lực giúp Trung Quốc ôm hy vọng “soán ngôi” Mỹ ?

Hồng Anh |

Theo các chuyên gia, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào cuối thập kỷ này, sớm hơn nhiều năm so với dự kiến.

Kinh tế Trung Quốc có khả năng tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021. Ảnh minh họa: FT.

Kinh tế Trung Quốc có khả năng tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021. Ảnh minh họa: FT.

Trung Quốc muốn trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giành được ảnh hưởng trên trường quốc tế lớn hơn bao giờ hết. Theo giới phân tích, Bắc Kinh có động lực và sự tự tin để thực hiên mục tiêu này, nhưng họ cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

"Trung Quốc đang rất tự tin"

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã khắc phục được phần lớn hậu quả của dịch bệnh Covid-19 vào năm 2020 và có khả năng tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021. Theo các chuyên gia, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào cuối thập kỷ này, sớm hơn nhiều năm so với dự kiến.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, Françoise Huang, chuyên gia kinh tế cấp cao về Châu Á - Thái Bình Dương tại Euler Hermes nhận định: “Trung Quốc đã vượt qua cú sốc Covid-19 sớm hơn so với phần còn lại của thế giới và giới chức nước này đang lên kế hoạch dài hạn”.

Năm 2020, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ trong việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Cuối năm 2020, Bắc Kinh đã ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng và tạo điều kiện cho các công ty châu Âu được tiếp cận nhiều hơn với thị trường có 1,4 tỷ người tiêu dùng này. Giờ đây, Bắc Kinh đang bước vào một năm mới “nhẹ nhõm” hơn khi một trong những đối thủ mạnh mẽ nhất về mặt chính trị - cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã mãn nhiệm.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhận thấy Trung Quốc sẽ sớm giành được vị thế quan trọng trong năm 2021 và xa hơn nữa.

Phát biểu tại sự kiện trực tuyến “Davos Agenda” của Diễn đàn kinh tế thế giới ngày 25/1, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đã thúc đẩy thế giới hợp tác cùng nhau. Ông nhắc lại thông điệp về các lợi ích của toàn cầu hóa mà ông đã đưa ra khi tham dự Diễn đàn kinh tế tại Davos năm 2017. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, nước này sẽ “tận dụng lợi thế thị trường lớn và nhu cầu nhiều tiềm năng trong nước để mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn giữa các nước và phục hồi kinh tế toàn cầu”.

William Reinsch, một chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá, ông Tập Cận Bình đang rất tự tin. Trên thực tế, khó có thể phủ nhận sức mạnh về kinh tế của Trung Quốc. Các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như Fidelity và Invesco đã cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD cho ứng dụng tương tự như ứng dụng Tiktok của Trung Quốc, trong khi các thương hiệu lớn của Mỹ như Costco, Tesla và Starbucks cũng đang đầu tư mạnh mẽ tại nước này. Trung Quốc đã có thể vay với lãi suất âm lần đầu tiên vào năm 2020 và điều đó giúp Bắc Kinh thu hút được các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu, bao gồm cả các nhà đầu tư tại châu Âu và Mỹ.

Trước những cáo buộc về việc nước này đã mắc sai lầm trong xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 giai đoạn đầu, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có tại vùng tâm dịch Vũ Hán – khiến cuộc sống tại thành phố này bị tê liệt trong nhiều tháng. Biện pháp này dường như đã phát huy hiệu quả. Dù Trung Quốc đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh nhưng số ca mắc tại quốc gia này chưa bao giờ lên tới những cột mốc như Mỹ và châu Âu chứng kiến. Nhà chức trách Trung Quốc có thể mở cửa trở lại nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế trong khi nhiều quốc gia khác vẫn phải duy trì biện pháp phong tỏa.

Việc mạnh tay thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cùng những hành động thúc đẩy tăng trưởng, tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân, đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% vào năm 2020.

Ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC đánh giá: “Nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên dẫn trước trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới đang phải nỗ lực để duy trì sự cân bằng”.

Xét đến sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc trong một vài thập kỷ qua, nhiều nhà kinh tế học dự đoán Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Mỹ sau năm 2030. Tuy nhiên, ông Dan Blumenthal, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng xu hướng đầu tư vào Trung Quốc sẽ bị đẩy lùi khi Mỹ và châu Âu hồi phục. “Các công ty nước ngoài sẽ bị các đối thủ cạnh tranh lớn từ Trung Quốc chèn ép và sau đó là kịch bản hợp tác chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên với quy mô và tham vọng của mình, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Mỹ”.

Những thách thức trước mắt

Theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu của nước này. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, vẫn có những mối đe dọa hiện hữu với sự tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai. Vào tháng 12/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá, sự hồi phục của Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ còn chi tiêu tư nhân vẫn “dậm chân tại chỗ”. Những người khác lưu ý, hàng loạt vụ phá sản và vỡ nợ tại những công ty do nhà nước điều hành đã gây căng thẳng cho các thị trường trái phiếu tại quốc gia này.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics nhận xét: “Chính sách ứng phó đại dịch Covid-19 của Trung Quốc dù phát huy hiệu quả trong ngắn hạn nhưng lại khiến các công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả và điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng cho thị trường trái phiếu”. Nhiều khoản nợ đã đeo bám Trung Quốc suốt nhiều năm, phủ bóng đen lên các chính sách về kinh tế.

Hôi đầu tuần này, Ma Jun - nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quá lớn. Theo ông, điều đó sẽ làm gia tăng nguy cơ tích lũy nợ bởi nền kinh tế sẽ được thúc đẩy bằng cách nới lỏng các quy định cho vay. Chuyên gia này gợi ý, Trung Quốc nên từ bỏ các mục tiêu về GDP trên toàn quốc, thay vì đó ưu tiên tạo việc làm và kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, vẫn còn một lực cản tiềm tàng khác đối sự tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tới. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, sau khi nhiều công ty công nghệ của nước này, chẳng hạn như Huawei hay nhà sản xuất chip điện tử SMIC bị Mỹ áp đặt các hạn chế. Mỹ vẫn là mối lo ngại lớn đối với Trung Quốc.

Mặc dù Tổng thống Joe Biden có thể theo đuổi lập trường mềm mỏng hơn so với chính quyền ông Trump trong chính sách về Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không thể mong đợi nhà lãnh đạo Mỹ sẽ hạ nhiệt cuộc chiến thương mại hoặc từ bỏ các nỗ lực nhằm tái khẳng định vai trò đầu tàu của Mỹ về kinh tế và thương mại. Nhà nghiên cứu Reinsch của CSIS nhận xét, ưu tiên hàng đầu của ông Biden là chống dịch Covid-19 và khôi phục tăng trưởng kinh tế nhưng ông ấy là người theo đuổi chủ nghĩa đa phương. Một khi đạt được tiến triển về các mục tiêu trong nước, ông ấy sẽ chuyển sự chú ý vào các vấn đề thương mại toàn cầu”./.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại