Đồng nhân dân tệ liệu có thể thay thế đồng USD?

Ngọc Diệp |

Nếu ai đó nói rằng kinh tế Trung Quốc gặt hái được nhiều thành công bởi chính sách tín dụng dễ dãi của chính phủ, người đó sẽ phải nghĩ lại.

Thượng Hải là trung tâm kinh tế quan trọng đồng thời cũng là thành phố giàu có nhất Trung Quốc. Nếu như vào năm 1978 khi Trung Quốc vẫn còn rất nghèo, Thượng Hải mới chỉ có khoảng 15 tòa nhà chọc trời. Đến năm 2006, sau vài thập kỷ mở cửa nền kinh tế, Thượng Hải đã có đến 3.780 tòa nhà chọc trời. Cho đến hiện tại, chắc chắn số tòa nhà chọc trời đã cao hơn nhiều lần so với con số trên.

Nếu tính theo chuẩn của thế giới các nước phát triển, Trung Quốc vẫn là một nước nghèo. Thế nhưng người Trung Quốc không chậm trễ, họ luôn muốn học theo cách sống của người phương Tây và thực tế họ đang làm việc rất chăm chỉ để biến mục tiêu đó thành hiện thực. Họ đã gặt hái được nhiều thành công.

Nếu ai đó nói rằng kinh tế Trung Quốc gặt hái được nhiều thành công bởi chính sách tín dụng dễ dãi của chính phủ, người đó sẽ phải nghĩ lại. Trên thế giới có biết bao nhiêu Ngân hàng Trung ương với hàng loạt các ngân hàng cho vay theo chỉ định, chính sách tín dụng cũng dồi dào thế nhưng có rất ít nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như Trung Quốc.

Giáo sư chính sách thương mại tại đại học Cornell, ông Eswar Prasad, mới đây đã phát hành cuốn sách mới nói về sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc thông qua thao túng chính sách tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Cuốn sách “The Rise of Renminbi” rất giàu thông tin và nhìn chung có thể coi như cuốn sách hay.

Giáo sư Prasad rất có tiếng trong giới hoạch định chính sách kinh tế. Những người ủng hộ cuốn sách của ông bao gồm cựu chủ tịch FED Ben Bernanke, chuyên gia kinh tế học đại học Harvard Kenneth Rogoff, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers. Vậy tại sao cuốn sách lại nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế đến như vậy?

Đó là một câu hỏi hay. Theo tôi, họ khẳng định đánh giá cao cuốn sách của Prasad bởi thực ra chính họ cũng chưa hề đọc nó. Có lẽ chúng ta cũng không nên quên rằng cựu chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke, cho rằng tăng trưởng kinh tế cao sẽ dẫn đến lạm phát cao trong khi đó những gì chúng ta được chứng kiến nhiều thập kỷ qua đã cho thấy điều đó không đúng.

Trong trường hợp của Rogoff, khi ông tuyên chiến chống lại các chương trình bơm tín dụng trong xã hội, điều đó đồng nghĩa với việc ông kết luận rằng “liều thuốc” tốt nhất để chấm dứt suy thoái kinh tế chính là tăng quy mô các chương trình chi tiêu trong khi rõ ràng rằng nếu doanh nhân không tiếp cận được các nguồn tín dụng, họ không thể kinh doanh được.

Cuốn sách của Prasad bắt đầu với việc điểm lại vắn tắt lịch sử chính sách tiền tệ Trung Quốc. Theo đó, khi đồng Nhân dân tệ chính thức được lưu hành vào năm 1949, khi đó Trung Quốc là nước đầu tiên sử dụng tiền giấy. Prasad giải thích rằng trong thời kỳ nhà Tống khi người Trung Quốc ngày một giàu có hơn, họ cảm thấy họ không còn muốn dùng những đồng xu nặng nề trong giao dịch kinh doanh nữa.

Khi nói đến việc hạ giá đồng tiền và tình trạng mất ổn định tiền tệ, Prasad nhấn mạnh rằng triều đại nhà Tống đã suy yếu bởi tình trạng mất ổn định tiền tệ, chính vì thế nhà Nguyên mới lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng cuối cùng cũng chính nhà Nguyên không trụ vững được vì không quản lý được thị trường tiền tệ. Psasad nhấn mạnh: “Việc phát hành tiền giấy ồ ạt khiến niềm tin vào đồng nội tệ bị xói mòn.” Lenin, Mises, Keynes đều hiểu những gì Prasad đang viết: Nếu bạn muốn xã hội đảo lộn, đơn giản hãy hạ giá đồng tiền.

Sau khi đưa ra quan điểm rằng việc hạ giá đồng tiền chính là kẻ thù của ổn định chính trị, Prasad đã tự mâu thuẫn chính mình. Đầu chương 2, ông viết: “Việc hạ giá đồng nội tệ so với các đồng tiền nước ngoài sẽ có thể giúp xuất khẩu tăng trưởng và vì thế giúp bù lại việc nhu cầu nội địa suy giảm và làm cho GDP tăng trưởng.”

Rõ ràng rằng đồng nội tệ rẻ không phải chìa khóa giúp xuất khẩu tăng trưởng bởi khi đồng nội tệ rẻ, chi phí nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu khiến chi phí sản xuất hàng hóa ban đầu tăng. Đó là còn chưa kể đến việc chi phí vận tải chắc chắn sẽ tăng cao còn người lao động cũng sẽ đòi tăng lương. Đầu tư vào tăng năng suất lao động sẽ giúp

Tóm lại, Prasad hiểu sai về hạ giá tiền tệ. Hẳn không ít người đặt câu hỏi liệu có phải ông quên mất rằng từ đầu thập niên 1970 cho đến suốt thập niên 1980, trong khi đồng yên tăng giá chóng mặt đến 200% so với đồng USD, cùng lúc đó, xuất khẩu Nhật cũng trải qua thời kỳ hoàng kim nhất. Nếu hạ giá đồng tiền là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế, vậy hẳn Mexico, Argentina hay Zimbabwe sẽ nằm trong nhóm nền kinh tế giàu và tăng trưởng tốt nhất thế giới. Nói tóm gọn, việc hạ giá đồng tiền gây hại cho tăng trưởng kinh tế và làm xáo trộn mặt bằng giá cả bởi nó khiến đầu tư sụt giảm mạnh.

Một vài trang sau đó, Prasad viết rằng việc can thiệp vào thị trường ngoại hối giúp hạn chế sự tăng giá của đồng nội tệ và nhờ thế giúp cải thiện cán cân thương mại thông qua việc hạn chế nhập khẩu và kích thích xuất khẩu tăng trưởng. Tuy nhiên, quan điểm này bộc lộ nhiều sai sót. Đồng nội tệ tăng giá sẽ làm giảm chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa, vì vậy giúp tăng đầu tư và tiếp đến là hạ giá hàng hóa.

Tuy nhiên Prasad không nghĩ như vậy. Ông cho rằng đồng nội tệ cao chỉ gây ra toàn những tác động xấu trong khi đó hạ giá đồng nội tệ mang đến nhiều lợi ích hơn. Điều đó không đúng. Khi đồng nội tệ giảm, đầu tư giảm, giá hàng hóa vì thế cũng không thể giảm được.

Bản thân trong lập luận của Prasad cũng tồn tại một nghịch lý, trong khi chính ông đánh giá rằng khoảng 1.000 năm trước đây, tỷ giá ổn định giúp mang đến sự ổn định cho Trung Quốc thì khi nói về hiện tại, đồng nội tệ ổn định lại không phải yếu tố ông hướng đến. Và để bảo vệ cho quan điểm của mình, ông lại bám lấy quan điểm của nhiều nhà kinh tế hiện đại rằng hạ giá đồng tiền tốt cho nền kinh tế. Khi mà sức mua của đồng tiền mà người tiêu dùng kiếm được giảm đi, chắc chắn kinh tế cũng khó có thể phát triển được. Prasad quên rằng nền kinh tế không phải cỗ máy đạt được sự cân bằng nhờ vào chính sách tỷ giá thả nổi.

Adam Smith từng nói: “Công dụng của tiền là để giúp lưu thông hàng hóa tiêu dùng.” Khi đã hiểu đúng điều này, tất cả những cuộc bàn luận về việc hạ giá đồng tiền, sức mạnh, sự suy yếu của đồng tiền hay cán cân thương mại không còn nhiều ý nghĩa. Trên lý thuyết, thương mại bản thân nó luôn cân bằng. Trong một cuốn sách được coi là tốt, Prasad lại cho rằng việc hạ giá đồng nội tệ sẽ quyết định tăng trưởng xuất khẩu và sự thịnh vượng nói chung của nền kinh tế. Trên thực tế, theo rất nhiều chuyên gia kinh tế, nhập khẩu góp phần quan trọng giúp xuất khẩu tăng trưởng. Nền kinh tế nào nhập khẩu nhiều cũng xuất khẩu nhiều.

Prasad hay nhắc đến việc đồng Nhân dân tệ bị định giá quá thấp trong cuốn sách. Thế nhưng việc chỉ bám lấy quan điểm điều hành chính sách tỷ giá không giúp thay đổi thực trạng nền kinh tế. Chúng ta cần đến dòng tiền để điều tiết hoạt động thương mại và đầu tư.

Khi nhắc đến việc phần lớn chính phủ các nước châu Á neo tỷ giá đồng nội tệ của họ vào đồng USD, ông đã giúp độc giả nhớ đến một sự thật mà Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn chỉ muốn cử tri Mỹ quên đi: Trung Quốc thực ra đã neo tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào đồng USD từ năm 1994. Trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc vì đồng Nhân dân tệ giá thấp mà cố tình lờ đi sự thật trên. Khi đồng USD yếu, đồng Nhân dân tệ yếu và ngược lại. Cũng theo Prasad, từ năm 200 đến năm 2014, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 25% so với đồng USD. Ông Trump đã nói sai về sự thực này cho đến tận bây giờ.

Prasad nói đến quá trình để đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Cho đến hiện tại, đồng Nhân dân tệ chưa có được vị thế trên nhưng đang hướng đến vị trí đó. Hiện tại trong tổng dự trữ tiền tệ của thế giới, đồng USD chiếm 64%, đồng Euro 21% còn tỷ lệ này đối với đồng Nhân dân tệ mới chỉ đạt 1,1%. Prasad khẳng định rằng việc tỷ giá đồng tiền không biến động theo thị trường khiến đồng Nhân dân tệ khó trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, thế nhưng dường như họ đã không nói đúng những gì đang diễn ra.

Khi phân tích về lịch sử điều hành chính sách tiền tệ của Trung Quốc, Prasad biết rõ ràng rằng đồng nội tệ chỉ phát huy tốt nhất các chức năng của nó khi tỷ giá của nó ổn định. Nếu cho rằng giới điều hành chính sách tiền tệ Trung Quốc đang hướng đến việc giữ ổn định tỷ giá, có lý do để tin khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ dùng đồng Nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ sẽ lớn hơn. Chúng ta chỉ có thể hy vọng. Suốt 16 năm qua, chính sách tỷ giá đồng USD mà Bộ Tài chính Mỹ áp dụng đã gây hại không ít cho kinh tế toàn cầu. Đồng Nhân dân tệ ổn định sẽ buộc giới chức tài chính Mỹ phải cân nhắc lại chính sách tỷ giá của họ.

Trong cuốn sách, Prasad cũng tập trung quá nhiều vào việc nhấn mạnh kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh từ thời kỳ khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009 bởi chính sách in tiền ồ ạt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và chính sách tài khóa của chính phủ Mỹ. Prasad thừa biết tại sao. FED đơn giản không thể cứ muốn là in tiền nếu chính sách của họ không dựa trên nhu cầu thực của nền kinh tế.

Bất chấp một số những vấn đề với cuốn sách “Gaining Currency” như được nói đến ở trên, đó vẫn là cuốn sách hay. Prasad mang đến cho độc giả một cái nhìn tổng quan về lịch sử đồng Nhân dân tệ và chính sách liên quan đến đồng tiền này; sau đó ông đưa ra nhiều thông tin thú vị về việc nợ chính phủ Mỹ và Nhật sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của hai nước này; tiếp đó, ông nói đến các nhà đầu tư Trung Quốc né tránh các biện pháp kiểm soát vốn ra sau, tại sao trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ lại rất có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư toàn cầu. Và dù Prasad khá lạc quan về tương lai của kinh tế Trung Quốc, ông không tin rằng sẽ có ngày nào đó đồng Nhân dân tệ thay đồng USD để trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy tại sao một cuốn sách tốt và giàu thông tin vẫn có thể có “sạn”. Dù vậy, cuốn sách “Gaining Currency” vẫn có nhiều giá trị. Độc giả nên đọc cuốn sách với một tâm thế sẵn sàng tiếp thu quan điểm của tác giả thế nhưng cũng luôn phải nhìn nhận rằng lẽ ra cuốn sách hoàn toàn đã có thể tốt hơn nếu Prasad có quan điểm chặt chẽ hơn về tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại