Bước ngoặt kịch tính: Ông chủ WikiLeaks thoát án dẫn độ sang Mỹ

Phạm Nghĩa |

Một thẩm phán người Anh đã từ chối yêu cầu dẫn độ người sáng lập trang web WikiLeaks, Julian Assange, sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc làm gián điệp.

Ông Julian Assange. Ảnh: AP

Ông Julian Assange. Ảnh: AP

AP cho biết hôm 4-1, thẩm phán Vanessa Baraitser lập luận rằng ông Assange "có khả năng tự tử nếu bị giam giữ trong điều kiện nhà tù khắc nghiệt của Mỹ". Bà Baraitser cũng bác bỏ cáo buộc ông Assange đang bị truy tố vì lý do chính trị hoặc sẽ không được xét xử công bằng ở Mỹ.

"Tôi nhận thấy tình trạng tinh thần của ông Assange sẽ gặp vấn đề nếu dẫn độ ông ấy tới Mỹ. Ông Assange đang chán nản, đôi lúc cảm thấy tuyệt vọng, có khả năng vượt qua bất kỳ biện pháp ngăn chặn tự tử nào do ban quản lý nhà tù Mỹ đề ra" – bà Baraitser cho biết.

Sau khi nghe phán quyết tại Tòa án Hình sự miền Trung London, ông Assange đưa tay quệt ngang trán, còn bạn đời của ông, Stella Moris, rơi nước mắt.

Washington tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định trên, trong khi các luật sư của ông Assange dự định yêu cầu thả thân chủ họ ra khỏi nhà tù ở thủ đô London - Anh, nơi ông đã bị giam giữ hơn 1 năm rưỡi. Luật sư Barry Pollack bày tỏ sự hài lòng về phán quyết của bà Baraitser: "Nỗ lực truy tố và tìm cách dẫn độ ông Assange là không đúng ngay từ đầu. Chúng tôi hy vọng sau khi xem xét phán quyết của tòa án Anh, Mỹ sẽ không theo đuổi vụ kiện nữa".

Phán quyết trên đánh dấu một bước ngoặt đầy kịch tính trong cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm của ông Assange ở Anh dù có thể chưa phải là hồi kết.

Các công tố viên Mỹ đã truy tố người sáng lập trang web WikiLeaks về 17 tội danh làm gián điệp và 1 tội danh sử dụng máy tính công bố các tài liệu quân sự và ngoại giao cách đây 1 thập kỷ. Những tội danh này dẫn đến mức án tối đa là 175 năm tù giam.

Các luật sư của ông Assange nói rằng thân chủ họ làm việc như một nhà báo và được hưởng các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất. Hơn nữa, các tài liệu bị rò rỉ đã "phơi bày hành động sai trái của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan".

Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết ông Assange bị truy tố phần lớn là do "vai trò bất hợp pháp trong vụ trộm điện tín ngoại giao và hồ sơ quân sự của nhân viên phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning".

Những rắc rối pháp lý của ông Assange bắt đầu từ năm 2010 sau khi ông bị bắt ở London theo yêu cầu của Thụy Điển nhằm thẩm vấn về cáo buộc cưỡng hiếp và tấn công tình dục 2 phụ nữ. Vào năm 2012, để tránh bị dẫn độ tới Thụy Điển, ông Assange xin trú ẩn trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh.

Bị trục xuất khỏi đại sứ quán vào tháng 4-2019, ông Assange lập tức bị cảnh sát Anh bắt giam cho đến nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại