Thách thức của ông Joe Biden: Thị trường lao động ì trệ vì COVID-19

Thùy Dương |

Thị trường lao động Mỹ đang ở thời điểm khó khăn sau 10 tháng chìm trong đại dịch COVID-19.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware ngày 22/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware ngày 22/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, hàng triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp trong khi số ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng. Quá trình phục hồi thị trường việc làm đã chững lại.

Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chuyển vào Nhà Trắng tháng tới, ông sẽ tiếp quản thị trường lao động đang ở tình trạng rất xấu. Chỉ trong hai tháng, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã đi từ chỗ thấp nhất trong gần 50 năm (3,5%) lên mức cao nhất hồi tháng 4 (14,7%).

Trong suốt mùa hè, thị trường lao động phục hồi khá, lấy lại trên 22 triệu việc làm đã mất trong đại dịch. Tuy nhiên, đà phục hồi này lại ì ạch trong những tháng gần đây.

Các nhà kinh tế cho rằng chính quyền mới của ông Biden sẽ cần kích thích tăng trưởng việc làm và tiếp tục hỗ trợ người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 6,7% trong tháng 11, nhưng mức giảm này lại diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người lao động vĩnh viễn rời bỏ lực lượng lao động.

Trong vài tháng qua, số phụ nữ rời lực lượng lao động và số người già bị buộc nghỉ hưu sớm tăng đáng kể.

Cục Thống kê Lao động nhận định ngày 29/12: “Khi khủng hoảng COVID-19 tiếp diễn, ngày càng nhiều mối quan hệ chủ lao động-lao động đứt gãy, làm gia tăng thiệt hại về xã hội và kinh tế”.

Trong khi đó, số người xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn ở mức cao – gần gấp bốn lần so với cách đây một năm.

Bộ Lao động cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần dầu trong tuần lễ Giáng sinh dự kiến tăng 833.000. Các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 6,8% trong tháng 12.

Trong khi phục hồi thị trường việc làm còn chậm chạp thì nguồn hỗ trợ lớn nhất là chương trình tiêm chủng đại trà lại phải chờ thêm hàng tháng nữa.

Ông Cailin Birch, nhà kinh tế toàn cầu thuộc The Economist, nhận định: “Thời điểm tiến hành tiêm vaccine là nhân tố chính ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi thị trường lao động”.

Thách thức của ông Joe Biden: Thị trường lao động ì trệ vì COVID-19 - Ảnh 1.

Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại New Orleans, bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên 2 triệu người Mỹ đã tiêm liều vaccine đầu tiên nhưng ông Birch cho rằng phải tới quý ba năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng mới đủ để người tiêu dùng quay về hành vi trước đại dịch. Cho tới khi đó, tình trạng hạn chế hoạt động sẽ khiến kinh tế trì trệ.

Vacine sẽ giúp khôi phục việc làm trong những ngành cần giao tiếp trực tiếp với khách hàng.

Trong khi Mỹ chờ tiêm chủng đại trà thì thị trường việc làm sẽ tiếp tục xấu đi. Ông Birch cho rằng thắt chặt biện pháp phòng dịch sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng trong những tháng mùa đông.

Trong bối cảnh đó, ông Biden không có mấy công cụ để thúc đẩy thị trường việc làm trong ngắn hạn.

Một công cụ quan trọng là gói kích thích. Mặc dù có thêm gói kích thích hỗ trợ người dân trong đại dịch vừa được ký thành luật ngày 20/12, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng cần thêm gói kích thích để vừa hỗ trợ phục hồi việc làm, vừa hỗ trợ người chưa thể quay lại làm việc.

Quốc hội Mỹ sẽ phải cân nhắc bảo vệ người lao động trong kế hoạch kích thích kinh tế, đặc biệt là khi nhiều người vẫn không thể trở lại công việc vì sợ mình và gia đình sẽ nhiễm virus.

Ông Biden đã đề xuất đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng Mỹ để tạo việc làm cũng như đầu tư vào các chương trình đào tạo lực lượng lao động. Các sáng kiến này chỉ có thể thay đổi thị trường việc làm ở Mỹ trong trung và dài hạn.

Trước đó, ngày 20/12, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 900 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho hàng triệu người Mỹ thất nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-91. Ông Biden hoan nghênh Quốc hội vì cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận, đồng thời nhấn mạnh hợp tác hai đảng trong Quốc hội là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, ông cảnh báo đây chỉ là bước đi đầu tiên trong số rất nhiều việc cần làm và từ đầu năm tới ông sẽ đề xuất lên Quốc hội kế hoạch về những bước đi tiếp theo. Ông khẳng định, nước Mỹ cần chuẩn bị tinh thần và sẽ không có thời gian để lãng phí nếu muốn xoay chuyển tình thế khủng hoảng hiện nay.

Tính tới 31/12, Mỹ ghi nhận trên 20,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 350.000 người chết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại