Canh bạc “đại cử tri thay thế” của Trump thất bại từ trong trứng nước

Hoàng Phạm |

Trong mỗi bước đi, ông Trump đều thất bại, nhưng ông đã thành công trong việc thuyết phục nhiều thành viên đảng Cộng hòa rằng cuộc bầu cử này có nhiều kẽ hở và rằng ông đã bị “cướp” mất nhiệm kỳ thứ 2.

Canh bạc “đại cử tri thay thế” của Trump thất bại từ trong trứng nước. Ảnh: NZ Herald

Canh bạc “đại cử tri thay thế” của Trump thất bại từ trong trứng nước. Ảnh: NZ Herald

Cho dù chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã được Đại cử tri đoàn xác nhận ngày 14/12, nhưng một nhóm đại cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã họp tại một số bang chiến địa mà ông Biden giành chiến thắng và tìm cách bổ nhiệm chính mình là “nhóm đại cử tri thay thế” để bỏ phiếu cho ông Trump.

Liệu điều này có phủ nhận chiến thắng của ông Biden hay không? Câu trả lời là không. Nhóm đại cử tri thay thế này chỉ là nỗ lực cuối cùng của ông Trump và các đồng minh nhằm tận dụng sự phức tạp trong hệ thống bầu cử Mỹ để dấy lên những nghi ngờ về chiến thắng của Joe Biden.

Các “đại cử tri thay thế” có thể thay đổi kết quả bầu cử không?

Câu trả lời một lần nữa là không. Joe Biden đã thắng cử. Ông Biden đã thắng ở 25 bang và Hạt Columbia (thủ đô Washington), giành được 306 phiếu đại cử tri. Kết quả này đã được xác thực ở mỗi bang và thống đốc mỗi bang cũng đã ký xác nhận danh sách đại cử tri chính thức – những người cam kết bỏ phiếu cho ứng viên thắng số phiếu phổ thông tại bang mình.

Nhóm đại cử tri chính thức này là những người đã bỏ phiếu trong ngày 14/12.

Còn nhóm “đại cử tri thay thế” của đảng Cộng hòa không được bổ nhiệm bởi bất cứ quan chức nào của bang và cũng không có tính pháp lý.

Bước tiếp theo là ngày 6/1, khi Quốc hội họp và chấp nhận lá phiếu của các đại cử tri. Một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bày tỏ kế hoạch sẽ phản đối những lá phiếu này.

Tuy nhiên, sự tồn tại của nhóm “đại cử tri thay thế” sẽ không làm thay đổi thực tế ở Washington.

Đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện và sẽ không đảo ngược kết quả bầu cử bằng cách bác bỏ nhóm đại cử tri đã bỏ phiếu cho ông Biden. Ông Trump sẽ không cơ hội thay đổi kết quả.

Còn tại Thượng viện, đảng Cộng hòa (GOP) đang nắm đa số, nhưng có đủ số thượng nghị sỹ GOP bày tỏ phản đối những nỗ lực của ông Trump và cũng khó có khả năng viện này chấp nhận danh sách nhóm “đại cử tri thay thế ở các bang chiến địa hiện nay.

Nếu vì lý do nào đó, Thượng viện chấp nhận nhóm đại cử tri thay thế, thì bế tắc cũng không giúp ích gì cho ông Trump. Theo luật liên bang, nhóm đại cử tri do thống đốc bang ký phê duyệt sẽ có có quyền quyết định cho dù có bất cứ tranh cãi nào tại quốc hội.

Hiện tại ở tất cả các bang chiến địa mà Biden chiến thắng, các thống đốc (cả của đảng Dân Chủ và đảng Cộng hòa), đều đã chỉ định và phê duyệt nhóm đại cử tri bỏ phiếu cho ông Biden.

Theo chuyên gia luật Edward Foley tại Đại học Ohio, sự tồn tại của các “đại cử tri thay thế” sẽ không có ảnh hưởng trên thực tế và nhóm này sẽ bị Quốc hội bác bỏ.

“Họ đã thất bại ngay từ trước khi bắt đầu và bị xem như một điều phù phiếm và sẽ chẳng có chút giá trị nào”, ông Foley nói.

Steven Vladeck, một chuyên gia luật Đại học Texas đăng tải trên Twitter rằng: “Đừng quẫn trí vì những điều lố bịch ở các đại cử tri thay thế - họ sẽ không thay đổi được bất cứ điều gì vì chính các nghị sỹ đảng Cộng hòa sẽ bác bỏ họ. Hơn nữa, vì không chiếm đa số ở Hạ viện, tất cả những gì GOP có thể làm chỉ là làm chậm quá trình kiểm phiếu vào ngày 6/1 chứ không ngăn được điều đó xảy ra”.

Đã từng có tiền tệ

Trên thực tế, “đại cử tri thay thế” là điều từng có tiền lệ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, cuộc đua giữa John F. Kennedy và Richard Nixon, Thống đốc Hawaii - người của đảng Cộng hòa, đã xác nhận danh sách đại cử tri Cộng hòa sau khi kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy Nixon thắng ở bang này với cách biệt chỉ khoảng 100 phiếu. Tuy nhiên, các đại cử tri đảng Dân chủ vẫn họp và khẳng định rằng Kennedy sẽ thắng trong cuộc kiểm phiếu lại.

Đảng Dân chủ đã đúng và khi đến lúc Quốc hội xem xét lá phiếu của nhóm đại cử tri nào được tính, họ đã chọn nhóm đại cử tri của đảng Dân chủ. Cũng chính Nixon, với tư cách là Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm và Chủ tịch Thượng viện khi đó, đã ra quyết định này.

Nhóm đại cử tri thay thế (đảng Cộng hòa) của bang Pennsylvania thậm chí đã viện dẫn trường hợp Hawaii năm 1960 trong thông cáo báo chí ngày 14/12, nói rằng họ chỉ đang làm theo chỉ dẫn của đảng Dân chủ ở Hawaii cách đây 60 năm.

Dù vậy, 2 trường hợp có sự khác biệt đáng kể. Kết quả trong cuộc bầu cử ở Hawaii năm 1960 thực sự không rõ ràng khi danh sách các đại cử tri được gửi đi. Trong khi đó, ông Biden đã thắng ở Pennsylvania với cách biệt tới 80.000 phiếu, và các thách thức pháp lý mà chiến dịch của ông Trump và các đồng minh nộp đơn kiện cũng đều đã thất bại.

60 năm trước, Thống đốc Hawaiii đã gửi tới Quốc hội lá phiếu của cả 2 nhóm đại cử tri. Còn trường hợp Pennsylvania, thống đốc bang chỉ gửi đi lá phiếu của nhóm đại cử tri bầu cho Biden.

Theo luật liên bang, nếu có sự tranh cãi giữa 2 viện quốc hội, nhóm đại cử tri nào được thống đốc bang xác nhận gửi đi sẽ được tuyên bố là nhóm chiến thắng.

Biết thất bại nhưng vẫn muốn cược?

Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông vẫn muốn đặt cược vào các “đại cử tri thay thế”. Phía ông Trump đã dành nhiều tuần liền để theo đuổi các vụ kiện tụng mà cuối cùng lại không có cơ hội thành công.

Dù ở mỗi bước đi, ông Trump đều thua, nhưng ông đã thành công trong việc thuyết phục nhiều thành viên đảng Cộng hòa rằng cuộc bầu cử này có nhiều kẽ hở và rằng ông đã bị “cướp” mất nhiệm kỳ thứ 2.

Ông cũng đang gây quỹ hàng triệu USD. Số tiền này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cho dù ông không có cơ hội trong “canh bạc cuối cùng”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại