Lính PLA mặc giáp "Iron Man": Trung Quốc có lợi thế áp đảo, đây là đáp án của Ấn Độ trước cơn nguy khốn?

Hải Võ |

Quân đội Trung Quốc đang triển khai ứng dụng những công nghệ hiện đại nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng của mình tại các vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Hình ảnh từ báo cáo của đài CCTV về binh sĩ Trung Quốc ứng dụng giáp exoskeleton trong nhiệm vụ ở vùng cao

Hình ảnh từ báo cáo của đài CCTV về binh sĩ Trung Quốc ứng dụng giáp exoskeleton trong nhiệm vụ ở vùng cao

Quân đội Trung Quốc bắt đầu sử dụng "giáp Iron Man"

Giữa những căng thẳng ở biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc đã triển khai lực lượng của Quân giải phóng nhân dân (PLA) tại khu vực Ngari ở phía tây nam khu tự trị Tây Tạng.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 11/12 cho hay các binh sĩ của họ đã nhận được những bộ giáp exoskeleton, cho phép họ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, ở độ cao lớn. Theo đó, loại giáp này đặc biệt hữu hiệu trong các nhiệm vụ vận chuyển, tuần tra hay canh gác.

Tờ Eurasian Times (Ấn Độ) cho biết, loại thiết bị này từng được mô tả trên phim ảnh như trong các bộ phim Mỹ Starship Troopers và Iron Man.

Exoskeleton là thiết bị đặc biệt được chế tạo với chức năng bổ trợ sức mạnh và khả năng cho con người nhờ bộ giáp ngoài đeo lên mình. Các thiết bị dạng exoskeleton được ứng dụng cho mục đích quân sự, với mục tiêu tạo ra bộ "khung xương" làm tăng tốc độ, khả năng cơ động và sức mạnh vật lý của người mặc, cũng như bảo vệ binh lính.

Trung Quốc đã gia nhập cùng Mỹ và Nga trong cuộc đua tạo ra giáp exoskeleton, hay áo giáp tăng sức mạnh. Tuy nhiên, theo Hoàn Cầu, loại giáp mà các binh sĩ PLA tại Ngari được trang bị mới đây là áo giáp không trợ lực và giống như áo giáp nhẹ mặc bên ngoài.

Lính PLA mặc giáp Iron Man: Trung Quốc có lợi thế áp đảo, đây là đáp án của Ấn Độ trước cơn nguy khốn? - Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là một thử nghiệm trang bị exoskeleton của quân đội Trung Quốc (Ảnh: Twitter)

Báo cáo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin các binh sĩ PLA tại Ngari - ở độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển - đã bắt đầu sử dụng bộ giáp mới, cho phép họ mang theo khối lượng vật dụng tương đương một người lớn và tránh được rủi ro bị thương ở vùng hông hay chân.

Trong một nhiệm vụ tiếp tế mới đây, các binh sĩ Trung Quốc thuộc quân khu Tân Cương đã mang thức ăn và nước, mỗi người vận chuyển khoảng 20kg hàng hóa bằng các túi đeo vai. Nhờ có giáp exoskeleton, trọng lượng của ba lô được chuyển vào bộ khung áo giáp thay vì dồn xuống chân binh sĩ - một quân nhân nói với CCTV.

Do điều kiện thiếu ôxy ở vùng cao, việc mang vác hàng hóa nặng nề hơn so với khối lượng thực tế, trong khi sức chịu đựng của con người cũng giảm khi độ cao tăng lên - Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia, lưu ý rằng giáp exoskeleton có thể giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ các khớp cho người mặc.

Chuyên gia này chỉ ra rằng trong các chiến dịch phòng thủ tại biên giới, giáp exoskeleton sẽ tạo ra lợi thế đáng kể về thể chất do quân đội Trung Quốc, khi đối thủ của họ không sở hữu thiết bị tương tự và phải chống chọi điều kiện vùng cao khắc nghiệt.

Viện Nghiên cứu Số 208 về Công nghiệp vũ khí Trung Quốc đã chuyển lô giáp đầu tiên cho lực lượng PLA ở biên giới vào tháng 11, và lô thứ hai vào tháng nay, với những phản hồi tích cực từ quân đội.

PLA từng thử nghiệm giáp exoskeleton trước đây khi tổ chức cuộc thi có tên "Siêu chiến binh" vào năm 2019, với hơn 50 nguyên mẫu đến từ 25 nhà phát triển của Trung Quốc cạnh tranh trong 7 lĩnh vực gồm cơ động nhẹ, hành quân tải trọng nặng, vận chuyển tiếp tế và tải đạn.

Hoàn Cầu đưa tin về cuộc thi nói trên vào tháng 11/2019, nói rằng sẽ đến thời điểm PLA có được các bộ giáp "iron man" của riêng mình với hỏa lực hạng nặng, áo giáp đặc biệt và khả năng bay lượn.

Tuy nhiên, tác giả Michael Peck không đánh giá cao "bộ giáp Iron Man" của Trung Quốc. Ông viết trên tạp chí National Interest (Mỹ) rằng loại giáp này trông hào nhoáng trên phim hơn là trong thực tế, khi những vấn đề như nguồn điện có thể hạn chế tính năng của thiết kế hiện tại.

Lính PLA mặc giáp Iron Man: Trung Quốc có lợi thế áp đảo, đây là đáp án của Ấn Độ trước cơn nguy khốn? - Ảnh 2.

(Ảnh: Twitter)

Công nghệ "tàng hình" là đáp án cho Ấn Độ?

Eurasian Times ngày 12/12 đưa tin về "da nhân tạo", công nghệ có thể giúp các nhóm binh sĩ quân đội Ấn Độ duy trì trạng thái "tàng hình" trong nhiều giờ khi bảo vệ các tiền đồn ở khu vực biên giới đông Ladakh, nơi quân đội Trung-Ấn có thể bị vướng vào những vụ đối đầu quyết liệt.

Dù công nghệ này giống như viễn tưởng, song các nhà nghiên cứu Hàn Quốc thực sự đã thiết kế được một loại "da tàng hình" nhân tạo, cho phép binh sĩ ẩn thân bằng cách mô phỏng theo môi trường tác chiến.

Theo báo cáo có tên Vật liệu tân tiến, một nhóm nghiên cứu Hàn Quốc đang thử nghiệm "da nhân tạo có khả năng kiểm soát nhiệt độ, khó bị phát hiện", được chế tạo bằng vật liệu đặc biệt và có thể mặc bên ngoài, thậm chí có khả năng vượt qua các thiết bị tầm nhiệt.

Theo báo cáo nghiên cứu, "da tàng hình" chỉ mất khoảng 5 giây để chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Đã có những dự đoán rằng ra nhân tạo sẽ có hiệu quả đối với các lực lượng vũ trang, nhưng chưa có báo cáo nào về việc các nước sở hữu loại trang bị này.

Eurasian Times dẫn lời một thiếu tướng quân đội Ấn Độ, đóng quân ở gần Siachen Glacier - "chiến trường" cao nhất thế giới, nơi đường Kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan kết thúc - nhận định trang bị đặc biệt kể trên sẽ đóng vai trò quan trọng trong đánh bại các chiến dịch tấn công của đối thủ, không chỉ ở vùng Ladakh mà còn ở các khu vực khác mà Ấn Độ chia sẻ biên giới với Trung Quốc và Pakistan.

"Tôi đã đọc về nghiên cứu gần đây và về lý thuyết thì hoàn toàn có ý nghĩa nếu chúng tôi sở hữu nó," viên tướng Ấn Độ ẩn danh nói.

"Thông thường, binh lính Ấn Độ có trang phục có thể ngụy trang với môi trường, nhưng tất nhiên là mỗi bộ quân phục hay trang bị là dành riêng cho một nhiệm vụ khác nhau. Ở vùng có tuyết, chúng tôi dùng áo khoác dày có thể hòa vào môi trường tuyết, giúp chúng tôi không bị phát hiện. Nhưng anh không thể dùng bộ trang phục này ở vùng khí hậu ấm không có tuyết, hay trong nhiệm vụ ở địa hình rừng."

"Tôi không biết liệu các nhà khoa học đã tìm ra cách để [da nhân tạo] hoạt động được trong những điều kiện nhiệt độ cực kỳ lạnh giá mà chúng tôi đóng quân hay chưa. Ngay cả đồng hồ của chúng tôi cũng không chạy trong khí hậu như thế."

Tại các vùng cao như Ladakh, nhiệt độ có thể xuống đến âm 40 độ C trong mùa đông và lớp tuyết dày đến hơn 10m. Quân đội phải chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt này khi bảo vệ tiền đồn của phe mình.

Giữa bối cảnh căng thẳng biên giới Trung-Ấn kéo dài nhiều tháng qua, lực lượng Ấn Độ đã được Mỹ cung cấp lô trang phục chống rét đầu tiên. Họ cũng được cung cấp kính chống phản chiếu, bình nước giữ nhiệt đa năng, đồ lót nhanh khô và găng tay chống thấm nước để tăng khả năng sinh tồn giữa vùng sa mạc giá lạnh.

Một quan chức không quân Ấn Độ (ẩn danh) về hưu nói với Eurasian Times, công nghệ da tàng hình sẽ phải vượt qua một số rào cản trước khi những nước như Ấn Độ tính tới việc sử dụng được nó.

"Đầu tiên, yếu tố chi phí để tạo ra bộ áo công nghệ cao như vậy là bao nhiêu, và tính khả thi là thế nào?" - cựu quan chức Ấn Độ nói.

"Nó sẽ chỉ có lợi cho binh sĩ nếu công nghệ như thế là độc quyền của chúng tôi chứ không phải Trung Quốc cũng có. Nếu các nhà phát triển giới hạn việc xuất khẩu công nghệ đó cho một số ít nước, gồm có chúng tôi, thì khi đó nó mới có lợi cho chúng tôi."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại