Dân tình tranh luận vụ designer có tiếng bị tố quấy rối thực tập sinh: Đi làm quá khắc nghiệt hay sức chịu đựng của người trẻ kém?

THẾ HUÂN |

Nhiều người từng làm trong những công ty thiên về sáng tạo sau khi đọc xong bài đăng của các bên đều có những phản ứng trái chiều trên MXH.

Câu chuyện "Một designer có tiếng bị tố quấy rối và bắt nạt thực tập sinh, trả lương chỉ 2,5 triệu/tháng, không ký hợp đồng" đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Luân Thành Lê, đang giữ vai trò marketing manager cho một công ty ở TP.HCM và sáng lập viên của vài fanpage khá nổi trên MXH, chính là người đưa câu chuyện này lên MXH.

Thông qua bài viết của mình, Luân Thành Lê tố M - một designer khá nổi tiếng trong giới, có cách đối xử trong công việc không chấp nhận nổi với nhân viên K. Cụ thể, người sếp tên M này hay trêu đùa nữ nhân viên bằng những câu hỏi có phần khiếm nhã như "Em có bao giờ nghĩ em bị chửa hoang chưa?" rồi vặn vẹo về tình sử của cô...

Lúc nào cũng vậy, một câu chuyện kể ra thì luôn nhận về hàng trăm ý kiến trái chiều.

Dân tình tranh luận vụ designer có tiếng bị tố quấy rối thực tập sinh: Đi làm quá khắc nghiệt hay sức chịu đựng của người trẻ kém? - Ảnh 1.

Bài post thu hút sự chú ý của Luân Thành Lê

Phe đồng cảm với K: "Hành vi của sếp này không phải chỉ nói chuyện là xong được"

Nhiều người đã đứng về phía K, cho rằng hành vi này của sếp không phải chỉ nói chuyện dàn xếp hay nghỉ việc là có thể giải quyết được vì nó ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Mặt khác, đây là công việc đầu tiên của K, nếu cứ để nỗi ám ảnh này kéo dài thì liệu có dám bắt đầu một công việc khác ở nơi khác? Biết đâu sẽ bước chân vào một môi trường tương tự mà mình không biết cách bảo vệ mình? Họ cũng khuyên cô mạnh mẽ vượt qua và bước ra khỏi môi trường đó là cách tốt nhất!

- Chị cũng từng ở trong hoàn cảnh của em và chị hoàn toàn hiểu được tại sao em lại hành động và suy nghĩ như vậy. Chị vẫn nhớ ngày đó chị trở về, chị khóc và kiệt sức vì bị làm tổn thương quá nhiều. Chị nói với mẹ rằng chị sẽ nghỉ. Cấp trên sau đó đã nói chuyện với người đó để chấn chỉnh, và hy vọng chị ở lại công ty. Nhưng chị cho rằng, hành vi này không phải chỉ nói chuyện là xong được, vì họ phức tạp hơn những gì mình kể với người khác nhiều. Bước đi là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mình K ạ.

Dân tình tranh luận vụ designer có tiếng bị tố quấy rối thực tập sinh: Đi làm quá khắc nghiệt hay sức chịu đựng của người trẻ kém? - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

- Đi làm văn phòng 5 năm như mình, không có chỗ nào mà anh kia gọi là "đùa" mà nó có thể chấp nhận được cả, dù trong bất kỳ ngữ cảnh. Và nếu một mối quan hệ mà đùa kiểu này thì thực sự mối quan hệ đó chỉ toàn sự thiếu tôn trọng và cợt nhả. Không kể đến ảnh là một sếp, bạn là nhân viên mới vào, chẳng có lý do hợp lý nào cho văn hoá hành xử như thế này.

- Có nhiều artist mình thích, qua vụ việc này mình có cái nhìn khác về họ lắm. Mình biết cảm giác của bạn, biết và quen cả những câu đổ lỗi cho sức chịu đựng của mình kém. Cơ mà những người không biết đặt mình vào người khác (hoặc chỉ đặt mình vào người bạn của mình), thì họ không hiểu chuyện “thấy không hợp thì rời đi” khó thế nào đâu.

Người bênh vực M: "Cuộc đời còn dài, em K đã chịu chút áp lực đã la lên là không nên..."

Trong khi đó, phía những người bênh vực cho M lại nhìn vào câu chuyện hết làm nhờ người lên mạng "phốt" sếp cũ là không nên. Họ cho rằng cuộc đời còn dài và ai cũng sẽ có sai lầm, tuy nhiên, cách ứng xử với cái mà bạn cho là lỗi sai của người khác sẽ nói lên bạn là ai trong tương lai.

- Mình nghĩ là ai cũng có những sai lầm thôi. Nếu có thể thì hãy trực tiếp gặp gỡ hay nói chuyện thẳng thắn với nhau để cho ra vấn đề. Chứ nhờ ai đó đăng lên nói hộ thì thấy không ổn chút nào - vấn đề rõ ràng là không giải quyết được, còn ai cũng ấm ức cả. Cuộc đời còn dài, có sai lầm thì sửa. Sẽ có nhiều người cứ cố nhắc đi nhắc lại để dìm mình xuống, nhưng họ cũng sẽ chỉ thế được thôi.

- Ai cũng có quyền rời đi khi thấy không hợp, nhưng không có nghĩa mọi người ở lại đều sai, nên đừng đụng chút là quy chụp.

- Nói chung thì đọc cả 3 bài post từ 2 người trong cuộc và 1 bạn lên tiếng hộ thì mình cũng có các góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, anh M cũng nói sẵn sàng đối chất trực tiếp với bạn hoặc người có liên quan trong trường hợp bạn không muốn gặp cơ mà. Chốt lại mình hơi nghiêng về phía người đã từng có cơ hội nói chuyện hơn nhưng cũng mong anh đừng làm em thất vọng!

- Mình không thể nào đủ kiên nhẫn để đọc hết bài của bạn K luôn ấy. Bạn ấy mới intern muốn dấn thân vào ngành quảng cáo mà mới chút áp lực đã hô hào lên cho cả xã hội cùng biết và cố tình hạ bệ người khác là điều không nên. Nếu cảm thấy không hoà nhập với được văn hoá thì nên dừng lại thì vẫn tốt hơn. Xét thấy nếu mình sau này có tuyển dụng, chắc chắn thấy hồ sơ bạn ấy sẽ né ra vì sợ biết bị bóc phốt khi nào không hay.

Phe chia sẻ tips đi làm để không bị rơi vào trường hợp của K

Không bàn đến chuyện ai đúng ai sai, nhiều cư dân mạng thông qua chuyện này đã chia sẻ các tips vượt qua những khó khăn trong thời gian đầu đi làm, giúp bạn trẻ nhận biết đâu là môi trường làm việc toxic (độc hại) và an toàn.

- Nếu cấp trên, đồng nghiệp không tôn trọng lời bạn nói. Thường xuyên có hành vi quấy rối, phân biệt giới tính, chủng tộc, ngoài ra, còn giao việc làm thêm ở mức quá đà, không có động thái tái thương thảo hợp đồng, thoả thuận về công việc, thiếu tôn trọng giờ giấc của nhau. Đặc biệt là nếu bạn cảm giác không an toàn hay thoải mái mỗi khi đi làm. Đó là tín hiệu rõ của môi trường toxic.

Dân tình tranh luận vụ designer có tiếng bị tố quấy rối thực tập sinh: Đi làm quá khắc nghiệt hay sức chịu đựng của người trẻ kém? - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

- Nếu mỗi sáng suy nghĩ đầu tiên bật ra trong óc bạn là: "Cầu mong hôm nay sếp đừng chửi ai" thì nghỉ đi các bạn ạ, còn gì đâu mà khóc với sầu!"

- Mới là thực tập sinh muốn dấn thân vào ngành quảng cáo mà mới chút áp lực đã hô hào lên là điều không nên. Nếu cảm thấy không hoà nhập với được văn hoá thì nên dừng lại vẫn tốt hơn. Dù rằng trong trường hợp này M cũng không đúng nhưng vấn đề đùa giỡn kiểu như này trong công sở vẫn thường xuyên xảy ra mà.

- Anh có vào đọc và tôi thực sự nghĩ em K có rất nhiều cảm xúc chất chứa trong lòng nên mới viết ra dài và chi tiết cặn kẽ như vậy. Anh chỉ có thể cho K một lời khuyên là ngay từ câu đùa đầu tiên của sếp nếu em không vui, em có thể nói với sếp của em hoặc nhắn tin. Mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng chia sẻ.

Anh cũng là 1 người hay nói đùa và tôi thấy nó rất bình thường, nhưng nếu ai không thấy vui thì tôi sẽ stop. Em và cả bạn em còn rất rất trẻ và đây là công việc đầu đời mà đã có thể viết được những status chia sẻ bức xúc rất dài như vậy, thì không biết sau này còn bao nhiêu trạng thái cảm xúc với những sếp tiếp theo nữa nữa.

Với anh thì không có người sếp nào hoàn hảo, nhưng cũng không có người sếp nào vô ích với cuộc đời mình. Nhìn vào những gì mình có được để trân trọng, còn không hợp thì mỗi người một con đường riêng.

Nguồn: MXH


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại