Nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược: TQ mở rộng ảnh hưởng ở Caribbean, Mỹ lo mất "sân sau"

An An |

Mặc dù đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực nhưng Trung Quốc vẫn phải tránh thách thức trực tiếp với Mỹ ở Caribbean.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Caribbean

Trung Quốc đã cung cấp cho Jamaica các khoản vay và kỹ thuật chuyên môn để làm những con đường mới. Trên khắp các vùng Caribbean, Trung Quốc đã tài trợ thiết bị an toàn cho quân đội và cảnh sát, đồng thời cũng xây dựng một mạng lưới các trung tâm văn hóa Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vận chuyển một số lượng lớn bộ dụng cụ thử, khẩu trang và máy thở tới Caribbean để giúp các chính phủ đối phó với đại dịch.

Theo The New York Times (Mỹ-NYT), những hành động này là một phần trong các hành động "khiêm tốn và quyết đoán" của Trung Quốc trong những năm gần đây, nhằm mở rộng dấu ấn và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực thông qua các khoản tài trợ và cho vay của chính phủ, đầu tư của công ty Trung Quốc cũng như các nỗ lực ngoại giao, văn hóa và an ninh.

Tuy nhiên, trong khi các chính phủ trong khu vực hoan nghênh sự quan tâm của Bắc Kinh, thì Mỹ lại lo lắng và hoài nghi về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc và khả năng Trung Quốc thách thức ảnh hưởng của Washington trong khu vực.

Thị trường Caribbean nói chung tương đối nhỏ và hầu hết các quốc gia đều thiếu nguồn dự trữ khoáng sản và nguyên liệu thô khác - đối tượng thường thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Tuy nhiên, khu vực này có tầm quan trọng chiến lược như một trung tâm hậu cần, ngân hàng và thương mại. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, do nằm gần Mỹ nên khu vực này có thể có giá trị an ninh lớn trong các cuộc xung đột quân sự.

Nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược: TQ mở rộng ảnh hưởng ở Caribbean, Mỹ lo mất sân sau - Ảnh 1.

Đầu năm nay, Haiti đã nhận thiết bị y tế của Trung Quốc để để đối phói với đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty

"Ngoài vốn nợ, có nhiều lý do khiến Trung Quốc làm như vậy", ông R. Evan Ellis, Giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Cao đẳng Chiến tranh Mỹ, cho biết: "Trung Quốc trực giác hiểu được tầm quan trọng chiến lược của nơi này".

Những nỗ lực của Trung Quốc trong khu vực là một phần trong chiến lược toàn cầu nhằm tạo dựng các mối quan hệ kinh tế theo chiều sâu và các mối quan hệ chiến lược bền chặt trên toàn thế giới, một phần thông qua việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng.

Một động lực quan trọng đối với chiến lược Caribbean của Trung Quốc cũng là nhằm thu hút các quốc gia chính thức công nhận Đài Loan thay vì Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia này đều nằm ở Caribbean và Mỹ Latinh, Giáo sư tại Đại học Tây Ấn kiêm cựu Đại sứ Jamaica tại Mỹ Richard L. Bernal cho biết.

Ông nói: "Mục tiêu của Trung Quốc là loại bỏ dần sự công nhận Đài Loan".

Sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực Caribbean diễn ra vào thời điểm các nước trong khu vực cần sự giúp đỡ. Các quốc gia này rất cần xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng vị thế là các quốc gia có thu nhập trung bình khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài trợ để phát triển và xây dựng.

Theo dữ liệu từ Đối thoại Liên Mỹ, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, chính phủ Trung Quốc đã cung cấp tổng cộng hơn 6 tỷ USD cho các khoản vay lãi suất thấp trong 15 năm qua. Các khoản vay này được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và các sáng kiến khác ở các nước vùng Caribbean. 

Ngoài ra, cùng với nguồn vốn hỗ trợ cho Venezuela, tổng số tiền cho vay của Trung Quốc đã tăng lên 62 tỷ USD, phần lớn trong số đó dùng để đổi lấy nguồn cung cấp dầu dài hạn.

Cùng thời điểm đó, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào bến cảng, hậu cần hàng hải, khai thác mỏ khoáng sản và dầu khí, sản xuất đường, gỗ, các khu du lịch và các dự án công nghệ. Giáo sư Ellis cho biết, từ năm 2002 đến 2019, thương mại giữa Trung Quốc và Caribbean đã tăng gấp tám lần.

Theo NYT, trước sự thúc đẩy tham vọng lợi ích kinh doanh thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, nhiều quốc gia như Mỹ và châu Âu đã chỉ trích đây là "bẫy nợ ngoại giao" của Bắc Kinh. Vào năm 2018, Sri Lanka, không có khả năng trả các khoản vay của Trung Quốc, đã nhượng lại cảng lớn của mình cho nước này thuê dài hạn.

Nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược: TQ mở rộng ảnh hưởng ở Caribbean, Mỹ lo mất sân sau - Ảnh 2.

Havana, một ụ nổi dành riêng cho việc bảo trì các tàu ở Panama. Ụ nổi được sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà phân tích theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc ở Caribbean cho biết mặc dù có một số lo ngại về tính bền vững của khoản nợ mà chính quyền khu vực gánh chịu, nhưng họ chưa thấy bằng chứng cho thấy có một cái bẫy nợ như trường hợp bến cảng ở Sri Lanka.

Giáo sư tại Đại học Tây Ấn Bernal cho biết: "Cho vay không chỉ là một hoạt động kinh doanh kinh tế, mà còn là một cách để tạo thiện chí".

Mỹ lo lắng bị giảm ảnh hưởng

Jamaica, vốn nổi lên như một mỏ neo cho các hoạt động của Trung Quốc ở Caribbean. Theo số liệu từ Đối thoại liên Mỹ, Jamaica đã nhận được nhiều khoản vay hơn các quốc đảo Caribbean khác.

Theo số liệu của tổ chức này, trong 15 năm qua, Bắc Kinh đã cho Jamaica vay khoảng 2,1 tỷ USD để xây dựng cầu đường, trung tâm hội nghị và nhà ở. Theo Viện Kế hoạch Jamaica, các khoản tài trợ liên quan đã hỗ trợ cho các dự án như bệnh viện nhi đồng, nhiều trường học và một tòa nhà văn phòng cho Bộ Ngoại giao.

Ngoài ra, theo các bản tin địa phương, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc ở Jamaica đã rót hơn 3 tỷ USD vào các dự án như khai thác bauxite và sản xuất đường.

Vào tháng 11 năm ngoái, chính phủ Jamaica tuyên bố họ sẽ ngừng đàm phán về các khoản vay mới với Trung Quốc trong nỗ lực giảm nợ nhanh chóng nhưng sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn thông qua hình thức liên doanh và đối tác công tư.

Tuy nhiên, các quan chức Jamaica cho biết các khoản vay chưa trả của họ với Trung Quốc không gây gánh nặng đáng kể cho đất nước: Chúng chỉ chiếm khoảng 4% tổng số nợ của vay của Jamaica và dự kiến sẽ được hoàn trả trong vòng một thập kỷ.

Nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược: TQ mở rộng ảnh hưởng ở Caribbean, Mỹ lo mất sân sau - Ảnh 3.

Trong chuyến thăm tới Kingston hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) đã có cuộc gặp với Thủ tướng Jamaica Andrew Holness. Ảnh: Reuters

Trung Quốc cũng đã mở rộng ảnh hưởng của mình ở Caribbean thông qua hợp tác an ninh, bao gồm tài trợ thiết bị cho lực lượng quân đội và cảnh sát, đồng thời khởi động các dự án tiếp cận văn hóa, chẳng hạn như mở rộng mạng lưới Viện Khổng Tử. Các học viện này cung cấp các chương trình dạy ngôn ngữ và văn hóa, nhưng lâu nay vướng phải cáo buộc là tuyên truyền cho chính phủ Trung Quốc.

Đại dịch Covid-19 cũng cho phép Trung Quốc củng cố hơn nữa các mối quan hệ này bằng cách tặng hoặc bán thiết bị bảo vệ cá nhân. Động thái này còn được gọi là “ngoại giao khẩu trang”. Hồi tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng cam kết, Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay vắc xin 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh và Caribe.

Giáo sư Ellis cho biết, mặc dù đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực nhưng Trung Quốc  vẫn phải tránh thách thức trực tiếp với Mỹ ở Caribbean.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Caribbean vẫn buộc Mỹ phải thúc đẩy mạnh mẽ các dự án phát triển của chính mình, bao gồm Tăng trưởng ở châu Mỹ, một sáng kiến ​​đầu tư bắt đầu vào năm ngoái và nhiều nhà phân tích coi đây là phản ứng trực tiếp đối với các nỗ lực ngoại giao và thương mại của Trung Quốc ở Mỹ Latinh và Caribbean.

Vào tháng 10 năm nay, một phái đoàn của Nhà Trắng đã đến thăm Suriname, Guyana, Jamaica, Haiti và Cộng hòa Dominica để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ.

Mỹ cũng đã tăng cường cảnh báo với các đồng minh trong khu vực, nhấn mạnh những rủi ro khi làm ăn với Bắc Kinh. Theo Washington, đó là những mối nguy tiềm ẩn từ vấn đề xây dựng kém chất lượng đến các khoản cho vay săn mồi và gián điệp.

Trong những tuần gần đây, Đại sứ Mỹ tại Jamaica, Donald Tapia, đã cảnh báo quốc gia này không nên sử dụng hệ thống mạng 5G do hai công ty Trung Quốc Huawei và ZTE, phát triển do lo ngại về gián điệp. 

Trong chuyến thăm Jamaica vào tháng Giêng năm nay, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói rằng "các khoản vay lãi suất thấp từ những nơi như Trung Quốc thường rất hấp dẫn" nhưng tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến tham nhũng, môi trường v.v...

Đại sứ quán Trung Quốc tại Kingston, trong một tuyên bố đáp trả nhận xét của ông Pompeo, cho biết họ đã tăng cường liên kết với các quốc gia vùng Caribbean “trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi”, đồng thời cáo buộc Mỹ gây rối.

Có vẻ như một số chính trị gia Mỹ ở bất cứ đâu đều muốn tấn công Trung, làm mất uy tín của Trung Quốc, thêm dầu vào lửa, tạo mối bất hòa", Đại sứ quán Trung Quốc chỉ trích. "Họ cứ tiếp tục nói như thế nếu họ thích nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc thực tế. Thế giới sẽ thấy rõ ai đang khuấy động rắc rối và ai đang cố gắng tạo ra sự khác biệt”.

Pepe Zhang, Phó Giám đốc Trung tâm Châu Mỹ Latinh Adrienne Arsht của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa hai siêu cường đã đặt các quốc gia Caribbean vào thế khó xử và họ không muốn bị buộc phải chọn bên nào.

"Họ hy vọng sẽ hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực có ý nghĩa", ông nói. "Tôi cho rằng đó là điều thực tế hơn khi giờ đây, khu vực này đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế rất khó khăn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại