Thủ tướng Nhật Bản muốn cùng ông Joe Biden thúc đẩy liên minh Nhật - Mỹ

Thanh Phương |

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết ông hy vọng sẽ hợp tác với cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - người được truyền thông Mỹ tuyên bố đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước này sau cuộc bầu cử hồi tuần trước - để tăng cường hơn nữa liên minh an ninh giữa hai bên.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Suga đã gửi lời chúc mừng tới ông Biden - và người liên danh tranh cử với ông - Thượng nghị sĩ Kamala Harris. Thủ tướng Suga nhấn mạnh Nhật Bản và Mỹ cùng chia sẻ những giá trị cơ bản như tự do và dân chủ, và ông mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai bên để "bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Thủ tướng Suga cũng cho biết ông đang cân nhắc thời điểm tốt nhất cho các cuộc điện đàm với ông Biden và một chuyến thăm tới Mỹ. Hiện khoảng 55.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản theo hiệp ước an ninh thời hậu chiến, theo đó cho phép nước này phản ứng với những tình huống bất thường trong khu vực, ngược lại Tokyo sẽ được hỗ trợ phòng thủ trước các mối đe dọa tiềm tàng, bao gồm cả những cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên.

Sự ủng hộ của Chính phủ Nhật Bản đối với quân đội Mỹ, trong đó có việc di dời căn cứ của Mỹ tại khu vực đông dân cư thuộc tỉnh Okinawa (miền Nam Nhật Bản), là một trong những vấn đề song phương mà hai bên sẽ cùng phải giải quyết thời gian tới. Theo giới quan sát, Thủ tướng Suga và ông Joe Biden cũng sẽ tăng cường hợp tác trên trường quốc tế, trong đó cả hai đều đặt ưu tiên giải quyết các thách thức từ vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Biden cam kết đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính và cả hai bên cùng cam kết sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

*Cũng tại Đông Bắc Á, đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết sớm tổ chức các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Moon Jae-in và ông Biden.

Trong một cuộc họp của hội đồng lãnh đạo đảng này, đại diện đảng Dân chủ tại Quốc hội, Hạ nghị sĩ Kim Tae-nyeon nêu rõ: "Việc sớm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Hàn - Mỹ sau lễ nhậm chức của ông Joe Biden là điều cần thiết. Điều quan trọng đối với Hàn Quốc là phải có sự liên hệ ngoại giao chặt chẽ đối với Mỹ để quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc có thể được phản ánh đầy đủ trong quá trình chính quyền mới của Mỹ xem xét lại chính sách đối với Bán đảo Triều Tiên và Triều Tiên".

Hạ nghị sĩ Kim Tae-nyeon cho biết đảng Dân chủ sẽ hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực đối với tiến trình hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao "đa diện" ở cấp độ các nghị sĩ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới ở Mỹ để duy trì trạng thái sẵn sàng và vững chãi cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - Đại tá Moon Hong-sik cho biết: "Giới chức quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ sẽ cố gắng duy trì một thế trận quốc phòng tổng hợp mạnh mẽ để hỗ trợ quân sự cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên".

Theo Đại tá Moon Hong-sik, sau khi thành lập một lực lượng đặc nhiệm do Thứ trưởng Quốc phòng Park Jae-min đứng đầu, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xem xét các chính sách để chuẩn bị đầy đủ cho những thay đổi có thể xảy ra đối với các vấn đề quốc phòng giữa hai bên. Những vấn đề chính bao gồm việc chuyển giao Quyền Chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) cho phía Hàn Quốc và khả năng điều chỉnh quân số Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, mặc dù hai bên cho biết những điều này hiện chưa được thảo luận chính thức.

Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc cho biết hiện chưa ghi nhận bất cứ động thái quân sự bất thường nào từ Triều Tiên, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng nước này có thể tiến hành các hành động khiêu khích như vẫn thường làm khi có một chính phủ mới ở Mỹ nhậm chức. Hiện Triều Tiên chưa đưa ra phản hồi chính thức nào về kết quả bầu cử ngày 3/11 vừa qua tại Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại