Lời kêu gọi từ nhóm đại gia 30.000 tỉ USD

Hải Ngọc |

Ngày 4-11 (giờ địa phương), khi nước Mỹ theo dõi kết quả cuộc bầu cử tổng thống cũng là lúc quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.

Cùng ngày, một nhóm đại diện cho các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ (với khối tài sản tính chung là 30.000 tỉ USD) đã ra lời kêu gọi Mỹ sớm quay lại hiệp định này. Với thành viên là những nhà đầu tư lớn như BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới có trụ sở tại New York - Mỹ, nhóm này cảnh báo Mỹ có nguy cơ tụt lại phía sau trên đường đua kiến tạo một nền kinh tế toàn cầu sạch hơn. "Quay lại Hiệp định Paris sẽ phát đi một tín hiệu chính trị quan trọng, từ đó khơi thông nhiều dòng vốn hơn để hỗ trợ sự phát triển bền vững cũng như tạo thêm việc làm trong các lĩnh vực then chốt của kinh tế Mỹ" - bà Stephanie Pfeifer, Giám đốc điều hành của Tổ chức Nhóm đầu tư về biến đổi khí hậu, trao đổi với hãng tin Reuters.

Đứng tên chung trong lời kêu gọi của nhóm đầu tư châu Âu - Mỹ là nhiều nhóm đầu tư khác đến từ châu Á, Úc và New Zealand.

Theo báo The Spokesman-Review (Mỹ), bắt đầu từ một thông điệp trên Twitter vào năm 2013 cho đến suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump luôn xem việc con người góp phần gây ra biến đổi khí hậu là "trò lừa đảo". Không lâu sau khi đắc cử, ông Trump bắt đầu rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris 2015 vào tháng 6-2017, với lý do hiệp định gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Các quy định của Liên Hiệp Quốc buộc Mỹ phải đợi tới ngày 4-11-2019 mới được khởi động tiến trình xem xét rút lui - điều mà không nước nào ngoài Mỹ thực hiện.

Tổng thống Trump ủng hộ phát triển sản xuất dầu, khí đốt và than đá, bao gồm mở rộng khai thác trên đất công và ngoài khơi. Vào năm 2018, Mỹ vượt Ả Rập Saudi để trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, sau khi qua mặt Nga để làm nước sản xuất khí thiên nhiên lớn nhất toàn cầu vào năm 2011.

Ngược lại, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden gọi biến đổi khí hậu là "mối đe dọa hiện hữu" và cam kết đưa Mỹ quay lại Hiệp định Paris một khi thắng cử. Kế hoạch của ông Biden là biến lĩnh vực năng lượng của Mỹ trở nên "sạch" ô nhiễm vào năm 2035 và hướng đất nước thành nền kinh tế không carbon trước năm 2050. Với mục tiêu tham vọng này, kế hoạch dự tính huy động 2.000 tỉ USD của cựu phó tổng thống Mỹ sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, sản xuất xe hơi, xây dựng xanh, nông nghiệp bền vững…, từ đó "tạo ra hàng triệu việc làm và hiện đại hóa cầu đường, bến cảng…".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại