Quan chức Mỹ bày cách giúp Đài Loan răn đe PLA: Mua thêm nhiều vũ khí hủy diệt cỡ nhỏ

An An |

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Đài Loan không thể ứng phó với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc đại lục nếu chỉ đơn giản dựa vào việc tăng ngân sách quân sự.

Ông đề nghị Đài Loan mua số lượng lớn vũ khí hủy diệt cỡ nhỏ như tên lửa hành trình, đồng thời tăng cường tự chủ về phát triển vũ khí.

Đây là nhận định của ông David Helvey, Phó trợ lý trưởng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Hội nghị công nghiệp quốc phòng Mỹ-Đài Loan hôm thứ Ba vừa qua, VOA (Mỹ) cho biết.

Theo ông này, việc Đài Loan tăng ngân sách quân sự là một bước đi đúng hướng nhưng nó chưa thể đảm bảo khả năng phòng thủ linh hoạt cần thiết trước quân đội Trung Quốc (PLA).

Ông chỉ ra rằng Đài Loan phải tiếp tục nỗ lực cải thiện sức mạnh quân sự thông qua hai kênh là tự chủ phát triển vũ khí và mua sắm từ nước ngoài, đồng thời chú ý tránh chi tiêu quá mức trong các lĩnh vực có lợi nhuận hạn chế.

Tăng cường vũ khí phòng thủ hủy diệt

Trước mối đe dọa quân sự của Bắc Kinh, chính quyền Đài Loan đã tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2021 lên hơn 10%, tổng chi phí cụ thể là 15,2 tỷ USD. Đây là khoản ngân sách quân sự lớn nhất mà đảo này đề xuất cho đến nay.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhấn mạnh việc tăng ngân sách quân sự và tăng cường hợp tác an ninh với các nước như Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc đối phó với áp lực của PLA tại eo biển Đài Loan.

Quan chức Mỹ bày cách giúp Đài Loan răn đe PLA: Mua thêm nhiều vũ khí hủy diệt cỡ nhỏ - Ảnh 1.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Mustin của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 18/8. Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ

VOA cho hay, trong thời gian gần đây, các hoạt động liên lạc của Đài Loan với các nước châu Âu và Mỹ đã tăng lên đáng kể, điều này khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội. Tháng trước, PLA đã cử hàng chục máy bay quân sự bay qua eo biển Đài Loan, làm gia tăng đáng kể áp lực quân sự.

Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Nghiêm Đức Phát cho biết, PLA đã điều động 217 lượt máy bay tiến vào vùng nhận dạng phòng không của đảo này trong năm nay. Tương ứng, máy bay chiến đấu phản lực của Đài Loan đều xuất kích ứng phó. Ông nói rằng, đây là một lý do tại sao ngân sách quân sự của Đài Loan cần được tăng lên trong năm tới.

Trong bài phát biểu, David Helvey chỉ ra rằng, do chi tiêu quân sự hạn chế nên Đài Loan cần phải chú ý nhiều hơn đến sự cân bằng trong phân phối và sử dụng. "Cách tiếp cận cân bằng liên quan đến tự chủ phát triển vũ khí, mua sắm ở nước ngoài và duy trì hoặc từ bỏ các hệ thống hiện có để đảm bảo khả năng răn đe quân sự hàng thường xuyên và hiệu quả".

Ông này nói thêm, Đài Loan cũng cần có các dự án phát triển vũ khí của riêng mình, vì vậy điều rất quan trọng là tránh đầu tư quá mức vào các lĩnh vực khó có khả năng tạo ra lợi nhuận; đồng thời nhấn mạnh, khả năng phòng thủ của Đài Loan nên có các đặc điểm "tin cậy, linh hoạt, cơ động, phân cấp và hiệu quả về chi phí" để đạt được mục tiêu răn đe trên nhiều lĩnh vực.

"Chúng tôi khuyến khích Đài Loan phát triển cái mà tôi gọi là 'lượng lớn sức mạnh cỡ nhỏ', tức là sức mạnh phòng thủ có thể cho đối thủ biết rằng nếu họ tấn công, thì không thể không phải trả một cái giá đắt", quan chức Mỹ nói rằng, khả năng phòng thủ được nhắc đến là tên lửa hành trình phòng thủ có tính cơ động cao, đây là lý do Mỹ khuyến khích Đài Loan mua hoặc sản xuất càng nhiều tên lửa như vậy càng tốt.

Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đề cập đến một số khả năng phòng thủ mà Đài Loan nên ưu tiên, bao gồm vũ khí được sử dụng để phòng thủ các khu vực ven biển và bãi biển như vũ khí phòng không tầm ngắn, thủy lôi, tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ, pháo di động và thiết bị giám sát tiên tiến.

Ông Helvey nhấn mạnh rằng các loại vũ khí này có "khả năng sinh tồn" cao hơn so với các nền tảng chiến đấu quy mô lớn truyền thống và phù hợp hơn với đặc điểm địa lý của Đài Loan.

Đài Loan: Vẫn nên tự dựa vào sức mình

Trong khi đó, gần đây trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng miễn là căng thẳng khu vực có thể được xoa dịu, Mỹ sẽ tìm cách cung cấp biện pháp phòng thủ cho Đài Loan.

Đáp lại điều này, người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan khẳng định rằng, an ninh của Đài Loan chủ yếu phụ thuộc vào chính họ và "họ sẽ tự cứu lấy chính mình".

Ông Nghiêm Đức Phát nói: "An ninh quân sự của chúng ta [Đài Loan] phải được xây dựng trên chính thực lực của chúng ta, vì vậy, chúng ta sẽ tăng cường khả năng tác chiến phòng thủ và thể hiện quyết tâm tự vệ".

Ông này cũng nói rằng, Đài Loan sẽ hợp tác với các nước có chung quan điểm nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực.

Ông Trần Dĩ Tín, thành viên Quốc dân đảng cho rằng một khi cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan nổ ra, thì thời gian sẽ rất cấp bách nên liệu quân đội Mỹ có thể giúp đỡ kịp thời hay không là mấu chốt của vấn đề.

Ông nói: "Vì vậy, để bảo vệ an ninh của Đài Loan, chúng tôi (Đài Loan) thực sự không thể hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của người khác. Chúng tôi phải tự lực cánh sinh".

Ông này chỉ ra rằng mặc dù tiến triển hiện tại của quan hệ Mỹ-Đài là rất hữu ích đối với Đài Loan nhưng điều này không phải là sự đảm bảo 100%. Quan trọng hơn, chính quyền Đài Loan cần phải tránh chiến tranh và đưa quan hệ hai bờ eo biển trở lại hòa bình và ổn định. Đây là sự đảm bảo lớn nhất cho an ninh hòn đảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại