Phát hiện hố thiên thạch 100 triệu năm tuổi

Đức Mạnh |

Các nhà địa chất học tìm thấy hố thiên thạch mới cực lớn nằm gần thị trấn mỏ Ora Banda ở vùng hẻo lánh của bang Western Australia.

Miệng núi lửa có đường kính 5km được xác định sau khi các nhà nghiên cứu sử dụng các công nghệ hiện đại như lập bản đồ điện tử và trọng lực quan sát bên dưới các tảng đá để lập bản đồ vành ngoài cùng phần trung tâm của miệng núi lửa.

Nó được cho là một trong những hố thiên thạch lớn nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại.

Trước đó, các nhà địa chất tại Evolution Mining, một công ty khai thác mỏ tại Australia, bắt gặp một số lõi đá bất thường ở Ora Banda, họ đã gọi cho Jayson Meyers, nhà địa chất học và địa vật lý đến từ thành phố Perth.

Jayson Meyers đã kiểm tra các mẫu lõi khoan của các nhà địa chất, cũng như các mẫu đá từ khu vực này, và ông ngay lập tức nhận thấy những hình nón vỡ vụn - dấu hiệu của một vụ thiên thạch va chạm.

“Thiên thạch tạo ra miệng hố phải rộng ít nhất 100m. Dựa trên vị trí, mức độ xói mòi và loại đất ở thành hố, chúng tôi ước tính nó có niên đại khoảng 100 triệu năm” - Jayson Meyers cho biết.

Mảnh vỡ hình nón hình thành khi sóng xung kích áp suất cao, tốc độ cao từ một vật thể va chạm lớn - chẳng hạn như thiên thạch hoặc một vụ nổ khổng lồ (như ở một địa điểm thử nghiệm hạt nhân) - làm rung chuyển một khu vực, theo Viện Khoa học Hành tinh (PSI), một nhóm phi lợi nhuận có trụ sở tại Tucson, Arizona.

Những sóng xung kích này làm vỡ đá thành các mảnh vụn hình nón độc đáo, giống như dấu vết mà một vật cứng có thể để lại trên kính chắn gió của ô tô.

Meyers cho biết rằng: “Chúng tôi biết rằng không có bất kỳ vụ thử nghiệm hạt nhân nào tại Ora Banda. Vậy nên bằng chứng cho thấy một vụ va chạm thiên thạch cổ đại đã xảy ra ở địa điểm này”.

Để tìm hiểu thêm, Meyers đã kiểm tra địa hình của địa điểm và xem xét bản đồ dị thường trọng lực, thứ cho thấy trường trọng lực tại một địa điểm cụ thể khác với một Trái đất đồng nhất phẳng lặng, theo Đài quan sát Trái đất của NASA.

Bất kỳ dị thường hấp dẫn nào xuất hiện trên bản đồ có thể cung cấp thông tin chi tiết về các đặc điểm ẩn ảnh hưởng đến khối lượng và qua đó là lực hấp dẫn trong một khu vực nhất định. Ví dụ, một dãy núi sẽ có nhiều lực hấp dẫn hơn một bề mặt phẳng, trong khi rãnh đại dương hoặc miệng núi lửa sẽ có các dị thường trọng lực âm, Đài quan sát Trái đất giải thích.

Nghiên cứu của Meyers cho thấy, một hố va chạm ẩn với một vết lõm ở giữa. Vết nứt này là nơi những tảng đá vỡ quay trở lại bề mặt sau khi thiên thạch va vào, giống như một lò xo nén bật trở lại. Khi các nhà địa chất đi đến phần “vết nứt” của khu vực này, họ phát hiện ra những hình nón vỡ ở các mỏm đá.

Hiện tại, các nhà khoa học từ Đại học Curtin ở Perth đang điều tra địa điểm Ora Banda. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu sẽ kiểm tra xem các khoáng chất tại khu vực này có bị bay hơi và sau đó được kết tinh lại dưới áp suất cao hay không.

“Năng lượng giải phóng khi thiên thạch va chạm sẽ nhiều hơn năng lượng tổng hợp từ mọi thử nghiệm nguyên tử từng được tiến hành” - Meyers cho biết.

Nghiên cứu về zircon và các khoáng chất khác từ miệng núi lửa có thể sẽ tiết lộ thời điểm thiên thạch va chạm. Hiện tại, Meyers cho rằng, nó rơi vào khoảng 250 triệu đến 40 triệu năm trước. Tiến sĩ Meyers cũng cho rằng với công nghệ mới ngày càng phát triển được hỗ trợ bởi các nhà địa chất, có thể hy vọng nhiều khám phá hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại