Nghỉ học đi phụ hồ, bốc vác, 9x khởi nghiệp với 17 triệu đồng trở thành chủ chuỗi giày da lớn tại Sài Gòn

Hương Nguyễn |

Hay đọc sách nhân tướng, anh Nguyễn Văn Hoang đánh giá, mình có đường chỉ tay đặc biệt của những nghệ nhân chế tác đồ thủ công mỹ nghệ cho các bậc đế vương.

Lựa chọn khởi nghiệp thay vì tốt nghiệp đại học

Chỉ còn một bản đồ án tốt nghiệp là anh có thể tốt nghiệp trường ĐH Kiến Trúc, tại sao anh lại quyết định bỏ ngang?

Tôi thi đậu và theo học đại học Kiến Trúc TP HCM năm 2008, và đến bây giờ tôi vẫn chưa có bằng tốt nghiệp vì còn phải làm 1 đồ án cuối cùng nữa.

Thật ra lúc tôi chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, tôi rơi vào thế buộc phải lựa chọn. Hoặc là tiếp tục làm đồ án tốt nghiệp gác lại đam mê khởi nghiệp, đam mê kinh doanh qua 1 bên. Hoặc là tiếp tục theo đuổi đam mê kinh doanh các sản phẩm đồ da, giày da mà trước đó tôi đã vất vả ươm mầm trong lúc tôi vừa đi học vừa đi làm thuê.

Tôi nghĩ, dù có bằng tốt nghiệp hay không có bằng nó không quan trọng, doanh nghiệp vẫn chú trọng vào năng lực hơn. Công việc kinh doanh đang thuận lợi, sẵn máu kinh doanh khởi nghiệp, có nhiều kế hoạch lớn hơn nên tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội thực hiện giấc mơ thương hiệu thời trang Việt.

Tôi đã lựa chọn gác lại đồ án tốt nghiệp để khởi nghiệp với sự tiếc nuối nghề Kiến trúc sư của bạn bè và gia đình.

Nghỉ học đi phụ hồ, bốc vác, 9x khởi nghiệp với 17 triệu đồng trở thành chủ chuỗi giày da lớn tại Sài Gòn - Ảnh 1.

Thời gian đầu khi vừa nghỉ học và quyết định khởi nghiệp, anh đã gặp phải những khó khăn thế nào?

Khi tôi nghỉ học và tập trung cho việc kinh doanh thì tôi bắt đầu nghiên cứu bán lẻ, tự học Digital marketing, quảng cáo trên các nền tảng công nghệ như Facebook, Google... và tôi thấy không có gì là khó khăn.

Giai đoạn này chủ yếu là nghiên cứu và phát triển trên nền tảng đã dày công xây dựng từ trước. Đó là lúc tôi vừa phải lo cho việc học, vừa đi làm thiết kế cho văn phòng kiến trúc, vừa phải tạo tiền đề cho sự nghiệp của mình.

Tôi phải đi khắp Hóc Môn, Bình Chánh để tìm các xưởng sản xuất, các nguồn hàng tận gốc chất lượng tốt nhất với giá tốt nhất. Vừa phải chạy đi chào hàng khắp các cửa hàng giày trong Sài Gòn.

Nhưng đâu phải chào hàng là có khách hàng ngay, tôi phải tìm kiếm khách hàng bằng internet, qua các diễn đàn, trang rao vặt, bằng facebook cá nhân, làm từng việc rất nhỏ nhặt.

Khó khăn nhất là sau này khi mở rộng quy mô công ty, triển khai nhà máy sản xuất, khẳng định thương hiệu, thuyết phục được đối tác đầu tiên hợp tác đồng hành với mình. Đó là cả một quá trình nhiều mồ hôi và nước mắt của các anh em Banuli.

Nghỉ học đi phụ hồ, bốc vác, 9x khởi nghiệp với 17 triệu đồng trở thành chủ chuỗi giày da lớn tại Sài Gòn - Ảnh 2.

Đường chỉ tay đặc biệt trong sách nhân tướng

Giữa rất nhiều lĩnh vực khởi nghiệp, tại sao anh lại chọn làm giày da handmade?

Tôi là dân kiến trúc mà, mê cái đẹp, mà những sản phẩm về da thì nó vừa đẹp vừa có chất nghệ thuật trong đó. Tôi đã từng làm túi handmade để mình sử dụng, đã thương mại được. Nhưng túi thì giá khá cao, và vòng đời khá lâu, nên giày là sự lựa chọn tốt hơn.

Hơn nữa tôi cũng là người rất phong thủy, tôi hay đọc sách nhân tướng. Tay tôi có nhiều hoa tay, có đường chỉ tay đặc biệt mà theo sách nhân tướng nói rằng người có đường chỉ tay này ngày xưa thường là những nghệ nhân chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ cho các bậc đế vương. Và tôi tin với đam mê kinh doanh của tôi, tôi có thể phát triển những yếu tố đó tốt hơn.

Anh có thể giải thích cái tên thương hiệu "Banuli"?

Rất nhiều người hỏi về ý nghĩa cái tên Banuli. Tôi cũng chia sẻ rõ, tiền thân lúc ban đầu, khi mà tôi làm cái túi handmade đầu tiên thì tôi đặt tên thương hiệu là Zabora (da bò ra).

Sau này tôi để tên Zabora cho em trai tôi sử dụng, tôi đổi tên thương hiệu thành Bernuli là lấy cảm hứng từ thương hiệu thời trang xa xỉ Berluti và những thương hiệu thời trang ở Ý và Châu Âu.

Do người Việt Nam hay phát âm sai, nên lúc quyết định đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, sau khi được luật sư tư vấn kỹ về tên nhãn hiệu, tôi sửa lại thuần Việt hơn đó là Banuli bây giờ.

Nghỉ học đi phụ hồ, bốc vác, 9x khởi nghiệp với 17 triệu đồng trở thành chủ chuỗi giày da lớn tại Sài Gòn - Ảnh 3.

Khởi nghiệp với số vốn 17 triệu đồng, doanh thu công ty hiện nay thế nào? Anh định giá công ty bao nhiêu?

Banuli là tôi và tôi là Banuli, nên với tôi Banuli là vô giá. Còn thực tế tôi đã từng liên hệ một trong các Shark ngồi ghế nóng Shark Tank, và hiện tại cũng có nhà đầu tư muốn đầu tư vào Banuli, và cái giá tôi từng đưa ra và mong muốn không hề thấp, nhưng các Sharks vẫn quan tâm muốn tiến tới các bước gần hơn. Nhưng có nhiều lý do tới hiện tại Banuli vẫn chưa ký kết nhận đầu tư với ai.

Doanh thu đến cuối năm 2019 bình quân mỗi tháng trên dưới 1 tỷ. Đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của tình hình Covid nên tình hình kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng, doanh thu cũng sụt giảm đáng kể.

Anh làm thế nào để thương hiệu Banuli có thể cạnh tranh được với những thương hiệu khác, đặc biệt là những thương hiệu có tiếng và sản phẩm nước ngoài?

So với các thương hiệu Việt thì giống nhau cũng là thương hiệu Việt rồi, nhưng khác nhau về phân khúc khách hàng, chất lượng và thiết kế.

Các thương hiệu Việt lâu năm thì tập trung vào phân khúc khúc thấp, nên họ chưa đầu tư vào chất lượng cũng như nghiên cứu sản phẩm và thiết kế theo xu hướng. Ngoài ra Banuli là thương hiệu có nhà máy sản xuất, nên sản phẩm luôn có sự đồng nhất về phong cách thiết kế, và xu hướng sản phẩm.

So với các thương hiệu ngoại, thì giống nhau về mặt thiết kế. Banuli luôn chú trọng đến nghiên cứu sản phẩm và thiết kế. Nhưng khác nhau là các thương hiệu ngoại có nguồn lực lớn, đã được phát triển lâu năm.

Nghỉ học đi phụ hồ, bốc vác, 9x khởi nghiệp với 17 triệu đồng trở thành chủ chuỗi giày da lớn tại Sài Gòn - Ảnh 4.

Quy mô thị trường da giày Việt Nam rất lớn, các thương hiệu Việt nổi tiếng và thương hiệu ngoại chỉ chiếm khoảng tầm 5-7% thị phần, còn lại là các sản phẩm trôi nổi, hàng hóa Trung Quốc nhập lậu.

Để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, hàng không có nguồn gốc xuất xứ thì trước hết phải tạo uy tín và niềm tin cho người tiêu dùng.

Thêm nữa là giá cả phải cạnh tranh. Chính vì điều đó, để đảm bảo về giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, dịch vụ hậu mãi tốt, Banuli đã triển khai nhà máy sản xuất để tối ưu giá thành cũng như các dịch vụ đi kèm.

Những loại nguyên liệu anh làm giày có gì đặc biệt không?

Đặc trưng của dòng sản phẩm da giày đó chính là da, da là nguyên liệu chính tạo nên giá trị của sản phẩm. Nên về da thì không thể đặc biệt hơn ngoài việc sử dụng nguồn da chất lượng cao của của các nhà cung cấp nổi tiếng ở châu Âu.

Ngoài ra thì Banuli có bắt kịp xu hướng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, đã dùng các công nghệ nguyên liệu mới cho bộ phận đế, nguyên liệu nhẹ…

Để hưởng ứng xu thế xanh và sạch, Banuli đã lên kế hoạch ứng dụng công nghệ nguyên liệu mới thay thế cho da thuộc, đó là da từ thực vật.

Nghỉ học đi phụ hồ, bốc vác, 9x khởi nghiệp với 17 triệu đồng trở thành chủ chuỗi giày da lớn tại Sài Gòn - Ảnh 5.

Đôi giày đắt nhất mà anh từng làm có giá bao nhiêu? Chúng có gì khác so với những đôi bình dân?

Đôi giày mà Banuli đã từng làm đắt nhất có giá 4,5 triệu. Lúc đó tôi làm đồng loạt 5 đôi mẫu thì mất khoảng 5-7 ngày mới xong.

Điểm khác của sản phẩm này so với dòng sản phẩm bình thường là làm thủ công 100%, da bò thượng hạng nhập từ Ý, đế cũng bằng da hoàn toàn, da được đánh màu thủ công.

Phân khúc khách hàng anh muốn hướng tới là ai?

Phân khúc khách hàng mà Banuli hướng tới đó là tầm trung, làm việc văn phòng, công sở, và các đối tượng có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên tương lai tôi vẫn muốn xây dựng thêm một dòng sản phẩm Banuli Luxury để phục vụ các khách hàng có thu nhập cao cấp hơn.

Hiện chuỗi cửa hàng của anh đã có mặt tại những đâu, có bao nhiêu cửa hàng?

Chuỗi cửa hàng Banuli đa phần tập trung tại TP HCM, và một vài tỉnh thành. Banuli đang có 4 cửa hàng. Hiện tại Banuli đang làm việc và ký kết hợp tác với các đại lý để mở thêm nhiều cửa hàng ở các thành phố khác nữa.

10 năm sau sẽ chinh phục được thị trường Nhật và EU

Anh có ý định xuất khẩu giày thương hiệu Banuli sang nước ngoài? Anh thấy thế nào về "Việt Nam hùng cường"khi hiện nay có rất nhiều người mong muốn đưa Việt Nam sánh ngang với các nước khác?

Banuli đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ đưa sản phẩm có mặt tại thị trường một số nước khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu dài hạn hơn là 10 năm sau sẽ chinh phục được thị trường khó tính như Nhật và EU.

Theo quan điểm cá nhân tôi thì hiện tại Việt Nam chưa hùng cường. Chính vì vậy mà cần có những người có tâm, có khát khao, có hoài bão lớn, để tạo nên những thương hiệu Việt có tầm, đưa thương hiệu Việt đi xa hơn trên bản đồ thế giới.

Trong thời gian tới, chiến lược kinh doanh và mục tiêu doanh thu của anh thế nào? Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra?

Nghỉ học đi phụ hồ, bốc vác, 9x khởi nghiệp với 17 triệu đồng trở thành chủ chuỗi giày da lớn tại Sài Gòn - Ảnh 6.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề nền kinh tế toàn cầu, Banuli là 1 tế bào trong nền kinh tế đó, nên khó tránh khỏi.

Chiến lược trước mắt của Banuli là tối ưu mô hình sản xuất, tập trung nguồn lực hỗ trợ các đại lý đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó thì Banuli vẫn liên tục phát triển các đại lý khắp toàn quốc. Và chuẩn bị cho kế hoạch bước đi đầu tiên ra khỏi thị trường Việt Nam.

Kế hoạch của Banuli 3 năm tới thì sẽ phủ sóng thị trường Việt Nam. Và 5 năm đến 10 năm tới thì sẽ chinh phục các tị trường khó tính.

Từ phụ hồ, bốc vác đến giám đốc chuỗi giày da, anh có lời khuyên gì tới những bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp lĩnh vực sản xuất giày da nói riêng?

Lời khuyên dành cho các bạn đang có ý định khởi nghiệp đó là nguồn vốn lớn nhất mà mình có khi khởi nghiệp đó là chính bản thân mình, khi nào bạn không bỏ cuộc thì lúc đó bạn vẫn còn vốn để kinh doanh.

Bạn phải có đam mêm, ước mơ thật lớn lao nhưng cố gắng làm những việc nhỏ nhất để thực hiện ước mơ đó.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại