Quốc gia Đông Nam Á này cho thấy không có ai thực sự chiến thắng trong công cuộc hồi phục sau Covid-19

Mỹ Linh |

Phong tỏa nghiêm ngặt, các chính sách phù hợp của ngân hàng trung ương và những ứng dụng theo dõi được đông đảo người dân hưởng ứng. Ngay cả đối với những quốc gia đã làm tốt tất cả các điều trên, vẫn rất khó để nói trước được điều gì.

Nhiều chính phủ từng được ca ngợi vì các phản ứng mang tính "chuẩn mực" trước đại dịch, với đầy đủ biện pháp phong tỏa chặt chẽ, các ứng dụng theo dõi liên lạc tinh vi và các chính sách rõ ràng, nhưng cuối cùng, những điều bất ngờ vẫn xảy ra. Ở Singapore, các ổ dịch đã bùng phát trong các ký túc xá cho công nhân nước ngoài. Ở Hàn Quốc, đó là do các hộp đêm mở cửa trở lại quá sớm. Sau đó, có những quốc gia khác không làm gì sai xong vẫn phải hứng chịu những hậu quả. Điều này chứng minh rằng không có chiến thắng tuyệt đối nào trong việc phục hồi từ đại dịch.

Malaysia là một ví dụ điển hình như vậy. Mặc dù đã làm rất nhiều điều đúng đắn, nhưng đất nước này vẫn chứng kiến ​​sự sụp đổ mạnh nhất trong các nền kinh tế lớn ở Đông Á, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm 17,1% so với một năm trước đó. Xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng đều sụt giảm.

Malaysia đã nhanh chóng thực hiện các lệnh kiểm soát di chuyển cứng rắn, trong khi các nhà hoạch định chính sách hạ lãi suất và đưa ra ngân sách bổ sung, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho vay. Một hệ thống y tế khá phát triển đã cố gắng hạn chế các ca lây nhiễm: Số ca mắc bệnh tính đến thứ Năm tuần trước là 9.240 ca, thấp hơn nhiều so với khu vực, và có 125 ca tử vong. Nhưng xem chừng từng đó là chưa đủ.

Thống đốc NHTW Negara Nor Shamsiah Mohd Yunus đã đúng khi không tô hồng sự phục hồi mà bà nói là đang diễn ra. Đối với một quốc gia hạn chế mạnh mẽ đời sống xã hội và thương mại, nền kinh tế trông khá tồi tệ khi bị phong tỏa. Ngân hàng trung ương dự báo GDP 2020 sẽ suy giảm từ 3,5% đến 5,5%. Hoàn toàn trái ngược với dự báo trước đó mang lại hy vọng ít nhất là tăng trưởng tối thiểu.

Trên toàn khu vực, quý II được cho là vô cùng xám xịt. Bất kể những chính sách cấm đoán được thực thi cứng rắn hay mềm mỏng, mức sụt giảm GDP đều sâu sắc hơn dự kiến. Chỉ có Philippines là gần bằng Malaysia với GDP giảm 16,5% so với một năm trước đó. Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Indonesia đều chứng kiến GDP giảm mạnh.

Sự phục hồi hiện nay phụ thuộc nhiều vào những sáng kiến trên phạm vi toàn cầu ​​cũng như từ chính bản thân nước đó. Các nhà xuất khẩu như Malaysia nhận thấy nền kinh tế của họ đang phục hồi chậm hơn so với thế giới. Nhưng Malaysia vẫn có thể hưởng lợi từ bất kỳ sự bùng nổ nào về thiết bị viễn thông khi nhiều nhân viên trên khắp thế giới làm việc tại nhà. Đất nước này là một trong những nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn nhất thế giới, đã đặt cược lớn vào sản xuất điện tử ngay khi thời đại toàn cầu hóa bắt đầu vào những năm 1970.

Bất chấp việc các biện pháp kích thích tài chính có thực sự nhanh chóng tác động lên nền kinh tế thực hay không, các chính trị gia Malaysia đã cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi chúng. Đảng đối lập thậm chí còn ra hiệu ủng hộ việc nâng trần nợ công.

Đây không phải là lần đầu tiên Malaysia hành động "không theo chuẩn mực" trong thời kỳ kinh tế và tài chính khó khăn. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, các quan chức đã phá vỡ quy tắc khi ấn định tỷ giá hối đoái và áp dụng một số biện pháp kiểm soát vốn.

Sau khi đã đối mặt với vô số khó khăn và thiệt hại về kinh tế, Malaysia đang thức dậy từ trạng thái "ngủ đông" và đối mặt với một thế giới có triển vọng phục hồi khó khăn hơn dự kiến. Những sáng kiến mới – về chính sách tiền tệ hay trong bất cứ lĩnh vực nào - chắc chắn sẽ được dùng tới.

Theo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại