Lộ diện người mua phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC: Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora?

Châu Cao |

Đối diện với Splendora chếch ở phía bên kia đường cao tốc Láng Hòa Lạc, Vingroup xây dựng Vinhomes Smart City chào bán giá 100 triệu/m2 đất nền và 37-40 triệu/m2 mặt sàn chung cư.

Ngày 14/8, HĐQT Vinaconex ra quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Vinaconex (VCG) tại công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Trong 2 phiên giao dịch ngày 13 và 14/8, cổ phiếu VCG xuất hiện các lệnh giao dịch thỏa thuận tổng cộng hơn 127,46 triệu cổ phiếu, tương đươnghơn 2.985 tỷ đồng.

Số cổ phiếu này trùng khớp hoàn toàn với lượng cổ phiếu nắm giữ của cổ đông BĐS Cường Vũ và TNHH Start Invest, đặt dấu hỏi về việc hai nhóm cổ đông trong HĐQT của VCG là An Quý Hưng và nhóm BĐS Cường Vũ đã thỏa thuận xong về số phận của Splendora sau 2 năm dài xung đột lợi ích tại Vinaconex.

Phiên đấu giá lịch sử

Quay trở lại câu chuyện 2 năm trước, tháng 11/2018, khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn toàn bộ 254,9 triệu cổ phần VCG (chiếm 57,71% vốn điều lệ), nhóm cổ đông An Quý Hưng đã đấu giá thành công khi trả 28.900 đồng/cp, cao hơn 35,7% so với giá thị trường và hơn 56% so với thị giá giao dịch của VCG trên sàn.

Cái giá của An Quý Hưng trả để thâu tóm Vinaconex lúc đó đã khiến toàn thị trường bất ngờ, bởi trước đó, thị trường đồn đoán đã có đại gia sẵn sàng xếp hàng để mua số cổ phần của SCIC tại Vinaconex, và sự xuất hiện của An Quý Hưng tại phiên đấu giá được coi là "chen ngang".

Cùng ngày, phiên đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 21,28% vốn) của Viettel cũng thành công khi BĐS Cường Vũ đã trúng giá.

Mặc dù nắm giữ 57,7% vốn điều lệ, và hai cổ đông đại diện nhóm cổ phần tại An Quý Hưng là ông Nguyễn Xuân Đông và ông Đào Ngọc Thanh nắm giữ hai vị trí chủ chốt là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT, song nhóm cổ đông còn lại nắm giữ hơn 28,8% cổ phần là BĐS Cường Vũ và StarInvest liên tục phản đối các phương án kinh doanh của công ty.

Thậm chí, nhóm cổ đông BĐS Cường Vũ đã gửi đơn tố cáo lên tòa án nhân dân Đống Đa, ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường số 1 năm 2019 về việc bầu HĐQT. Điều này đã khiến HĐQT của Vinaconex phải tạm dừng hoạt động hơn 1 tháng trời.

Splendora: Nút thắt xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông Vinaconex

Lý do xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông chủ yếu nằm ở mảnh đất vàng Splendora có diện tích 264 ha do Vinaconex sở hữu 50%.

Năm 2006, Vinaconex và Công ty Posco E&C (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) thông qua Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (gọi tắt là An Khánh JVC), mỗi bên nắm giữ 50%.

Năm 2017, Posco E&C đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại An Khánh JVC cho công ty bất động sản Phú Long, một thành viên của Sovico với kế hoạch đưa Khu đô thị Splendora trở thành một thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Khi ra đời, Splendora mang theo nó một sứ mệnh, với cái tên được kết hợp giữa từ "Splendid" trong tiếng Anh có nghĩa là tuyệt đẹp, tuyệt mỹ và từ "ora" trong tiếng La Tinh có nghĩa là vàng.

Tọa lạc tại vị trí địa lý thuận lợi vào bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam, Splendora rồi đây sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực phía Tây Hà Nội.

Tiếp giáp với Đại lộ Thăng Long, huyết mạch giao thông cửa ngõ phía Tây, cách BigC 7 phút chạy xe, cách trung tâm Hoàn Kiếm khoảng 15km, và chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 40 phút.

Lộ diện người mua phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC: Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora? - Ảnh 1.

Tương quan vị trí của Splendora với các dự án lớn khác

Đối diện với Splendora chếch ở phía bên kia đường cao tốc Láng Hòa Lạc, Vingroup xây dựng Vinhomes Smart City chào bán giá 100 triệu/m2 đất nền và 37-40 triệu/m2 mặt sàn chung cư. Hiện tại các môi giới đang rao bán nhà tại Splendora với giá khoảng 70 triệu/m2 biệt thự.

Nhóm cổ đông An Quý Hưng nhìn thấy tiềm năng của Splendora. Nhóm Phú Long thì đã ngồi chờ từ trước. Ai cũng nhìn thấy, rất hiếm sẽ tìm ra được mảnh đất vàng, đã quy hoạch xong với diện tích hơn 260ha lại gần ngay trung tâm.

Nếu so sánh tham chiếu giá đất của Vinhomes Tây Mỗ Đại Mỗ, Splendora đúng như tên gọi của nó: vàng, tuyệt mỹ!

Nhưng một rừng thì không thể có 2 chúa sơn lâm, An Khánh JVC được quản lý bởi 2 ông chủ có quyền biểu quyết ngang nhau 50-50.

Phú Long có kế hoạch của Phú Long, Vinaconex có chủ tịch đã từng rất thành công với dự án Ecopark Hưng Yên cũng có kế hoạch riêng. Khi không có tiếng nói chung, Splendora vận hành rất chậm, tương tự như thời kỳ trước đó khi có 2 ông chủ là Vinaconex và Posco.

Nghịch lý đất vàng nhưng lỗ âm vốn chủ sở hữu

Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, An Khánh JVC đã lỗ 5 năm liên tiếp. Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty này có lỗ lũy kế 1.641 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 960 tỷ, so với vốn điều lệ 680 tỷ. Như vậy bình quân mỗi năm, An Khánh JVC lỗ khoảng 300 tỷ đồng.

Lộ diện người mua phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC: Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora? - Ảnh 2.

Trên bảng cân đối kế toán của Vinaconex, khoản đầu tư 340 tỷ giá vốn vào An Khánh JVC đã được hạch toán về 0, cũng vì An Khánh JVC đang âm vốn chủ sở hữu.

Lộ diện người mua phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC: Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora? - Ảnh 3.

Khoản đầu tư của Vinaconex tại An Khánh JVC đã "về mo"

Hiện tại, số liệu cập nhật ngày 14/8/2020, cho thấy An Khánh JVC đã chính thức thay đổi chủ sở hữu, Vinaconex đã được thay thế bằng CTCP Đầu tư và phát triển Pacific Star, nắm giữ 50% vốn của An khánh JVC.

Lộ diện người mua phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC: Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora? - Ảnh 4.

Thay đổi chủ sở hữu tại An Khánh JVC cập nhật ngày 14/8/2020

Pacific Star mới được thành lập cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 09/7/2020, vốn điều lệ 200 tỷ do ông Nguyễn Hoài Bảo, một doanh nhân sinh năm 1990 làm Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Một điểm đáng chú ý, địa chỉ trụ sở chính của Pacific Star nằm tại Tòa nhà Republic Plaza, số 18E Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM, đây là một trong các dự án thuộc CTCP Thương mại Thùy Dương – Đức Bình, một công ty liên quan đến Sovico Group. Người đại diện của Thùy Dương – Đức Bình cũng trùng với đại diện của Phú Long tại An Khánh JVC.

Lộ diện người mua phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC: Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora? - Ảnh 5.

Điều này cho thấy nhiều khả năng, Phú Long giờ đây đã toàn quyền quyết định số phận của Splendora sau 3 năm theo đuổi, kể từ khi mua lại phần vốn của Posco. Đổi lại, nhóm Cường Vũ và Star Invest cũng rút khỏi Vinaconex.

Về phần Vinaconex, giá gốc khi nhận cho An Khánh JVC trên bảng cân đối kế toán chỉ 340 tỷ và phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư, nhưng khi bán cổ phần tại công ty này, có thể Vinaconex sẽ được hoàn nhập dự phòng một phần.

Thị trường sẽ chờ đợi điều gì xảy ra ở Vinaconex thời gian tới, chỉ biết trong 3 phiên trở lại đây, thanh khoản tại VCG tăng vọt, cổ phiếu tăng từ 24.000 đồng/cp lên 33.000 đồng/cp chưa đầy 1 tuần.

Lộ diện người mua phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC: Hồi kết cho nghịch lý ngồi trên đất vàng lỗ nghìn tỷ của dự án Splendora? - Ảnh 6.

Đồ thị cổ phiếu VCG

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại