"Ba không" và "hiệu ứng Honda": Báo Nhật viết về cách Việt Nam đánh bay làn sóng COVID-19 đầu tiên

Hồng Anh |

Người dân và chính phủ Việt Nam đã hợp tác rất "ăn ý" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tác giả của bài bình luận được đăng tải trên báo Japan Times nhận xét.

Báo Japan Times (Nhật Bản) ngày 10/8 vừa đăng tải bài bình luận của tác giả Yoichi Funabashi về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Ông Funabashi là cựu Tổng biên tập báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, hiện là Chủ tịch viện nghiên cứu Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung lược dịch của bài viết trên.


"Hiệu ứng Honda"

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong việc phản ứng trước sự bùng phát của chủng virus corona mới. Kể từ giữa tháng 4 cho đến trước khi dịch bệnh "tái xuất" bí ẩn trong cộng đồng vào cuối tháng 7, các ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam đều là những người nhập cảnh từ nước ngoài và được cách ly ngay từ sân bay. Trong khoảng thời gian này, các đường bay nội địa ở Việt Nam đã được khôi phục về trạng thái "tiền - COVID-19".

Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch nối lại đường bay với các quốc gia không có ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng tối thiểu 30 ngày liên tiếp. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines - đã tuyên bố trên website của mình về dự định nối lại các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong danh sách nới lỏng hạn chế nhập cảnh của Nhật Bản (được áp dụng đối với các nhân viên công ty nước ngoài tại Nhật Bản và du học sinh).

Vì sao Việt Nam có thể chống dịch thành công như vậy? Một người bạn của tôi là nhà đầu tư có quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo doanh nghiệp châu Á, trong đó có người Việt Nam, nói rằng một trong những yếu tố làm nên sự thành công của quốc gia này là "hiệu ứng Honda".

Những người bạn Việt Nam của ông ấy giải thích: "Phần lớn chúng tôi di chuyển trên xe máy Honda. Chúng tôi đã quen với việc đeo khẩu trang chống bụi rồi. Tôi nghĩ rằng lần này thói quen ấy đã cứu chúng tôi".

Vậy, có phải văn hóa khẩu trang rất quen thuộc với các quốc gia Đông Nam Á đã làm nên sự khác biệt đó hay không? Thực tế, người dân Việt Nam đã tự giác chống dịch bằng cách đeo khẩu trang khắp nơi, rửa tay thường xuyên, hạn chế nơi đông người, và duy trì giãn cách xã hội - ngay cả khi chưa có yêu cầu từ chính quyền.

Sự thay đổi trong hành vi của mỗi công dân là chìa khóa trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Bảo vệ bản thân là bảo vệ toàn xã hội - và chắc chắn bảo vệ toàn xã hội chính là bảo vệ mỗi người. Có thể thấy rằng ở Việt Nam, người dân và chính quyền đã có sự hợp tác rất "ăn ý".

Ba không và hiệu ứng Honda: Báo Nhật viết về cách Việt Nam đánh bay làn sóng COVID-19 đầu tiên - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Reuters

Việt Nam thành công nhờ "ba không"

Tuy nhiên, biện pháp nào của chính phủ Việt Nam được coi là yếu tố quyết định trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19? Đó có thể là một quyết định từ rất sớm của Việt Nam sau khi Trung Quốc xác nhận về dịch bệnh này.

Cụ thể, đó là các biện pháp "ba không" đã được Việt Nam áp dụng trong giai đoạn đầu của đại dịch:

Thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã cấm các chuyến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ hai, Việt Nam đã ngừng cấp thị thực cho khách du lịch nước ngoài - bao gồm tất cả những công dân Trung Quốc và những người nước ngoài - đã ở Trung Quốc trong vòng 2 tuần trước đó.

Thứ ba, Việt Nam đã đình chỉ mọi chuyến bay đến và đi tới các vùng dịch ở Trung Quốc (đến ngày 22/3, Việt Nam đã tạm dừng nhập cảnh đối với mọi du khách nước ngoài).

Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.400km với Trung Quốc, và hai nước cũng có rất nhiều hoạt động trao đổi thương mại, kinh tế qua lại. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.

Khi đại dịch SARS bùng phát năm 2003, chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức hành động theo cảnh báo của Tiến sĩ Carlo Urbani, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội vào thời điểm đó. Những người nhiễm virus được đưa đến khu cách ly tuyệt đối, giới chức Việt Nam đã tiến hành truy dấu những người liên quan đến ca bệnh và áp dụng các biện pháp kiểm dịch như củng cố hệ thống xét nghiệm PCR tại các sân bay. Cuối cùng, Việt Nam đã kiểm soát đại dịch SARS thành công.

Lần này, bài học từ đại dịch SARS năm xưa cũng được chính phủ Việt Nam áp dụng, bao gồm các biện pháp như cách ly, truy dấu các ca nghi nhiễm và những người có tiếp xúc, phong tỏa các khu dân cư có người nhiễm hoặc cụm nhiễm...

Việt Nam cũng sử dụng hình ảnh ẩn dụ về một cuộc chiến (cuộc chiến chống COVID-19) để tạo ra sự đoàn kết trong cộng đồng và xã hội.

Công ty nghiên cứu YouGov (Anh) đã thực hiện khảo sát hàng tuần với các đối tượng đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, và theo kết quả từ những cuộc khảo sát này, người dân Việt Nam có nhận thức về COVID-19 cao nhất thế giới và cũng có đánh giá cao nhất về cách xử lý dịch bệnh của chính phủ. 95% người dân Việt Nam tham gia khảo sát tin rằng chính phủ của họ "xử lý tốt" dịch bệnh, trong khi đó, chỉ có 39% người dân Nhật Bản đưa ra đánh giá tương tự.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại